Cựu tổng thống Park Geun Hye trong phiên tòa ở Seoul,
23/05/2017.
REUTERS/Ahn Young-joon/Pool
L’Express tuần này có bài viết « Park Geun Hye, nữ tù nhân ở
xà lim 503 », nằm trong loạt bài về những phụ nữ nổi tiếng trên thế giới. Trước
khi bị truất phế vào tháng 03/2017, cựu tổng thống Hàn Quốc lãnh đạo đất nước
trong khi chịu sự chi phối của một nhân vật trong bóng tối, như người cha của
bà thời trước.
Đặc phái viên của tuần báo tại Seoul mô tả trong phiên tòa,
bà Park hết vẽ nguệch ngoạc rồi lại xóa, nghịch với những mẩu vụn của cục gôm.
Buổi tối khi trở về xà lim số 503 của trại giam Uiwang ở ngoại ô Seoul, bà ngồi
dựa lưng vào tường, thì thầm những từ vô nghĩa. Đôi khi bà yêu cầu quản giáo
mang suất ăn đến, trong khi bà mới vừa ăn trưa xong.
Bị truất phế và lãnh án tù vì « tham nhũng, lạm dụng quyền lực
và cưỡng đoạt », cựu tổng thống Hàn Quốc bị bệnh thật sự hay chỉ giả vờ để làm
cho các quan tòa xúc động ? Từ nhiều tuần qua, các nhà tâm lý học và thẩm phán
vẫn chưa tìm được câu trả lời.
Cô gái mồ côi quyền quý nhưng cô độc
« Tôi luôn biết rằng tôi sẽ có một cuộc sống khó khăn » - bà
Park đã viết trong nhật ký hồi năm 1990 - nhưng chắc chắn bà không bao giờ tưởng
tượng ra một sự xuống dốc thô bạo như vậy. Park Geun Hye (Phác Cận Huệ) sinh
ngày 02/02/1952 tại Samdeok Dong ở miền trung. Bà mới lên chín tuổi lúc người
cha Park Chung Hee (Phác Chính Hy) lên nắm quyền sau vụ đảo chính.
Trong 17 năm trời, vị tướng này lãnh đạo đất nước bằng bàn
tay sắt, buộc người dân phải hy sinh rất nhiều. Không có ngày nghỉ cuối tuần,
các nghiệp đoàn bị cấm hoạt động. Nỗ lực này đã được đền bù : Hàn Quốc trở
thành một con rồng nhỏ của châu Á. Trong vòng 10 năm, tổng sản phẩm nội địa
tăng vọt, các chaebol (đại tập đoàn) như Samsung, Huyndai… chinh phục thị trường
các nước. Tạo ra được « phép lạ Hàn Quốc », nhưng ông Park Chung Hee cũng có lắm
kẻ thù. Nhà độc tài này không ngần ngại tra tấn, thậm chí sát hại các đối thủ.
Năm 1974, ông thoát chết trong một vụ ám sát nhưng vợ ông,
Yuk Young Su, bị tử thương. Năm đó, Park Geun Hye 22 tuổi, cô sang Pháp học ở
Grenoble, rồi về nước theo yêu cầu của cha để đóng thay vai trò đệ nhất phu
nhân của người mẹ quá cố. Nhà Xanh, tức Phủ tổng thống Hàn Quốc, như một chiếc
lồng sơn son thếp vàng. Park Geun Hye sống khép kín, không bạn bè, người yêu,
không tâm sự với ai cả. Chỉ có một người xuyên qua được chiếc vỏ bọc của Geun
Hye, đó là Choi Tae Min. Ngay lần đầu tiên gặp mặt, ông này đã khẳng định : «
Tôi có thể liên lạc được với mẹ cô ở thế giới bên kia ».
Phải chăng sự cô độc khiến Geun Hye trở nên dễ tổn thương ?
Ông Choi Tae Min từng đi tu nhưng sau lấy đến sáu đời vợ, lập ra một giáo phái
trộn lẫn giữa Phật giáo và đạo Saman, được Park Geun Hye tin tưởng tuyệt đối.
Ông ta cũng chiếm được lòng tin của tổng thống. Ngày 26/10/1979, ông Park Chung
Hee bị giám đốc tình báo bắn chết, hung thủ biện minh là muốn làm ông Choi
không còn có thể lũng đoạn.
Sau khi cha mất, cô gái mồ côi quyền quý Park Geun Hye vẫn rất
thân thiết với Choi Tae Min. Ông này « kiểm soát cả hồn lẫn xác bà Park », theo
nhận xét của đại sứ Mỹ tại Seoul, trong một bức điện mật bị WikiLeaks tiết lộ.
Park Geun Hye cũng gắn bó với Choi Soon Sil, con gái ông ta, và mối quan hệ này
ngày càng chặt chẽ. « Trong những giây phút khó khăn, bà Choi đều bên cạnh tôi
», bà Park giải thích.
Số phận oan nghiệt của con gái nhà cựu độc tài
Năm 1998, Park Geun Hye được bầu làm dân biểu, và leo dần
lên những bậc thang của đảng bảo thủ. Bà được mệnh danh là « Nữ hoàng phòng phiếu
» vì chưa bao giờ thất bại trong một cuộc bầu cử nào. Đến năm 2012, bà chiến thắng
trong kỳ bầu cử sơ bộ và trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng. Công bằng
xã hội, ưu tiên cho sáng tạo… những ý tưởng của bà được ủng hộ và đến ngày
25/02/2013, Park Geun Hye trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.
Người vui mừng nhất lại chính là người phụ nữ trong bóng tối,
bà Choi Soon Sil. Từ lâu bà Choi đã lợi dụng tên tuổi của bà Park để làm giàu,
gợi ý lãnh đạo các chaebol đóng góp tiền bạc cho các tổ chức của bà ta, tổng cộng
gần 65 triệu euro, đổi lấy sự dễ dãi của chính quyền trong việc sáp nhập chẳng
hạn.
Khi xì-căng-đan « Choigate » bùng nổ, người dân Hàn Quốc sững
sờ nhận ra họ đã bầu lên một con rối, và bà hoàng thực sự chính là Choi Soon
Sil. Bà ta duyệt các bài diễn văn của bà Park, bổ nhiệm các quan chức, thông
qua những quyết định chiến lược, thậm chí cả việc mật đàm với Bình Nhưỡng. Làm
thế nào Park Geun Hye lại để bị thống trị như thế ? Là người cô độc, bà hiếm
khi ra khỏi Phủ tổng thống, liên lạc với các bộ trưởng qua thư từ, ăn tối một
mình.
Bị truất phế ngày 10/3/2017 và bị tống giam ba tuần sau đó,
Park Geun Hye đã lên tiếng xin thứ lỗi, nhưng bác bỏ tất cả các cáo buộc. Một
nhà ngoại giao phương Tây phân tích : « Trong vụ án này có một phần chìm của tảng
băng : thông qua đó, nhiều người Hàn Quốc muốn trả thù ông Park Chung Hee. Họ
không coi người đứng trước vành móng ngựa là cựu tổng thống, mà là con gái của
nhà độc tài, và không hề nhẹ tay với bà Park ».
Trung Quốc vượt lên hàng đầu về trí thông minh nhân tạo
Cũng về châu Á nhưng trên lãnh vực tin học, Courrier
International dịch bài báo « Trung Quốc, phòng thí nghiệm của thế giới » trên tờ
The Atlantic, có trụ sở tại Washington, cho biết chính quyền Bắc Kinh mạnh tay
tài trợ cho việc nghiên cứu, đặc biệt về trí thông minh nhân tạo và hiện đang đứng
hàng đầu, vượt qua cả Hoa Kỳ.
Bài báo mở đầu bằng sự kiện hội nghị thường niên của Hiệp hội
vì tiến bộ của trí thông minh nhân tạo (AAAI), tập hợp hàng trăm chuyên gia
trên thế giới, lẽ ra được tổ chức vào cuối tháng 01/2017, nhưng do trùng hợp với
Tết âm lịch nên vào phút chót đành phải dời lại một tuần vì không thể thiếu sự
tham gia của Trung Quốc.
Tháng 10/2016, một « kế hoạch chiến lược » do Nhà Trắng công
bố nhấn mạnh, Hoa Kỳ nay không còn là số một thế giới về deep learning, mà nay
Trung Quốc đã chiếm chỗ. Về kinh doanh, các tập đoàn Bách Độ (Baidu, được coi
là « Google Trung Quốc »), Didi (thường được so sánh với Uber), Tencent (sở hữu
WeChat) đều lập phòng thí nghiệm riêng về thông minh nhân tạo. Còn chính quyền,
từ 10 năm qua, hàng năm vẫn tăng trên 10% ngân sách cho lãnh vực này. Tuy
nhiên, nhìn chung những tiến bộ quan trọng vẫn từ phía Hoa Kỳ, người Trung Quốc
chỉ giỏi áp dụng mà thôi.
Điện thoại nay được dùng cho nhiều việc, trừ…gọi điện
Cũng liên quan đến lãnh vực công nghệ, L’Obs trong bài « Điện
thoại đang chết dần » nhận định, đối với các thiếu niên, chiếc điện thoại di động
được dùng cho mọi mục đích, trừ việc… gọi điện cho nhau. Tờ báo quay lại với lịch
sử một vật dụng đã làm đảo lộn đời sống của chúng ta.
Một ngày tháng Ba năm 1876, nhà phát minh Graham Bell nói thử
vào chiếc máy điện thoại đầu tiên trên thế giới, với người trợ lý đang ở phòng
bên cạnh : « Ông Watson, hãy sang đây, tôi muốn gặp ông… ». Kỳ diệu thay, ông
Watson xuất hiện ! Từ nay, con người bắt đầu nghe được tiếng nói của nhau qua
chiếc máy này, dù « xa mặt » nhưng không « cách lòng ».
Ban đầu chi phí điện thoại rất đắt đỏ, và gọi điện thoại đường
dài phải thông qua nhân viên tổng đài. Trong nhiều thập kỷ, chiếc máy điện thoại
chỉ có thể tìm thấy tại bưu điện hoặc các quán cà phê, những người có được điện
thoại nhà riêng rất hiếm hoi. Đến thập niên 1970, điện thoại bàn mới trở nên phổ
biến, rồi đến điện thoại di động, và giờ đây thì các vật dụng nhỏ xinh này được
giới trẻ dùng cho các ứng dụng tin nhắn, chơi game, đọc tin, gởi mail… nhưng hiếm
khi để đàm thoại.
Làm thế nào để phục hồi danh dự trên mạng ?
Liên quan đến thế giới mạng, Courrier International dẫn bài
báo của La Vanguardia ở Barcelona nói về « Những ngôi làng bị tai tiếng trên
internet ».
Tại Tây Ban Nha, có đến 1/10 địa phương bị mang tiếng như thế,
nghĩa là mỗi lần gõ tên làng tên Google thì những thông tin đầu tiên hiện ra đều
tiêu cực. Chẳng hạn tìm Puerto Hurraco, Tor, Alcasser hay Fago, kết quả cho «
thảm sát », « ngọn núi bị nguyền rủa », « bé gái bị sát hại », « tội ác trong
ngôi làng »… Chỉ vì một số vụ án hiếm hoi xảy ra mà các địa phương này tự dưng
mang tai mang tiếng oan uổng. Các thông tin như thế luôn xuất hiện ở đầu danh
sách, cứ như là sự việc mới vừa xảy ra hôm qua.
Làm thế nào để phục hồi danh dự… trên mạng ? Francisco
Canals, cố vấn chuyên về vấn đề này đề nghị ba chiến lược đối với cá nhân,
doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Thứ nhất, yêu cầu Google áp dụng « quyền
được quên lãng » mà Tòa án Công lý Châu Âu ủng hộ. Tuy nhiên, đối với cộng đồng
thì Google thường coi là lãnh vực công cộng nên cách này chỉ hiệu quả với cá
nhân.
Thứ hai là hòa giải : liên lạc với trang web đăng bài viết để
thuyết phục họ đổi code. Nội dung sẽ không còn được Google nhận ra, tuy vẫn tồn
tại nhưng không hiện trên trang đầu. Thứ ba là « bỏ bom » trên web bằng những
thông tin tích cực. Tuy mất thời gian, nhưng trong vòng sáu tháng là kết quả sẽ
thấy rõ.
Tác giả « Buồn ơi, chào mi ! » cuối đời không còn một xu
Tại nước Pháp trên lãnh vực văn hóa xã hội, tuần san L’Obs đề
cập đến một mảng xám của nhà văn nữ quen tên : Françoise Sagan, tác giả cuốn «
Buồn ơi, chào mi ! » nổi tiếng thế giới. Suốt một thời gian dài rong chơi -
sáng tác ban ngày, đi khiêu vũ ban đêm - bà tiêu tiền như nước và cuối đời
không còn một xu dính túi.
Với số tiền tác quyền đầu tiên ở tuổi 18, cô gái trẻ mua đến
bốn chiếc xe hơi : một Jaguer XK140, một Gordini, một Bukck và một chiếc Aston
Martin - năm 1957 đã lộn nhiều vòng tại một cánh đồng lúa mì khiến Sagan suýt
chết. Cô hưởng thụ cuộc sống : hút thuốc, uống whisky, đi casino, lấy chồng, ly
dị, tái hôn và lại ly dị, đòi ứng trước tác quyền để tiêu xài… dù sách không
còn bán chạy như trước kể từ thập niên 1980.
Nợ thuế rất nhiều, Françoise Sagan cầu cứu người bạn vong
niên thân thiết là… tổng thống Pháp François Mitterrand. Đầu thập niên 90,
ngành thuế xóa nợ cho bà, nhưng Sagan lại dính vào một vụ tai tiếng lớn. Bà nhận
làm trung gian cho tập đoàn dầu khí Elf đầu tư vào Ouzbekistan, lãnh món tiền lớn
là 3,5 triệu quan Pháp, nhưng đến đầu năm 2002 phải ra tòa vì tội trốn thuế. Ở
tuổi 66, Françoise Sagan đã mất tất cả.
Khi bà qua đời năm 2004, một người bạn nhớ lại : « Françoise
không có một xu nhỏ trong những năm cuối đời. Bạn bè cho bà ở nhờ. Bà thậm chí
phải bán hết nữ trang và những món quà quý giá từng nhận được. Tiền tác quyền
được chuyển thẳng cho cơ quan thuế ». Người con trai duy nhất là Denis Westhoff
đã phải do dự rất lâu trước khi chấp nhận thừa kế, và đến nay, hàng tháng vẫn
trả dần món nợ thuế khổng lồ của mẹ một cách can đảm.
Tựa chính các tuần báo
L’Express tuần này dành số chuyên đề để nói về sự thông minh
của loài vật. Le Point ca ngợi những ích lợi của việc đi bộ đường trường, từ sức
khỏe, khả năng tập trung cho đến sự thư thái tinh thần dẫn đến thành công.
Courrier International đưa người đọc đi du ngoạn một vòng thế giới, khám phá sở
thích ăn uống đã được toàn cầu hóa, còn L’Obs viết về « Những bí mật cuối cùng
của Che Guavara ». Trang bìa The Economist chạy tựa « Venezuela chìm trong hỗn
loạn », với hình ảnh đầy khói lửa : những người biểu tình bịt mặt, đầu đội nón
bảo hiểm, đeo mặt nạ phòng chống hơi cay và ở trang trong khẳng định «
Venezuela đang hấp hối ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét