Vùng biên giới Trung Quốc Bắc Triều Tiên (AFP)
Quân đội Trung Quốc hiện đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra
khủng hoảng với Bắc Triều Tiên, bằng cách củng cố phòng thủ dọc theo đường biên
giới dài 1400 km với nước láng giềng khép kín này. Bắc Kinh phải trong tư thế sẵn
sàng như vậy trong bối cảnh tổng thống Donald Trump liên tục cảnh cáo là Hoa Kỳ
không loại trừ hành động quân sự để ngăn chận chương trình hạt nhân và tên lửa
của Bình Nhưỡng.
Trung Quốc đã bắt đầu củng cố phòng thủ dọc theo biên giới Bắc
Triều Tiên ngay từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ nhất vào
năm 2006, với việc dựng các hàng rào kẽm gai ở nhiều đoạn trên biên giới và
tăng cường tuần tra. Vào tháng tư vừa qua, Trung Quốc cũng đã triển khai thêm
150.000 quân dọc theo biên giới Bắc Triều Tiên.
Theo nhật báo Mỹ The Wall Street Journal ngày 25/07/2017,
trong chiều hướng đối phó khủng hoảng với Bắc Triều Tiên, quân đội Trung Quốc
đã lập một lữ đoàn biên phòng mới, xây các boongke bảo vệ trong trường hợp xảy
ra các vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân và hóa học, lắp đặt hệ thống camera
giám sát đường biên giới trên núi, sử dụng cả các máy bay không người lái.
Vào tháng trước quân đội Trung Quốc cũng đã mở một cuộc tập
trận bắn đạn thật với súng máy từ trực thăng. Trong tháng 7 này, họ còn mở một
cuộc thao dượt khác với một đơn vị bộ binh thiết giáp được trang bị những vũ
khí mới. Những cuộc tập trận này không chỉ nhằm củng cố khả năng phòng thủ biên
giới, mà còn dựa trên giả định một cuộc chiến chống một đối thủ có trang bị vũ
khí hạt nhân.
Trả lời báo chí gần đây, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung
Quốc Lục Khảng khẳng định là không hề có hành động quân sự gì đặc biệt ở biên
giới Triều Tiên. Ông nhắc lại là Trung Quốc vẫn chủ trương không nên dùng biện
pháp quân sự để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù bộ Quốc Phòng Trung Quốc không trực tiếp thừa nhận những
thay đổi nói trên có liên quan đến Bắc Triều Tiên, trả lời nhật báo Mỹ The Wall
Street Journal, họ cho biết là lực lượng Trung Quốc bình thường vẫn luôn trong
tư thế sẳn sàng chiến đấu và huấn luyện ở biên giới.
Nhưng theo lời một cựu tùy viên quân sự của Mỹ ở Bắc Kinh,
tuy đang nỗ lực củng cố phòng thủ ở biên giới, quân đội Trung Quốc vẫn chưa thật
sự được chuẩn bị cho một chiến dịch bên trong lãnh thổ Bắc Triều Tiên.
Theo The Wall Street Journal, ngoài việc đối phó với khả
năng Hoa Kỳ có hành động quân sự chống Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh còn lo ngại làn
sóng người tị nạn sẽ ồ ạt đổ sang nếu nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều
Tiên. Đây là một mối quan ngại rất lớn đối với họ, vì nằm không xa biên giới Bắc
Triều Tiên là những khu vực tập trung đông dân số và miền đông bắc Trung Quốc
có tầm quan trọng về mặt kinh tế.
***
Biển Đông: Trung Quốc kêu gọi dừng thăm dò dầu khí ở vùng
tranh chấp
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. Petrotimes
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 25/07/2017 đã lên tiếng kêu gọi
ngừng thăm dò dầu khí ở vùng đang có tranh chấp trên Biển Đông. Lời kêu gọi được
cho là có hàm ý liên quan đến dự án hợp tác giữa công ty dầu khí Tây Ban Nha
Repsol và Việt Nam vừa mới phải dừng lại dưới sức ép của Bắc Kinh.
Dự án khoan thăm dò dầu khí tại lô 136-03, nằm ở ngoài khơi
phía đông nam của Việt Nam đã được Hà Nội cấp phép cho tập đoàn dầu khí Tây Ban
Nha Repsol và đã đi vào hoạt động từ giữa tháng 6 năm nay. Tuy nhiên lô khai
thác này nằm bên trong đường 9 đoạn trên Biển Đông do Trung Quốc tự vẽ để đòi
chủ quyền. Việt Nam đã bất ngờ cho ngừng khoan thăm dò dầu khí tại lô nói trên
trước sức ép của Trung Quốc, theo nguồn tin của BBC hôm 24/07.
Theo Reuters, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lục Khảng (Lu
Kang) cho biết Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo
Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là đảo Nam Sa, và có quyền pháp lý đối với các
vùng biển xung quanh cũng như đáy biển.
Trong buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, ông Lục Khảng
tuyên bố : “Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan chấm dứt các hoạt động xâm phạm
đơn phương và hành động thực tế để bảo vệ tình hình không dễ có được ở biển
Đông hiện nay“.
Trong khi đó, trang mạng straitstimes.com hôm nay đưa tin
Trung Quốc tỏ ý cho biết sẵn sàng hợp tác với Philippines cùng thăm dò khai
thác dầu khí trong vùng biển đang có tranh chấp trên Biển Đông.
Ghé Manila ngày hôm qua, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
giải thích rằng trong các vùng biển có chồng lấn quyền lợi, nếu một bên triển
khai các hoạt động đơn phương thì bên kia cũng sẽ có các biện pháp tương tự.
Như vậy sẽ làm tình hình trở nên phức tạp.
Ông Vương Nghị cũng tuyên bố thêm là hợp tác cùng khai thác
tài nguyên thiên nhiên trong các vùng biển tranh chấp là một sự “khôn khéo về
chính trị”. Trước đó một hôm, tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte đã cho biết
đã tìm được một đối tác để thăm dò khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh
tế của Philippines. Tuy nhiên ông không cho biết rõ cụ thể đối tác nào.
Trung Quốc luôn tuyên bố chủ quyền ở hầu hết Biển Đông. Hồi
tháng 7/2016, Tòa Trọng Tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết
bác bỏ yêu sách của Trung Quốc. Nhưng trên thực địa, chế độ Bắc Kinh vẫn đang
chiếm ưu thế trong việc kiểm soát hầu hết vùng biển chiến lược này và gây sức
ép với các bên đang có tranh chấp với họ về chủ quyền trên Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét