Một trạm gác nổi của Việt Nam tại Trường Sa.
Vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy năm 2017 đã khiến lộ ra một sự thật
quá cay đắng: trên trường quốc tế, chính thể Việt Nam chưa bao giờ cô độc đến
thế. Một lần nữa, cần nhìn lại toàn cục khung cảnh “đối tác chiến lược” của Việt
Nam và liệu chính thể này có tiếp tục kiếm được tiền ở Biển Đông hay không…
Tây Ban Nha đâu rồi?
Nhiều nguồn tin quốc tế và trong nước cho biết vào ngày
24/7/2017, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt
của Repsol - một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam - ngay tại Bãi Tư
Chính mà vẫn được Bộ Ngoại giao chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không
tranh cãi của Việt Nam”. Tâm thế “giương cờ trắng” quá dễ và quá nhanh vào lúc
Trung Quốc mới chỉ tung một đòn phủ đầu tâm lý là một bằng chứng không thể rõ
hơn: Bộ Chính trị Hà Nội đã trở nên yếu ớt đến mức bị “người đồng chí 4 tốt” o
ép theo cách có muốn kiếm tiền ngay trong vùng hải phận của mình cũng không còn
được.
Repsol đã phải bỏ ra 300 triệu USD ban đầu để chuẩn bị khoan
thăm dò. Nhưng nếu hoạt động khai thác khí đốt này bị “đối tác chiến lược toàn
diện” lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc quyết liệt phá bĩnh, số tiền 300 triệu
USD đó sẽ mọc cánh bay lên trời, thậm chí chính phủ Việt Nam còn phải mang công
mắc nợ mà bồi thường toàn bộ số tiền này.
Nhưng cho tới nay, vẫn không có lấy bất kỳ phản ứng nào từ
phía Tây Ban Nha - một quóc gia mà Việt Nam đã ký kết “đối tác chiến lược” vào
năm 2009.
Tây Ban Nha đâu rồi?
Nhưng đây không phải lần đầu tiên các “đối tác chiến lược”
biến mất.
Tất cả đều quay lưng
2017 không phải là lần đầu tiên chính thể Việt Nam đổ bể về
cách cư xử của “đối tác chiến lược”.
Vào năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc
xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam, hầu hết các “đối tác chiến lược” của Việt
Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp.
Trong vụ Hải Dương 981, thậm chí trên kênh CNN toàn là những đại diện ngoại
giao của Trung Quốc phát biểu chứ không phải là đại diện ngoại giao của Việt
Nam.
Ba năm sau, tháng Bảy năm 2017, tiếp sau vụ viên thượng tướng
Phạm Trường Long - Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc - bất thần bỏ về
nửa chừng trong chuyến công du Việt Nam, một chuyên gia nghiên cứu quân sự là
giáo sư Carl Thayer của Học viện quốc phòng Australia, đã tiết lộ việc Bắc Kinh
nổi giận đến mức triệu hồi đại sứ của mình và đe dọa sẽ tấn công các căn cứ
quân sự của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp
tục khoan thăm dò khí đốt tại Bãi Tư Chính.
Sau đó là hình ảnh 200 tàu Trung Quốc ồ ạt vây chặt Bãi Tư
Chính, cùng 4 ngư dân Việt bị “tàu lạ” bắn trọng thương…
Nhưng đã không hề xuất hiệt bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Tây
Ban Nha, Nga, Mỹ hay những “đối tác chiến lược toàn diện” khác của Việt Nam tỏ
ra quan tâm và chia sẻ với Hà Nội trong cơn hoạn nạn mới nhất này. Tất cả cứ
như thể để cho “đối tác chiến lược toàn diện” duy nhất là Bắc Kinh muốn làm gì
thì làm.
Chính thể Việt Nam đã ăn ở ra sao để sinh ra nông nỗi ấy?
Chính thức phá sản chính sách “đu dây”
Hãy quay ngược kim đồng hồ. Từ năm 2001 đến năm 2013, Việt
Nam đã ồ ạt tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Liên bang Nga
(2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban
Nha, Australia (2009), Vương quốc Anh (2010), Đức (2011) và Ý (2013). Tổng cộng
có đến chẵn một chục quan hệ đối tác chiến lược. Trong số này, một số mối quan
hệ như với Trung Quốc và LB Nga còn được nâng lên tầm “đối tác chiến lược toàn
diện”.
Vài năm trước khi xảy ra làn sóng đối tác chiến lược của Việt
Nam với các nước, đã có nhiều ý kiến cho rằng quá nhiều đối tác chiến lược thì
khi xảy ra tình trạng khó khăn với Việt Nam, như khi Việt Nam bị gây áp lực
quân sự từ Trung Quốc, thì các đối tác chiến lược khác sẽ không có trách nhiệm
gì cả, bởi họ xem đó là vấn đề riêng tư của Việt Nam, tức sẽ không có một nguồn
lực tập trung để giải quyết vấn đề Việt Nam khi mà nguồn lực đó bị dàn trải quá
nhiều.
Quả thực, khi có quá nhiều các mối quan hệ đối tác chiến lược
thì bản thân các mối quan hệ đó không còn thực sự là “chiến lược” nữa. Việc đưa
ra khái niệm “đối tác chiến lược” như là một từ khóa quan trọng trong tư duy đối
ngoại Việt Nam hiện nay cũng vì vậy chẳng còn ý nghĩa gì.
Tây Ban Nha lại là một “đối tác chiến lược” khá vô nghĩa, bởi
quốc gia này hầu như không có ảnh hưởng gì tới an ninh, quốc phòng của Việt
Nam, trừ chủ nghĩa thành tích đối ngoại còn nước còn tát của giới chóp bu Hà Nội.
Cho tới lúc này, có thể không quá hồ đồ để sơ kết rằng giới
chóp bu Hà Nội còn chưa thật sự hiểu họ muốn gì trong phong trào thiết lập quan
hệ đối tác chiến lược.
Rốt cuộc, chính động cơ “bắt cá đa phương” vô cùng tận đã chẳng
mang lại một người bạn thực sự nào.
Một trong những dẫn chứng cho triết lý “lắm mối tối nằm
không” là vào năm 2014 khi đối thoại về việc nới lỏng cấm vận võ khí sát thương
cho Việt Nam, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel
Locklear, đã như mỉa mai: “Việc này phần lớn phụ thuộc vào Việt Nam muốn gì vì
họ có nhiều đối tác, nhiều láng giềng, cũng như nhiều mối quan ngại về an
ninh”.
Tới nay, kết quả hơn 16 năm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả
các nước” cùng hàng chục đối tác chiến lược của chính thể này đã chỉ được đúc
rút thành lời giễu cợt không thèm che đậy của chính giới quốc tế.
Tới nay và đặc biệt bằng vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy năm 2017,
chính sách cùng chiến thuật “đu dây” của Việt Nam với Trung Quốc lẫn phương Tây
đã chính thức phá sản. Sẽ chỉ còn lại một chút may mắn nếu Trung Quốc không tấn
công Việt Nam trên Biển Đông trong tương lai gần.
Vì nếu xung đột quân sự nổ ra, không hiểu quân đội Việt Nam
sẽ đánh chác ra sao…
Tiền, tiền, tiền, tiền, tiền!
Trong khi quẫn cực trong nỗi cô đơn vô cùng tận trên trường
quốc tế, chính thể Việt Nam lại đang cần tiền hơn bao giờ hết.
Cứ như lời thoại trong vở “Tất cả đều là con tôi” của Arthur
Miller - một kịch tác gia của Mỹ - thì “Tiền, tiền, tiền, tiền, tiền! Cứ nói
mãi rồi tất cả cũng thế mà thôi!”.
Giới chính khách và các nhóm lợi ích Việt chưa bao giờ chán
tiền theo triết lý “tiền là tiên là phật”.
Và tiền để duy trì chế độ.
Nhưng tình hình ngân sách chính phủ (bao gồm cả ngân sách đảng
cầm quyền) lại chưa bao giờ quay quắt như giờ đây. Sau tiết lộ chấn động “ngân
sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì” của Bộ
trưởng kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh vào cuối năm 2015, đến đầu năm 2017
chính tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra lời cảnh báo “sụp đổ tài
khóa quốc gia”. Tình trạng ngân sách cho đến lúc đó là “khó khăn gấp bội năm
2016” - như tiết lộ của vài chuyên gia tài chính của chính quyền.
Một trong những “khó khăn gấp bội” như thế có nguồn gốc từ
thực trạng giảm thu trong xuất khẩu dầu thô. Từ năm 2015 đến nay, giá dầu thô
quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt
Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt đến 50.000 - 60.000 tỷ đồng.
Làm thế nào để “bù đắp khó khăn ngân sách” và kiếm lại được
60.000 tỷ đồng bị hụt thu trên?
Nếu chiến dịch tăng thuế “bảo vệ môi trường” từ 3.000 đồng/lít
vọt lên đến 8.000 đồng/lít được chính quyền và nhóm lợi ích xăng dầu tiến hành
trót lọt, ngân sách trung ương sẽ đạt được số thu 100.000 tỷ đồng hàng năm, so
với hiện tại chỉ có khoảng 40.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có một phương kế khác để tăng thu. Tại kỳ họp
quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017, Chính phủ đã nêu ra một đề xuất đặc biệt: gia
tăng sản lượng khai thác dầu thô. Tuy nhiên, phía Ủy ban kinh tế quốc hội lại
“lăn tăn” trước đề xuất này. Lý do đơn giản là trữ lượng dầu thô của Việt Nam
chẳng còn bao nhiêu, do đó “cứ đào lên mà ăn” như tốc độ hiện nay thì chẳng mấy
lúc sẽ hết sạch.
Cần cấp tốc tìm ra những nguồn trữ lượng cùng doanh số mới.
Một trong những tiềm năng có thể cứu vãn ngân sách là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở
lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính. Nếu Công ty Repsol của Tây Ban Nha khoan thăm dò
thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Nhưng giờ đây lại là hoàn cảnh “khó chồng khó”. Trong lúc hầu
hết nguồn ngoại viện như tài trợ ODA, kiều hối đều giảm sút trầm trọng, nguồn
thu ngoại tệ từ khí đốt của ngân sách Việt Nam lại bị “đối tác chiến lược toàn
diện” Trung Quốc thẳng tay bóp nghẹt.
“Bản lĩnh Việt Nam” đã hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng chủ
quyền của mình!
Năm 2017, “đối tác chiến lược toàn diện” Trung Quốc đã thêm
một lần nữa khiến giới chính trị “Bốn tốt, mười sáu chữ vàng” trắng mắt. Trong
nhiều nỗi nhục trên đời, có lẽ nỗi nhục thuộc loại tận cùng nhất là bị kẻ thù cầm
tù ngay trong nhà mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét