Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Đồng khai thác Biển Đông với Trung Quốc : Lợi bất cập hại



Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) tại Manila, Philippines, ngày 25/07/2017.NOEL CELIS / AFP


Trong những ngày qua, cả Manila lẫn Bắc Kinh đều kẻ xướng người họa, ca ngợi lợi ích của việc cùng nhau khai thác Biển Đông. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 24/07/2017 hết sức lạc quan trước trước những lợi ích trông thấy, một quan điểm được ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ghé thăm Manila hoàn toàn tán đồng.

Tuy nhiên, trong một phân tích được công bố hôm 27/07/2017, báo mạng Nhật Bản The Diplomat cho rằng đối với Philippines, đồng khai thác Biển Đông với Trung Quốc là công việc đầy rủi ro.

Trong quá khứ, Manila và Bắc Kinh từng có đề án cùng hợp tác khai thác Biển Đông, cụ thể là đề án JSMU, tức là thỏa thuận cùng khảo sát địa chấn ngoài biển, ký kết năm 2005 giữa ba tập đoàn dầu khí quốc doanh PNOC của Philippines, CNOOC của Trung Quốc và PetroVietnam của Việt Nam.
Đề án này đã nhanh chóng bị dẹp bỏ vào năm 2008 sau khi chính quyền Philippines thời đó của bà Gloria Arroyo bị cáo buộc bán đứng quyền lợi đất nước để đổi lấy các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ.

Ngay sau khi đề án bị hủy bỏ, Philippines đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác nước ngoài giúp khai thác nguồn dầu khí ngoài khơi vì Trung Quốc đã tăng sức đe dọa các tập đoàn ngoại quốc, đồng thời cho tàu tuần tra hù dọa và cản trở các tàu khảo sát làm việc cho Philippines. Trong phán quyết vào tháng 7/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye chỉ rõ là Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines bằng cách ngăn không cho Manila khai thác tài nguyên tại khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) ở Biển Đông bị Trung Quốc cho là của họ bất chấp việc khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý Philippines.

Quá khứ đã là như vậy, hiện tại, theo The Diplomat, cũng không sáng sủa hơn. Để biện minh cho chủ trương xích lại gần Trung Quốc, chính quyền Duterte đã nhấn mạnh đến lợi ích của việc đồng khai thác Biển Đông, nêu bật một số điểm như ngư dân Philippines đã được đến đánh bắt tại khu vực bãi Scarborough Shoal, và Trung Quốc cam kết không xây dựng gì trên bãi mà họ đã chiếm từ tay Philippines vào năm 2012.

Đối với The Diplomat, những lợi ích đó khá nhỏ nhoi so với những nhượng bộ đáng kể mà Manila đã phải chịu, trong đó có việc gác qua một bên phán quyết quốc tế về Biển Đông hết sức có lợi cho Philippines, cũng như là chiều lòng Trung Quốc để ra một tuyên bố chung yếu ớt một cách đáng hổ thẹn trong tư cách chủ tịch ASEAN hồi tháng 4/2017. Nếu theo đà này, chính quyền Duterte có nguy cơ sẽ bị lên án về tội không bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Rủi ro cũng tiềm ẩn trong tương lai gần, nhất là khi mà cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông trong những năm gần đây cho thấy là Bắc Kinh sẵn sàng xóa bỏ mọi thỏa thuận và dùng đến biện pháp cưỡng chế thô bạo để đạt mục tiêu. Đối với Philippines chẳng hạn, Trung Quốc cho đến giờ vẫn chính thức cho rằng sở dĩ kế hoạch đồng khai thác hồi năm 2005 thất bại, đó là vì Manila thiếu quyết tâm thúc đẩy, chứ không hề nói gì về các hành động cưỡng chế bất hợp pháp của Bắc Kinh sau đó.

Căn cứ vào tiền lệ đó, nếu vì một lý do nào đó mà Philippines không thực hiện thỏa thuận đồng khai thác với Trung Quốc, Bắc Kinh hoàn toàn có thể dùng biện pháp quân sự gây áp lực trên Manila, trực tiếp tại khu vực đồng khai thác, hoặc gián tiếp với các hành động quyết đoán khác, như cho xây dựng cơ sở trên bãi Scarborough Shoal hoặc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Thậm chí, do việc chính quyền Duterte ngày càng bám vào Trung Quốc về kinh tế, để khỏi mang tiếng là hung bạo, Bắc Kinh còn có thể dùng đến vũ khí thương mại. Trong lãnh vực này, Trung Quốc cũng đã có rất nhiều tiền sự, như cấm xuất khẩu đất hiếm vào Nhật Bản trong năm 2010, hạn chế nhập chuối Philippines vào năm 2012, hoặc mới đây là những đòn trả đũa kinh tế chống lại Hàn Quốc vì đã cho Mỹ triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD.

Phân tích của The Diplomat đã tập trung vào vấn đề đồng khai thác Biển Đông trong quan hệ Philippines-Trung Quốc, nhưng đó cũng là vấn đề đặt ra cho các nước Đông Nam Á khác bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông như Việt Nam, Malaysia hay Brunei.
Đối với các nước này, Bắc Kinh cũng đưa ra chiêu bài gác tranh chấp, đồng khai thác. Vấn đề cốt lõi tuy nhiên vẫn là tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, và đề nghị đồng khai thác chỉ là một sách lược nhằm thực hiện tham vọng đó.

Vào năm 2013, khi ông Tập Cận Bình đưa ra lời kêu gọi đồng khai thác đối với các nước Đông Nam Á, trong một bài phỏng vấn trên báo Việt Nam, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên Giới Chính Phủ Việt Nam, một chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông, đã không ngần ngại vạch trần ý đồ của Bắc Kinh là thông qua yêu sách chủ quyền vô lý trên 85% diện tích Biển Đông để « "nhảy vào xí phần" trong khu vực thềm lục địa của các nước ven Biển Đông… từ đó biến các vùng biển không tranh chấp thành các vùng biển tranh chấp… ».

Đối với các chuyên gia, việc đồng khai thác chỉ có thể được áp dụng trong trường hợp khai thác vùng trùng lắp giữa vùng đặc quyền kinh tế EEZ của hai nước, nhưng không thể nào áp dụng trong trường hợp như là Trung Quốc muốn thúc đẩy : Khoanh một vùng rất lớn ăn sâu vào thềm lục địa của các nước khác, tự nhận chủ quyền trên đó, rồi đòi đồng khai thác những vùng nằm trong EEZ của các láng giềng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét