Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Những đứa con thơ dại các của nữ tù nhân lương tâm Việt Nam



Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và con gái, bé Nấm. Courtesy: Facebook Tuyet Lan Nguyen 

Trong vòng chưa đầy một tháng, nhà cầm quyền Việt Nam tuyên các bản án tù nặng nề đối với hai nhà hoạt động nhân quyền, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga. Cuộc sống của những đứa trẻ thơ là con của hai nữ tù nhân lương tâm này thế nào?

Hồn nhiên khi mẹ bị bắt?

Vào sáng sớm thứ Ba, ngày 25 tháng 7 năm 2017, hình ảnh ông Phan Văn Phong, bố của hai cháu bé Phú-Tài với những cành hoa hồng trên tay bước vội về hướng cổng Tòa án nhân dân Tỉnh Hà Nam, để tham dự phiên tòa xét xử nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, khiến nhiều người xúc động.

Trong khi các tổ chức nhân quyền thế giới lên án mạnh mẽ việc Chính quyền Hà Nội bắt giữ bà Trần Thị Nga với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước’, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam vào những ngày giáp Tết Đinh Dậu thì hai đứa con thơ của bà Nga là Phú và Tài hồn nhiên trước cảnh tượng rất đông công an và an ninh đến nhà dẫn mẹ đi.

Cũng cần nhắc lại trước thời khắc giao thừa, Đài RFA đã liên lạc với gia đình của bà Trần Thị Nga và có được cuộc trò chuyện rất ngắn với cháu Tài:

“-Con ơi, mẹ đi đâu rồi con?

-Đi vào tù.

-Con đón Tết, con nhớ mẹ nhiều không?

-Con đón Tết, con nhớ mẹ nhiều.”

Bố của hai bé Phú-Tài, ông Phan Văn Phong nói với chúng tôi rằng hai cháu quá quen thuộc với việc bà Nga thường xuyên bị chính quyền câu lưu hay công an, an ninh luôn xuất hiện sách nhiễu gia đình nên trong sự nhận thức non nớt của các bé chỉ đơn thuần là mẹ bị bắt vào tù giống như mẹ vắng nhà vài hôm rồi mẹ về.

Dù suốt nửa năm không được nhìn thấy mẹ và không được sống gần gũi bên cạnh mẹ, nhưng Phú và Tài vẫn nở những nụ cười tươi khi được nghe ai đó nhắc về mẹ của mình. Và dù phải thức dậy thật sớm vào 5 giờ sáng để theo bố với niềm mong ước được gặp mẹ, nhưng Phú-Tài lại ngoan ngoãn thơ thẩn chơi trên vỉa hè khi cả ba bố con không được phép vào dự phiên tòa mà chính quyền Tỉnh Hà Nam thông báo là “xét xử công khai”.

Có phải vì bối cảnh gia đình mà hai cháu Phú-Tài ngây ngô với cuộc sống vốn dĩ diễn ra như thế, như những chú gà con tự bới quào khi không được gà mẹ dang cánh ấp ôm, che chở? Hay có phải vì sống cảnh “gà trống nuôi con” nên bố của Phú-Tài không nhận biết được những dấu hiệu tâm sinh lý bất thường do không có mẹ bên cạnh của hai đứa trẻ con ông?

Biểu hiện tâm sinh lý bất thường?

Cũng bằng độ tuổi của cháu Tài, bé Gấu, đứa con trai bé bỏng của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một nhà hoạt động nhân quyền được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trao giải Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm năm 2017và bị Tòa án Tỉnh Khánh Hòa tuyên 10 năm tù giam, có biểu hiện trầm cảm ngày một nặng hơn, kể từ khi mẹ bị bắt hồi tháng 10 năm 2016.

Thân mẫu của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cho Đài Á Châu Tự Do biết thời điểm con gái của bà vừa bị bắt, cháu Gấu hay khóc quấy và hỏi bà ngoại “Mẹ đi mua sữa sao lâu quá không về?” Dần dà, bé Gấu ngồi một góc và nói chuyện một mình. Mỗi khi Gấu nói với bà ngoại những ký ức về mẹ thì y như rằng bé bị đi xón trong quần vào lúc đêm tối ngủ mớ.

Không chỉ bé Gấu mà chị của Gấu, bé Nấm, 11 tuổi còn có những biểu hiện rất khác thường. Bà Tuyết Lan kể lại:

“Lúc mẹ bị bắt, bé Nấm nhìn người ta với ánh mắt rất khó chịu và trong con mắt của cháu biểu hiện sự ghét người khác hay hận thù gì đó.”

Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga và con trai, bé Tài. Courtesy: Facebook Hoang Sy Vu

Trước biểu hiện tâm sinh lý không bình thường của hai chị em Nấm-Gấu, thân mẫu của tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh rất lo lắng. Sau nhiều tháng bà mẹ đơn thân Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt, bé Nấm được gặp mẹ trước ngày phiên tòa sơ thẩm mở ra. Tuy vậy, bé Nấm vẫn không rơi một giọt nước mắt nào trong giây phút hiếm hoi nhìn thấy mẹ.

Vì không thể tìm được bác sĩ tâm lý tại Thành phố Nha Trang, bé Nấm được người quen của gia đình dắt đi điều trị ở Sài Gòn. Bà Tuyết Lan kể về lần đầu tiên bé Nấm gặp gỡ với chuyên gia tư vấn tâm lý:

“Bác sĩ tâm lý hỏi là ‘Nấm có khóc không?’ Nấm suy nghĩ và nói rằng ‘Tại sao phải khóc?’ Bác sĩ tâm lý hỏi thêm ‘Tại sao không khóc?’ Nấm trả lời lại “Khóc là hèn, là yếu đuối, không có gì để khóc hết’.”

Bà Tuyết Lan cho biết tình trạng tâm lý của bé Nấm tương đối được ổn định sau vài tháng điều trị. Và vì hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, bé Gấu không được đưa đi khám bệnh như chị gái của mình. Bà Tuyết Lan nói về biểu hiện của bé Nấm trong thời gian gần đây:

“Lúc đầu Nấm ở trong phòng không tiếp xúc với ai. Hỏi gì cháu cũng im lặng, không nói không rằng gì hết. Bây giờ thì đã nói lại. Những ngày gần đây, Nấm đọc trên mạng xã hội về cô Trần Thị Nga. Nấm nói với tôi là ‘Cô này cũng có con nhỏ bằng tuổi Gấu, chưa đầy 5 tuổi nè ngoại à’. Nửa đêm, Nấm ôm bà và nói ‘Bà ơi, con nhớ mẹ lắm bà!’.”

Chúng tôi cũng được dịp trao đổi với bé Nấm và được nghe cháu chia sẻ trong tâm thái rất bình tĩnh. Bé Nấm nhận thức rõ được vai trò của một người chị gái phải phụ bà ngoại chăm sóc cho em, sau khi nghe bà đi dự phiên tòa xét xử mẹ về và nói rằng phải chờ đến khi vào đại học thì mới được gặp lại mẹ. Đáp câu hỏi của RFA rằng mong ước hiện tại là gì, câu trả lời của bé Nấm đã không nói cho riêng mình:

“Con mong tất cả các bạn được sống với mẹ và được mẹ yêu thương, chứ mẹ không bị đi tù.”

Với lời bộc bạch của bé Nấm, khó ai có thể hình dung được một bé gái mới hơn mười tuổi đầu luôn khát khao hơi ấm của mẹ, dù được bà ngoại yêu thương và chăm sóc rất chu đáo, lại luôn sống trong sự hoài nghi, cảnh giác với mọi người xung quanh. Ánh mắt thơ ngây của bé Nấm vẫn ánh lên sự giận dữ mỗi khi bắt gặp những người lạ quanh quẩn ba bà cháu trong các sinh hoạt thường nhật bất kể ngày hay đêm.

Blogger Trịnh Bá Phương, con trai của tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu, một phụ nữ đấu tranh giữ đất và chống tham nhũng, chia sẻ rằng anh rất thấu hiểu và đồng cảm với bé Nấm. Anh Trịnh Bá Phương cho biết là một người trưởng thành và chuẩn bị tinh thần cho việc bố mẹ có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào, nhưng:

“Sau khi bố mẹ em bị bắt vào ngày 25/04/2014 thì hình thức mà họ sử dụng bạo lực kết hợp với nhà tù thì em nhận biết rõ hơn về sự phi nhân và tàn bạo của chế độ và tâm lý của em rất là căm thù. Mỗi khi đối diện với tất cả an ninh và những người trong chính quyền thì em cảm thấy họ là những kẻ tàn ác. Em nhìn họ như đứt từng tia máu trong ánh mắt, cảm giác căm thù đến mức độ như vậy.”

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không chỉ Blogger Trịnh Bá Phương mà cộng đồng cư dân mạng xã hội cùng dư luận trong và ngoài nước đều bày tỏ sự xót xa cho các cháu bé, con của hai nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga; đồng thời cũng lên án mạnh mẽ nhà cầm quyền Việt Nam không chỉ tuyên các bản án tù nặng nề đối với hai bà mẹ đơn thân vô tội mà còn gián tiếp trút lên đầu những đứa con thơ của họ bằng sự bất nhân, tàn nhẫn và bạo quyền của một chế độ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét