Vào ngày này năm 1868, sau khi được ba phần tư số tiểu bang ở
Mỹ phê chuẩn, Tu chính án thứ 14, đảm bảo quyền công dân và các quyền khác cho
nhóm người Mỹ gốc Phi, đã được chính thức đưa vào Hiến pháp Hoa Kỳ.
Năm 1867, hai năm sau Nội chiến Mỹ, Đạo luật Tái thiết
(Reconstruction Acts of 1867) đã chia miền Nam thành 5 khu quân sự, nơi các
chính quyền tiểu bang đã được thành lập sau cuộc bầu cử dựa trên quyền phổ
thông đầu phiếu (cho nam giới tuổi vị thành niên trở lên). Kể từ đây, giai đoạn
được gọi là Tái kiến thiết Triệt để (Radical Reconstruction) bắt đầu.
Trong thời kỳ này, Tu chính án thứ 14 đã được Quốc hội thông
qua vào năm 1866, sau đó được phê chuẩn vào tháng 07/1868. Tu chính án này đã
giải quyết vấn đề của thời kỳ tiền Nội chiến về quyền công dân của nhóm người Mỹ
gốc Phi bằng cách tuyên bố “tất cả những người được sinh ra ở Mỹ hoặc nhập quốc
tịch Mỹ… đều là công dân Mỹ và là công dân của tiểu bang nơi họ sinh sống.” Tu
chính án đã khẳng định lại các đặc quyền của mọi công dân, đồng thời cho phép
nhóm người Mỹ gốc Phi “được luật pháp bảo vệ bình đẳng” (equal protection of
the laws).
Suốt nhiều thập niên sau khi được thông qua, điều khoản bảo
vệ bình đẳng trong Tu chính án thường xuyên được một số nhà hoạt động xã hội
người Mỹ gốc Phi trích dẫn. Họ lập luận rằng việc phân biệt chủng tộc đã phủ nhận
sự bảo vệ bình đẳng của luật pháp. Tuy nhiên, vào năm 1896, Tối cao Pháp viện
Hoa Kỳ đã ra phán quyết về vụ kiện Plessy v. Ferguson, rằng các tiểu bang được
phép áp dụng các quyền riêng biệt cho người Mỹ gốc Phi mà vẫn hợp hiến, miễn là
các quyền này cũng có thể được áp dụng cho những người da trắng. Phán quyết
Plessy v. Ferguson, trong đó tuyên bố sự khoan dung của liên bang đối với học
thuyết “tách biệt nhưng công bằng” (separate but equal), đã được sử dụng để biện
minh cho việc tách biệt tất cả các dịch vụ công, bao gồm xe lửa, nhà hàng, bệnh
viện và trường học.
Tuy nhiên, các dịch vụ cung cấp cho “người da màu” không bao
giờ bình đẳng với dịch vụ của những người da trắng, và nhóm người Mỹ gốc Phi đã
trải qua hàng thập niên bị phân biệt đối xử tồi tệ ở miền Nam và các nơi khác ở
nước Mỹ. Năm 1954, phán quyết Plessy v. Ferguson cuối cùng đã bị Tối cao Pháp
viện Hoa Kỳ bác bỏ bằng một phán quyết khác, trong vụ kiện Brown v. Board of
Education of Topeka.
———————————-
Thông tin thêm về các vụ kiện trong bài (Chú thích của người
dịch):
Vụ kiện Plessy v.
Ferguson (giữa Homer A. Plessy và John H. Ferguson).
Năm 1890, tiểu bang Louisiana thông qua Đạo luật Toa Xe
Riêng (Separate Car Act) theo đó yêu cầu phải có chỗ ngồi riêng cho người da
đen và người da trắng ở trên xe lửa. Năm 1892, Plessy (thực ra là con lai,
nhưng theo luật Louisiana thì vẫn bị xếp vào nhóm ‘người da đen’) đã mua một vé
hạng nhất và lên toa tàu ‘dành riêng cho người da trắng’ của Công ty Đường sắt
Đông Louisiana. Tuy nhiên, ông bị yêu cầu phải chuyển sang toa xe ‘dành riêng
cho người da đen’ – Plessy từ chối và bị bắt ngay lập tức, sau đó bị phạt 25 đô
la.
Trong vụ xử Plessy, luật sư đã trích dẫn quy định trong Tu
chính án 14 và chỉ ra rằng ông bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, thẩm phán John
Howard Ferguson, lại cho rằng bang Louisiana có quyền điều chỉnh luật của các
công ty đường sắt hoạt động trong phạm vi của bang này. Plessy đã bị kết án và
bị phạt 25 đô la. Plessy tiếp tục kháng cáo lên Tối cao Pháp viện, nhưng các thẩm
phán ở đây lại chấp nhận phán quyết của Ferguson, viện dẫn học thuyết “tách biệt
nhưng công bằng” (separate but equal).
Vụ kiện Brown v.
Board of Education of Topeka (giữa Oliver L. Brown và Sở Giáo dục Topeka, bang
Kansas)
Năm 1951, nhiều bậc phụ huynh người Mỹ gốc Phi đã ghi danh
cho con vào các trường gần nhà, nhưng các em đã bị từ chối và buộc phải đến học
tại các trường xa hơn. Phía Sở Giáo dục Topeka đưa ra lý do: các trường ở gần
là ‘trường dành riêng cho học sinh da trắng’, còn các em học sinh gốc Phi này sẽ
phải học ở ‘trường dành riêng cho học sinh da đen.’ Các phụ huynh, đại diện là
Oliver L. Brown, đã kiện Sở Giáo dục Topeka vì cho rằng con họ đã bị phân biệt
đối xử.
Tòa án Kansas đã bênh vực quyết định của Sở Giáo dục Topeka
trên cơ sở viện dẫn phán quyết Plessy v. Ferguson. Tuy nhiên Brown vẫn tiếp tục
kháng cáo lên Tối cao Pháp viện, và tại đây, toàn bộ 09 thẩm phán đã nhất trí rằng
việc sử dụng hệ thống trường học riêng biệt cho người da trắng và người da màu
là vi hiến, từ đó cũng bác bỏ phán quyết Plessy v. Ferguson.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét