Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Nhận thức về môi trường có dẫn đến phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam?



Những quạt gió sản xuất điện đầu tiên ở Việt Nam, được dựng lên ở Bạc Liêu. Ảnh chụp tháng Năm 2014. AFP


Ngày 25 tháng 7, năm 2017, tại Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington DC, Hoa Kỳ diễn ra buổi hội thảo nhân dịp công bố báo cáo nghiên cứu về việc phát triển năng lượng tái tạo tại khu vực tiểu vùng Mekong, bao gồm Việt Nam, Lào, Cam Pu Chia, Thái Lan, Miến Điện và tỉnh Vân Nam Trung quốc.

Những nhà nghiên cứu của Trung tâm Stimson cho rằng việc phát triển các nguồn điện năng tại vùng Hạ Mekong nói chung và Việt Nam nói riêng nên đi theo hướng phối hợp nhiều phương cách khác nhau, bao gồm một cách thức quan trọng là phát triển các nguồn điện năng tái tạo nhưng không phải là thủy điện, là gió và mặt trời.

Các lý do được giới chuyên gia Trung tâm Stimson đưa ra là công nghệ điện gió và mặt trời ngày càng phát triển, làm cho giá điện của các loại này giảm mạnh. Nguyên do thứ hai là các phong trào bảo vệ môi trường đang phát triển mạnh ở các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ngăn cản sự xây dựng các đập thủy điện lớn, cũng như những trung tâm điện năng chạy bằng than gây ô nhiễm.

Ý thức môi trường đang tăng lên của dân chúng Việt Nam

Công trình nghiên cứu của Trung tâm Stimson có đề cập đến ý thức về môi trường của dân chúng Việt Nam đang gia tăng, thể hiện qua những cuộc biểu tình rất lớn sau thảm họa cá biển chết hàng loạt do nhà máy luyện thép Formosa gây ra.

Tuy nhiên công trình này thiếu số liệu về sự phản ứng của người dân Việt Nam đối với những nhà máy điện chạy than.

Có hai cụm nhiệt điện chạy than lớn đang được xây dựng tại miền Nam Việt Nam vì khu vực này không có các trung tâm thủy điện lớn. Đó là cụm bốn nhà máy được xây tại Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Thứ hai là Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, tại tỉnh Trà Vinh cũng gồm bốn nhà máy.

Năm 2015, một cuộc biểu tình lớn đã xảy ra ở Tuy Phong chống việc nhà máy điện than Vĩnh Tân 2 xả khói và xỉ than gây ô nhiễm đến mức dân chúng địa phương không chịu nổi. Cuộc biểu tình qui tụ hàng ngàn người, gây thiệt hại lớn về vật chất, một số người bị thương.

Năm 2016, dân chúng và các giới chức tỉnh Trà Vinh lên tiếng than phiền nhà máy điện chạy than Duyên Hải 1 xả khói và xỉ than gây ô nhiễm và làm hại đến hoạt động kinh tế của người dân. Theo số liệu của trang web về môi trường, Trung tâm Sáng tạo Xanh, chỉ riêng nhà máy Duyên Hải 1 đã thải ra một lượng xỉ than là 1,6 triệu tấn 1 năm, và ngay lập tức đã lấp đầy phân nửa diện tích bãi thải rộng 100 hectare.

Tháng 7, năm 2017, các nhà máy nhiệt điện chạy than Vĩnh Tân lại gây ra một sự chống đối lớn của dư luận, khi nhà máy số 1 được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép đổ chất nạo vét cảng Vĩnh Tân xuống gần vùng bảo tồn biển Hòn Cau của tỉnh Bình Thuận.

Tiến sĩ Phan Hữu Trọng Hiền, một người quê ở Bình Thuận đã lập một trang mạng xã hội kêu gọi chống xả thải. Trang này lập tức được rất nhiều người quan tâm.

13 tổ chức phi chính phủ và dân sự cũng lên tiếng chống việc đổ chất thải tại vùng biển Bình Thuận, trong đó có tổ chức Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam.

Bên cạnh những tác hại trông thấy trước mắt như ô nhiễm không khí hay xỉ than, còn có những tổn hại khác mà các nhà máy điện chạy than gây ra, đó là những thiệt hại về kinh tế đã không được những nhà làm kế hoạch tính đến khi cấp phép xây dựng nhà máy điện chạy than.

Điều chỉnh kế hoạch phát triển điện năng

Theo số liệu của Trung tâm Stimson, trích nguồn từ chính phủ Việt Nam thì trong năm 2014, thủy điện chiếm 46%, điện than chiếm 29% tổng lượng điện sản xuất tại Việt Nam. Theo kế hoạch của chính phủ Việt Nam thì điện than sẽ chiếm 42,7% vào năm 2030. Con số này đã được điều chỉnh, vì hồi năm 2015, ông Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện năng lượng Việt Nam của Tập đoàn điện lực Việt Nam, nói với chúng tôi rằng năm 2030 điện than chiếm 45%.

Theo các nhà qui hoạch chính sách điện năng của Việt Nam thì nguồn năng lượng thủy điện bên trong biên giới Việt Nam đã được sử dụng hết. Vì thế trước nhu cầu phát triển kinh tế và mức sống của một dân số đông đúc ngày càng tăng, nhiệt điện chạy than là một chuyện cần thiết hiện nay. Tỉ lệ điện năng sản xuất từ gió và mặt trời, theo Trung tâm Stimson, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam mong muốn sẽ ở mức 21% vào năm 2030. Các nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Stimson cho rằng con số này là quá thấp.

Một trong những trở ngại cho việc phát triển năng lượng gió, và mặt trời tại Việt Nam, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, là giá than đá mà Việt Nam đang nhập từ Indonesia thấp do các khoảng thuế đã được trừ đi theo các thỏa thuận thương mại. Bên cạnh đó giá điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam vẫn còn cao hơn so với điện sản xuất từ than.

Ông Lê Đăng Doanh cũng nêu một trở ngại khác là giá bán điện ở Việt Nam thấp, không khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm điện gió và mặt trời. Điều này được các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Stimson gọi là bao cấp giá điện.

Tuy nhiên theo ông Brian Eyler, Giám đốc dự án Mekong của Trung tâm Stimson thì chính phủ Việt Nam dường như cũng ý thức được phải điều chỉnh kế hoạch phát triển năng lượng của mình, ông nói tại buổi hội thảo:

“Việt Nam là một đất nước quan trọng, không chỉ ở khu vực mà còn trên thế giới nữa. Chính phủ Việt Nam biết rằng mình đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp, không thể nằm ngoài việc đầu tư vào lĩnh vực nguồn năng lượng. Vấn đề là nhìn nhận sự chuyển tiếp đó ra sao, nguồn năng lượng nào? Chúng tôi làm việc chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để giúp họ việc này. Hồi tháng Năm vừa qua, các viên chức Việt Nam đến Washington ký một thỏa thuận 2 tỉ đô la về một nhà máy điện chạy khí, và công ty General Electric đạt được thỏa thuận phát triển một khu điện gió lớn nhất nước nằm ở phía Nam.”

Thỏa thuận mà ông Eyler đề cập là dự án của General Electric về việc xây dựng một khu điện gió tại tỉnh Sóc Trăng có công suất đến 800 MW. Thỏa thuận này được ký nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Theo các nhà nghiên cứu của Trung tâm Stimson thì trong nội bộ các nhà làm chính sách tại Việt Nam đã bắt đầu có sự đồng thuận chú ý đến việc phát triển năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời, tuy nhiên Việt Nam cần phải làm rõ ràng hơn các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển năng lượng tái tạo, mặc dù nguyên tắc hỗ trợ này cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc cắt giảm khí thải nhà kính, trong đó có sự góp phần lớn của các nhà máy điện chạy than, đã được đưa ra từ sớm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét