Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Cai Lậy chiến thắng lần 2

Trân Văn


                                                                                 BOT Cai Lậy.

Cai Lậy – một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang – lại trở thành điểm nóng sau khi Trạm thu phí Cai Lậy mở cửa.

Lấy lý do cần giảm kẹt xe trên quốc lộ 1 tại đoạn chạy ngang Cai Lậy, Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam đã cho phép Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang mở một con đường chạy vòng bên ngoài Cai Lậy theo hình thức BOT (đầu tư – khai thác – chuyển giao). Những con đường chạy vòng bên ngoài các khu thị tứ được gọi nôm na là “đường tránh” và dự án của Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang tại Cai Lậy được gọi là Dự án BOT đường tránh Cai Lậy.

Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang bắt đầu thu phí cho Dự án BOT Cai Lậy từ 1 tháng 8 nhưng chỉ 15 ngày sau phải tạm đóng cửa trạm thu phí vì “tứ bề thọ địch”: Giới tài xế dùng tiền lẻ trả phí, đếm tiền lẻ thì lâu nên giao thông tắc nghẽn. Nhiều giới chất vấn tại sao Bộ Giao thông – Vận tải lại cho phép Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (vốn chỉ đầu tư và được phép khai thác đường tránh Cai Lậy) đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1, thành ra xe cộ có dùng đường tránh Cai Lậy hay không vẫn phải trả phí? Báo giới phanh phui, tuy Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang khai rằng đã chi 1.000 tỉ đồng để làm 12 cây số và 7 cây cầu cho đường tránh Cai Lậy nhưng trên đường tránh Cai Lậy chỉ có 5 cây cầu, tuy công trình vừa hoàn thành, xe cộ qua lại không nhiều nhưng đường tránh Cai Lậy đã bắt đầu hư hỏng…

Giờ, sau ba tháng rưỡi chuẩn bị, hôm 30 tháng 11, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang tổ chức thu phí trở lại. Cuốc đối đầu giữa giới tài xế với Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang tái diễn: Lần này, tài xế dùng cả tiền lẻ, lẫn giấy bạc có mệnh giá cao nhất (500.000 đồng) để trả phí, chuyện đếm tiền lại trở thành nan giải, giao thông lại tắc nghẽn và nhiều lần, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang phải “xả trạm” để xe cộ qua lại miễn phí.

Nỗ lực hóa giải sự kháng cự của giới tài xế bằng cách thiết lập một khu vực riêng, chuyên thu nhận tiền lẻ dường như không hiệu quả. Nỗ lực bảo vệ hoạt động Trạm Thu phí Cai Lậy của hệ thống công quyền bằng cách điều động đủ loại cảnh sát (giao thông, trật tự, cơ động) đến chấn chỉnh tài xế cũng bị vô hiệu hóa.

Tờ Người Lao Động đưa một video clip ghi lại cảnh một tài xế trả dư 100 đồng tiền phí, không có 100 đồng để thối, nhân viên thu phí đưa cho tài xế này 200 đồng – giống như bớt cho anh ta 100 đồng - nhưng tài xế này dứt khoát không nhận “ân tình” đó. Bởi tiền Việt Nam hiện hành không có loại nào mà mệnh giá dưới 200 đồng, sốt ruột vì dòng xe ùn ứ phía sau càng lúc, càng dài, một trung tá rồi một đại tá cảnh sát giao thông có mặt tại hiện trường, yêu cầu tài xế rời khỏi trạm thu phí nhưng cả hai đều phải bỏ đi sau khi tài xế cảnh cáo, công an không có quyền can thiệp vào các “giao dịch dân sự”.

Tương tự, tờ Tuổi Trẻ tường thuật, cảnh sát giao thông đã thu giấy phép lái xe, giấy tờ xe của một số tài xế cứng đầu, dùng tiền lẻ trả phí nhưng không chịu vào khu vực dành riêng cho những người trả tiền lẻ, bởi tài xế vẫn không chịu dời xe đi nơi khác, cảnh sát giao thông đã ra lệnh cho xe chuyên dụng đến cẩu xe của những tài xế này đi nhưng lệnh này phát ra bốn lần, trong vòng 20 phút mà xe chuyên dụng không cẩu được xe nào vì cả tài xế lẫn dân chúng phản ứng dữ dội.

***

Trong mười năm vừa qua, các trạm thu phí cầu đường thi nhau mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam khiến dân chúng điêu đứng: Phí vận tải tăng làm vật giá tăng vọt.

Do chỉ trích và các hoạt động phản kháng của dân chúng đối với các trạm thu phí càng ngày càng dữ dội, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu cơ quan Kiểm toán Việt Nam rồi Thanh tra Chính phủ xem lại một số dự án cầu đường do các doanh nghiệp thực hiện theo hình thức BOT để thu phí.

Kết quả kiểm tra, thanh tra của hai cơ quan vừa kể cho thấy, 100% dự án BOT cầu đường có vấn đề. Từ 2011 – 2015, trên toàn Việt Nam có 71 dự án BOT cầu đường thì cả 71 dự án đều không tổ chức đấu thầu mà chỉ định “nhà đầu tư”.

Bởi các dự án BOT cầu đường được xem như thượng sách để phát triển hạ tầng giao thông trong bối cảnh công quỹ cạn kiệt nên về nguyên tắc, “nhà đầu tư” phải có đủ vốn, đủ năng lực thi công, cũng như kinh nghiệm và khả năng quản trị. Tuy nhiên trên thực tế, gần như toàn bộ các “nhà đầu tư” chỉ có hai bàn tay trắng, vốn liếng mà họ đổ vào các dự án BOT cầu đường được rút ra từ các ngân hàng. Dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) có tổng vốn đầu tư là 2.476 tỉ nhưng Công ty Tuấn Lộc và Công ty Trường Lộc, hai trong ba doanh nghiệp tham gia “liên danh đầu tư” vào dự án này không có đồng nào. Khi đầu tư vào Dự án BOT đường tránh Cai Lậy (trị giá 1.386 tỉ), Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang chỉ có 208 tỉ đồng, 85% vốn còn lại là tiền vay ngân hàng.

Có hàng loạt câu hỏi mà dân chúng, các chuyên gia, báo giới đã từng nêu ra đối với các dự án BOT cầu đường như: Trong khi mục tiêu của các dự án BOT cầu đường là phát triển thêm hệ thống hạ tầng giao thông thì tại sao hệ thống công quyền lại chọn nhiều công lộ, giao cho các “nhà đầu tư” sửa chữa chút đỉnh rồi thu phí? Tại sao hệ thống công quyền không theo các qui định hiện hành, tùy tiện thay đổi qui mô đầu tư để các “nhà đầu tư” có cơ hội thu phí cao hơn và lâu hơn? Tại sao hệ thống công quyền lại dễ dàng chấp nhận cho các “nhà đầu tư” thực hiện dự án BOT ở một nơi rồi đặt trạm thu phí ở một nơi khác, ép tất cả các phương tiện phải trả phí, bất kể có sử dụng những công trình được đầu tư theo hình thức BOT hay không?

Cho dù những câu hỏi ấy không có câu trả lời nhưng ai cũng biết tại sao? Đó là kết quả tất nhiên khi nhiều viên chức hữu trách thỏa hiệp với các băng nhóm, dùng chủ trương phát triển hệ thống hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT làm phương tiên kiếm tiền.

Đáng ngạc nhiên là thay vì điều tra, xử lý đến nơi, đến chốn những viên chức nhận hối lộ và các băng nhóm đưa hối lộ, hệ thống công quyền lại dùng lực lượng bảo vệ pháp luật để đe dân như chuyện vừa xảy ra ở Trạm thu phí Cai Lậy.

Tuy rõ ràng là an ninh kinh tế - tài chính quốc gia đã trở thành một thứ “con tin” trong tay các “nhà đầu tư” vào những dự án BOT cầu đường (Theo một báo cáo mà chính phủ Việt Nam trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cách nay ba tháng thì tính đến cuối năm ngoái, chủ đầu tư các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông đang nợ hệ thống ngân hàng khoảng 84.000 tỉ đồng. Đáng chú ý là hệ thống ngân hàng đã dùng những khoản tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn của dân chúng để cho chủ đầu tư các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông vay dài hạn. Cũng vì vậy, nếu chủ đầu tư các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông gặp khó khăn trong việc thu phí, hệ thống ngân hàng sẽ nghiêng ngả!) nhưng vì thế mà xoay sang đe dân bằng dùi cui, còng, súng chỉ hứa hẹn bất ổn. Cứ xem các video clip ghi lại những diễn biến trong hai ngày 30 tháng 11 và 1 tháng 12 ắt sẽ thấy. Dân đã hết “thuần” rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét