Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

Chẳng lẽ thiên hạ ngu hết cả?



Biệt phủ Yên Bái của Phạm Sỹ Quý.

Những đề nghị, quyết định kỷ luật, thậm chí tống giam để điều tra - truy cứu trách nhiệm hình sự một cữu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN như ông Đinh La Thăng cho thấy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (BCH TƯ Đảng CSVN) vẫn tiếp tục xem hàng trăm triệu người Việt như một lũ đần!

Tuần rồi, Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ Đảng CSVN công bố rộng rãi hàng loạt đề nghị kỷ luật đảng viên cao cấp, chẳng hạn ông Lê Phước Thanh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam), ông Đinh Văn Thu (Chủ tịch kiêm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam), ông Nguyễn Khánh Toàn (Phó Chủ tịch kiêm Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Nam)…

Đầu tuần này, từ đề nghị của Ủy ban Kiểm tra, Ban Bí thư của BCH TƯ Đảng CSVN đã quyết định tước bỏ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc mà ông Phạm Văn Vọng đã… từng mang trước khi nghỉ hưu. Tước bỏ tất cả chức vụ trong Đảng CSVN của ông Ngô Văn Tuấn (Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa).

Ông Thanh, ông Thu, ông Toàn, bị đề nghị kỷ luật, ông Vọng, ông Tuấn vừa bị kỷ luật đều vì lựa chọn, bổ nhiệm những (chứ không phải một) cá nhân mà bây giờ được xem là bất xứng. Ông Lê Phước Hoài Bảo (con ông Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư) hoặc bà Trần Vũ Quỳnh Anh (cựu Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, đã được “qui họach” làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa) chỉ là các ví dụ.

Những câu hỏi kiểu như:

- Tại sao lại dùng ngân khố trang trải cho ông Bảo du học ngoại quốc rồi lấy lý do ông Bảo có học vị thạc sĩ để bổ nhiệm ông làm Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư (?), dù từ bé đến lớn, ông Bảo chỉ đi học và tuy chỉ là công chức trong một thời gian rất ngắn nhưng ông Bảo vẫn đủ khả năng làm chủ một trong những biệt thự sang trọng nhất ở thành phố Tam Kỳ?..

- Hay tại sao bà Trần Vũ Quỳnh Anh có thể “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” từ vị trí một tạp vụ đến vị trí lãnh đạo một trong những bộ phận quan trọng nhất của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, thậm chí đã được sắp xếp để trở thành một trong những lãnh đạo của sở này (?), rồi nguồn tiền nào giúp bà Quỳnh Anh sở hữu hàng loạt biệt thự, căn hộ sang trọng ở Thanh Hóa, Hà Nội, chưa kể những chiếc xe hơi trị giá hàng chục tỉ đồng (?), ai sắp xếp cho bà Quỳnh Anh nghỉ việc để hệ thống công quyền không thể truy cứu về nguồn gốc tài sản của bà Anh, ai tác động để Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa trả lại toàn bộ hồ sơ công chức cho bà Quỳnh Anh, ai tổ chức để bà Quỳnh Anh ra ngoại quốc định cư để cuối cùng, chỉ có thể xác định trách nhiệm – kỷ luật một mình ông Tuấn?...

… giờ không cần phải trả lời nữa. Các đề nghị kỷ luật và các quyết định kỷ luật đã xóa toàn bộ những ván cờ gay cấn! Thực thi công lý mà chỉ nửa chừng thì nên gọi là gì?

***

Có những dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy, đề nghị kỷ luật những Thanh, Thu, Toàn, Bảo,… hoặc quyết định kỷ luật những Vọng, Tuấn,… hay tống giam để điều tra, truy cứu trách nhiệm một số cá nhân như Đinh La Thăng và thuộc hạ… chỉ có một mục tiêu: Mị dân!

Sau khi Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ Đảng CSVN công bố đề nghị kỷ luật ông Thanh, ông Thu, ông Toàn vì lựa chọn, bổ nhiệm ông Bảo – con ông Toàn – làm Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Nam vi phạm nghiêm trọng các qui định hiện hành, ông Nguyễn Sự, cựu Bí thư Thành ủy Hội An, bảo với báo giới rằng, “tổ chức Đảng cũng như từng cá nhân liên quan đến việc đề bạt ông Bảo không thể trốn tránh trách nhiệm” nên ông Sự - cựu Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Nam, người đã từng bỏ phiếu đề bạt ông Bảo, “sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng”. Ông Sự nhấn mạnh, sự liên đới về trách nhiệm là thứ “không thể chối bỏ được”.

Bởi ông Sự đã nhắc đến “quy định của Đảng” thành ra nên nhắc lại một chút về các qui định này. Năm 1992, Bộ Chính trị của Đảng CSVN từng ban hành Quyết định 44/QĐ-TW về quản lý cán bộ. Theo quyết định này thì những cá nhân như Đinh La Thăng (cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM), Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công Thương), Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) Lê Phước Thanh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam),… do Bộ Chính trị của Đảng CSVN quản lý. Những cá nhân như Nguyễn Khánh Toàn (Phó Chủ tịch kiêm Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Nam), Ngô Văn Tuấn (Phó Chủ tịch kiêm Tỉnh ủy viên tỉnh Thanh Hóa),… do Ban Bí thư của BCH TƯ Đảng CSVN quản lý. Tuy nhiên cho đến giờ này, các cá nhân là Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư vẫn tự xem là họ vô can.

Năm 2011, khi phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 4 của BCH TƯ Đảng khóa 11, ông Nguyễn Phú Trọng, lúc đó đã là Tổng Bí thư Đảng CSVN, nhấn mạnh “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị” là một trong ba “vấn đề cấp bách, cần làm ngay”.

Tuy nhiên chưa bao giờ, ông Trọng – nhân vật đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư Đảng CSVN từ năm 2011 và trước nay, vẫn được ca ngợi như cá nhân dẫn đầu công cuộc “chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng” - lên tiếng thừa nhận, đủ loại sai phạm nghiêm trọng mà những thành viên cao cấp của tổ chức chính trị do ông đứng đầu gây ra đối với chính trị, kinh tế, xã hội là trách nhiệm của cá nhân ông.

 Scandal Trần Vũ Quỳnh Anh trên báo Đất Việt.
Scandal Trần Vũ Quỳnh Anh trên báo Đất Việt.


Chẳng lẽ ông Trọng hoàn toàn vô can trong việc ông Thăng ung dung bước vào Bộ Chính trị sau khi phá banh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trị giá 5 tỉ Mỹ kim, rồi biến các dự án phát triển hạ tầng bằng hình thức BOT trở thành một nan đề chưa tìm ra lời giải? Chẳng lẽ ông Trọng không hề liên đới về trách nhiệm dẫu ông Vọng có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng lúc làm Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc nhưng vẫn được Bộ Chính trị điều động về BCH TƯ Đảng CSVN làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra – chuyên giám sát, thẩm tra việc thực thi các “qui định của Đảng”?

Đâu chỉ có ông Trọng và các thành viên khác trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, những “ông” như Trịnh Văn Chiến (Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa), những “bà” như Phạm Thị Thanh Trà (bí thư Tỉnh ủy Yên Bái),… cũng vô sự. Cứ cho là công chúng “lệch lạc” khi nhận định ông Chiến mới là “nhân vật chính”, tạo ra scandal Trần Vũ Quỳnh Anh và bà Trà hoàn toàn “công tâm” khi bổ nhiệm em trai – kẻ từng bị bắt quả tang đánh bạc – làm Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái, tạo điều kiện cho em trai trở thành tỉ phú một cách bất minh, giờ có thể hợp pháp hóa hàng chục ngàn mét vuông đất đã thủ đắc bất hợp pháp,… song chẳng lẽ ông Chiến, bà Trà – những người đứng đầu hệ thống chính trị, điều khiển hệ thống công quyền ở Thanh Hóa, Yên Bái không bị chi phối bởi “qui định của Đảng”?

***

Rõ ràng là chưa bao giờ đảng viên cao cấp bị kỷ luật nhiều như hai năm gần đây. Dẫu tần suất kỷ luật lẫn mức độ “minh bạch” (liên tục phát hành “thông cáo báo chí”) đều cao hơn hẳn so với trước nhưng con đường từ những sự kiện đó đến… nghiêm minh còn xa.

Vậy thì việc đề nghị kỷ luật, kỷ luật hàng loạt đảng viên cao cấp, kể cả lần đầu tiên truy cứu trách nhiệm hình sự một cựu Ủy viên Bộ Chính trị rồi công bố rộng rãi nhằm mục đích gì? Cách nay hai tháng, ông Trọng từng tiết lộ lý do lúc phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 của BCH TƯ Đảng CSVN khóa 12, tất cả nhằm làm “dân tin”, có như vậy thì “chế độ ta”, “đảng ta” mới… còn.

Cho rằng chỉ chừng đó mà đủ làm “dân tin” thì rõ ràng “chế độ ta”, “đảng ta” vẫn xem dân như một đám nhẹ dạ, dễ gạt!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét