Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Chết tiệt cộng sản – Chết tiệt tương lai




Ảnh minh họa: Tương lai Việt Nam. Nguồn: internet

“Chết tiệt cộng sản” là cụm từ nguyền rủa mọi người đểu biết, không cần phải ba điều bốn chuyện, giải thích dài giòng, lê thê văn tự, thế nhưng “chết tiệt tương lại” thì có thể gây hiểu lầm nên cần phải nói cho rõ, bởi hai chữ “tương lai”, cho dù không hề viết hoa, ngó bộ “hơi bị” giống bút hiệu hay nick name của một ông giáo sư xã hội học trong nước. Hai chữ tương lai ở đây, người viết chỉ muốn nói đến những chuyện chưa, nhưng có thể xẩy ra trong thời gian sắp tới, nôm na theo tiếng nước ngoài là phiu-chơ-rờ (future), Không hề có ý ám chỉ ai hay vật thể, sự việc nào hết.
Theo sự hiểu biết hạn hẹp, đựng không đầy chai dầu xanh Con Ó (đâm), kiến văn ít ỏi như vài hạt cát trong sa mạc Sahara, chữ nghĩa viết ra không đầy cái lá mít (đặc) của người viết thì lịch sử chưa bao giờ có chữ “nếu”. Mja! Thuở còn mài đủng quần ở trung học, ông thầy Ng, dậy triết và Việt văn, mỗi khi vào lớp, bắt đầu giảng bài thường hỏi lớn: Triết học là gì?

Lần đầu tiên hỏi, cả lớp ngồi im thin thít, mấy thằng con nít mặt búng ra sữa ngó nhau, đếch có thằng nào dám lên tiếng. Sau vài phút yên lặng, thấy không có thằng nào dám trả lời, ông thầy cầm phấn trắng viết lên bảng (đen) xì mấy chữ to đùng như voi – Triết là Biết, Triết học là Học Để Biết.
Cả lớp khoảng 40 thằng nhóc, 15-16 tuổi gật gù, rù rì trao đổi với nhau, ra điều đã thấm nhuần “Con đường Kách Mệnh”. Ông thầy dùng giẻ xóa mấy chữ vừa viết, tương lên mấy chữ mới –Nhưng Biết Cái Gì mới được? Một cái dấu hỏi to chần dần theo sau.
Đúng là tra tấn học trò không gươm, không giáo, hỏi chi mà ác đạn vậy trời? Biết mẹ gì? Bài vở toán, lý hóa, vạn vật, sinh ngữ Anh, Pháp, … bù đầu, bù cổ, thì giờ đâu suy nghĩ để biết cái gì là cái gì?
Tuổi 15-16 là tuổi hồng, mới lớn, tuổi sau giờ học ựa cơm, xin (hoặc chôm) tiền ông bà già đi ăn chơi, tập tành uống cà phê, hút thuốc lá, hẹn hò, ci-nê-ma… làm sao có suy nghĩ để biết và cần biết cái gì? Cả lớp lại ngồi im như ngậm hột thị.
Thế là thầy Ng thao thao giảng bài…Triết là biết? Biết gì? Biết cư xử nhân hậu, biết giữ gìn văn hóa, biết yêu nước, thương dân, biết phân biệt bạn thù, biết vận dụng lý trí, nhận định, tổng hợp sự kiện để hiểu đâu là chính, đâu là tà…
Ấy thế mà, những lời giảng sau đó của thầy Ng cũng dần dần thấm vào những cái đầu, đa số chân chất, ngây thơ, trở thành hành trang ứng xử với xã hội, với đời sau này của đám học trò. Nói là đa số vì trong đám trẻ mới lớn đó cũng có những cái đầu ngồi nghe nhưng không chịu hoặc không thể tiếp thu những lời giảng của thầy Ng. Nhưng thôi, đó là chuyện sẽ nói trong dịp khác.
Bước chân vào đời chỉ được vài năm thì miền Nam rơi vào tay cộng sản. Triết học nhân bản bị xóa xổ bởi một nền tảng triết học hoang tưởng mà căn bản lý luận ngược với thực tế xã hội và sự tiến hóa của nhân loại.
Xã hội bị đảo lộn, nền giáo dục nhân bản, văn hóa dân tộc bị xóa bỏ để thay thế bằng một loại văn hóa cuồng tín, man rợ. Chỉ cần quan sát vài sự kiện, dễ dàng nhận thấy sự tiến hóa ngược chiều trong xã hội VN hiện nay. Thế nhưng đa số người VN, dường như rất ít đọc sách, không thích triết học, nên thường không có suy nghĩ, tìm hiểu về sự kiện, dẫn tới việc không chịu suy luận để tìm ra nguyên nhân, gốc rễ của vấn đề, cho nên thường hay hành xử tự cao, tự đại hoang tưởng hay theo tâm lý bầy đàn.
Người ta dễ dàng ồn ào, xúm xít vào chửi bới PGS-TS Bùi Hiền về đề xuất thay đổi cách viết tiếng Việt với công trình nghiên cứu có tính “hàn the”, xin lỗi nói lộn “hàn lâm”, nhưng lại không hề quan tâm bàn bạc, có ý kiến để đưa tới hành động phản đối vụ bộ Tài-Môi chính thức cho công ty Formosa xả thải quá mức quy định. Nếu hỏi những người đã nhao nhao phản đối, sỉ nhục ca sĩ Mai Khôi vì cô cầm tấm biểu ngữ “Piss (Peace) on you Trump” – có biết ngày nào xử phúc thẩm Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không? Số người trả lời được chắc không nhiều.
Hơn 72 năm ở miền Bắc, 42 năm trên cả nước, chế độ CS đã thuần hóa dân tộc Việt Nam thành một giống dân bạc nhược, hèn hạ. Hãy quan sát những người lái xe “tham gia giao thông” đúng luật lệ, khi bị cảnh sát giao thông chận lại vòi tiền phạt không có lý do, bao nhiêu người sẵn sàng nộp phạt một nửa số tiền quy định để được thoát đi nhanh chóng, bao nhiêu người dám phản đối?
Tương tự như vậy, bao nhiêu người dân dám công khai phổ biến trên mạng xã hội như facebook, chuyện các cán bộ viên chức ở công an, phường, xã đòi nguyên tắc “đầu tiên” khi cấp hay thị thực một giấy tờ, văn bản hành chánh như khai sinh, khai tử, sang nhượng, buôn bán…? Chỉ cần 5-70 người trong một phường, xã cương quyết không đút lót viên chức, cán bộ chính quyền cấp văn bản thị thực hành chánh lên tiếng thì liệu những viên chức đó có dám tiếp tục mèo nheo, đòi hỏi quà cáp, tiền bạc lót tay?
Với suy nghĩ đơn giản xuề xòa, dễ dãi lẫn ích kỷ, dĩ hòa vi quý, miễn sao cho xong việc mình là tốt… thấm dần vào máu, tạo nên tâm lý hèn hạ, việc gì cũng phải xin xỏ, năn nỉ, đút lót, bôi trơn. Cả một đất nước vận hành theo nguyên tắc đó, từ trong nội bộ đảng, chính quyền ra đến môi trường giao dịch trong xã hội trở thành văn hóa Xin-Cho. Hiến pháp trở thành trò hề khi đảng CS ngồi xổm lên trên và thoải mái ỉa, đái vào văn bản pháp lý có giá trị cao nhất nước.
Từ chuyện nhỏ dẫn tới chuyện lớn. Formosa xả thải tàn phá môi trường, gây thảm họa môi sinh kéo dài trên 240 km dọc bở biển VN, hàng trăm ngàn hộ dân mất sinh kế, hàng triệu người bị ảnh hưởng, bao nhiêu người tham gia biểu tình chống lại sự tàn phá môi trường, đòi đóng cửa Formosa? Chỉ thấy kêu gào, than khóc thay vì tập họp lại, đứng lên áp lực, đòi hỏi quyền lợi, yêu cầu chế độ, chính quyền có bổn phận, trách nhiệm giải quyết thảm họa với những kế hoạch, chính sách an dân lâu dài.
Nếu mỗi hộ dân bị mất ngư trường hành nghề chỉ cần cử một người đi biểu tình, kiên quyết đòi đóng cửa Formosa, cộng với sự tiếp sức của những người dân quan tâm ở nơi khác, con số sẽ lên đến hàng trăm ngàn hoặc hơn. Liệu chế độ mafia CSVN có dám đàn áp như Thiên An Môn năm 1989? Câu trả lời còn bỏ ngỏ nhưng ít nhất nó biểu lộ suy nghĩ chững chạc, trưởng thành của một dân tộc, ý thức được quyền sống, quyền được làm người của mình.
Tiếc thay! Lịch sử không có chữ “nếu” hay “giá mà”. Một ông già gần đất, xa trời mang hàm giáo sư, đọc thiên kinh, vạn quyển còn chưa thấu hiều được nguồn gốc tai họa của đất nước, vẫn ngồi mơ mộng “giá mà”, thì trách chi người dân chỉ rên rỉ, khóc than cho số phận hay thờ ơ trước biến động xã hội.
“Giá mà” cái gì? Giá mà lúc này có được bản lãnh và tầm nhìn như Sáu Dân, Võ Văn Kiệt như ông giáo sư Tương Lai mơ ước. Mja! Có thì sao, không có thì sao? Một đất nước với 93 triệu dân u mê, trì trệ, bạc nhược, yếu đuối sau hơn 72 năm cai trị của CS thì một trăm Sáu Dân cũng chẳng làm nhúc nhích, chuyển động được đất nước theo chiều ngược lại với hiện trạng hôm nay. Làm ơn (và làm phước) nhìn lại lịch sử một chút đi. Ai dâng Hoàng Sa cho Trung Cộng? Tài ba, thông minh, thao lược như Hồ Chí Minh còn phải bán đi hòn đảo chiến lược để đổi lấy vũ khí, quân lương đánh chiếm miền Nam thì cỡ như Sáu Dân làm được gì?
Cũng đừng đơn giản cho rằng đến năm 2020 thì Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh của Trung Cộng bởi trên thực tế chế độ CSVN đã hoàn toàn lệ thuộc Trung công. Không tin ư? Hãy nhìn lại xem và nhìn cho kỹ. Từ kinh tế đến quân sự, văn hóa, thực phẩm…, từ mầu sắc tà áo dài trong cuộc thi hoa hậu, đến tấm bảng hiệu cho cửa tiệm, bộ quân phục của người lính QĐND… có y chang như Trung Cộng không? Ngoài ra, nếu để ý sẽ thấy, mỗi lần họ Tập hắt hơi thì bộ chính trị ĐCSVN co rúm lại vì sợ hãi, Đừng quên rằng, bất cứ một động thái nào để bắt tay với Mỹ đều phải được phép của Trung Nam Hải.
Hơn nữa, hãy so sánh tổng sản lượng quốc gia của hai nước năm 2016, GDP của Trung Cộng (11.200 ti USD) gấp hơn 55 lần GDP của VN (202,6 tỉ), một sự chênh lệch quá sức lớn lao. Do đó, nhận định rằng VN đến năm 2020 sẽ trở thành một tỉnh của Trung Cộng ngó bộ hơi xa xỉ. Dân số Trung Cộng đang gần 1,4 tỉ, nó cần gì cộng thêm 93 triệu nữa để nuôi cho thêm mệt? Sát nhập VN vào thành một tỉnh của mình, Trung Cộng hoàn toàn không được lợi gì ngoài chuyện ôm thêm một cục nợ to tổ chảng cùng với một số dân chỉ giỏi khôn vặt, láu cá, đến cái bắt chước cũng chẳng ra hồn.
Có đi ăn cướp thì chẳng ai dại tấn công vào nhà thằng nghèo, khố rách, áo ôm, nợ như chúa chổm, phải quỵ lụy ăn xin khắp nơi. Quỷ quyệt, tinh ma như Tập Cận Bình chỉ cần giữ cho chế độ CSVN đừng sụp đổ, thỉnh thoảng tiếp cho tí máu, mua chuộc đám lãnh đạo VN bằng một ít tiền đút lót, thế là dễ dàng điểu khiển, giật dây, biến VN thành cái bãi rác khổng lồ, tha hồ trút bỏ đồ phế thải như hóa chất độc hại, rác nguyên tử, rác bệnh viện… đồng thời là nơi tiêu thụ sản phẩm hạng hai như than đá, sắt thép, đầu máy xe điện,… với giá trời ơi đất hỡi, chẳng nước nào dám mua, ngoài ra còn là nhà máy đóng gói, thay đổi bao bì sản phẩm, để có thể dễ dàng chui lọt qua cửa khẩu hải quan của những nước mà hàng hóa mang nhãn hiệu Made in China bị cấm tuyệt. Vừa giản tiện, ít tốn kém, lại không phải lo lắng mà cũng không mang tiếng nước lớn “bá quyền” đánh chiếm nước nhỏ.
Vậy tương lai Việt Nam sẽ đi về đâu? Đi về đâu nữa? Đó là tương lai chết tiệt chứ ở đó mà “nếu” với “giá mà”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét