Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Khi từ gia đình tới nhà trẻ không còn là nơi an toàn!

Khi bảo mẫu thành “ác mẫu”
Khi những hình ảnh đánh đập, hành hạ dã man trẻ của bà Phạm Thị Mỹ Linh, chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, TP.HCM cùng hai bảo mẫu được quay lại và đưa lên mạng, lên báo khiến dư luận sốc, choáng, bà Phạm Thị Mỹ Linh đã bị công an bắt, sau đó Cơ quan CSĐT Công an Q.12 đã ra quyết định khởi tố vụ án và tạm giam bà Mỹ Linh, hai bảo mẫu cũng đang bị giữ lấy lời khai để phục vụ cho công tác điều tra.
Chắc chắn rằng cả ba người sẽ không thoát khỏi bị xét xử về tội hành hạ trẻ em. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên, thậm chí đã từng có khá nhiều câu chuyện về các bảo mẫu tại các cơ sở mầm non, điểm giữ trẻ tại nhà…hóa thành “ác mẫu” như thế.

Chỉ xin kể sơ sơ vài vụ nổi bật:
Năm 2007, bé gái 18 tháng tuổi được mẹ gửi ở trường Mầm Non Tư thục Thiên Thơ, Gò Vấp, TP.HCM bị bảo mẫu Lê Thị Vy cắt miếng băng, dán vào miệng bé để… ngưng khóc, khiến bé bị ngạt thở. Dù đưa đi cấp cứu nhưng do bị ngạt quá lâu nên bé đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, chết não và sau gần 1 tháng thì tử vong. Vy bị tuyên phạt 3 năm tù về tội "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp".
Năm 2009, bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa (Biên Hòa, Đồng Nai) bạo hành, tra tấn trẻ đến bị thương tích về thể xác và rối loạn tinh thần, bị truy tố về tội danh “Cố ý gây thương tích” và lĩnh 18 tháng tù giam.
Năm 2010, bà giữ trẻ Trần Thị Phụng ở Bình Dương bạo hành trẻ bị tuyên phạt 24 tháng tù giam.
Năm 2013, 2 bảo mẫu Lê Thị Đông Phương (chủ cơ sở mầm non Phương Anh, Q. Thủ Đức, TP.HCM) và Nguyễn Lê Thiên Lý tra tấn, đánh đập trẻ bị xử 3 năm tù.
Năm 2013, bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ ở Thủ Đức, TP.HCM đánh, đạp chết bé 18 tháng tuổi, bị Tòa Án ND TP.HCM xử 18 năm tù.
v.v…
Và bây giờ là các bảo mẫu tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, TP.HCM.
Nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo...là những nơi lẽ ra phải an toàn nhất, nơi trẻ được bảo vệ, chăm sóc, thương yêu, vậy mà...Khi một xã hội mà ngay đến nhiều nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo...cũng không còn là môi trường an toàn, thì xã hội đó như thế nào?
Khi gia đình biến thành “địa ngục»
Nạn bạo hành trẻ không chỉ xảy ra ở một số nhà trẻ, trường mầm non, mà ngay trong gia đình. Chỉ trong một thời gian ngắn, có đến mấy tin tức liên quan đến việc trẻ bị hành hạ, thậm chí bị giết hại ngay dưới mái nhà mình.
Một bé gái ở Hà Nam chỉ mới hơn 1 tháng tuổi bị bà giúp việc đánh, tát vào mặt, tung hứng lên cao nhiều lần mặc cho bé khóc thét, chỉ vì lý do bé khóc nhiều, dỗ không được! (“Bà giúp việc đánh bé gái hơn một tháng tuổi vì khóc nhiều”, “Bà giúp việc đánh bé gái hơn tháng tuổi bị khởi tố”, VNExpress).
Một bé gái 7 tuổi ở huyện Châu Thành, Kiên Giang nghi bị cha ruột và mẹ kế dùng sắt nóng gí vào người gây thương tích, khi công an và các cơ quan có trách nhiệm đến nhà điều tra thì hàng xóm cho biết bé đã bị mẹ kế đánh dã man từ mấy tháng nay rồi. «Bé gái nghi bị dí sắt nóng: Khởi tố vụ án, cách ly bé với cha ruột, mẹ kế”, Thanh Niên.
Một em bé sơ sinh khác ở Thanh Hóa, chỉ mới 20 ngày tuổi, bị chính bà nội giết, lời khai ban đầu là do tin lời thầy bói. (“Bà nội sát hại bé gái 20 ngày tuổi, phi tang xác”,VNExpress)…
Đó chỉ là sơ sơ vài vụ. Nếu chúng ta search trên google, chỉ riêng cụm từ “cha mẹ bạo hành con cái” thôi cũng ra bao nhiêu vụ. Còn những câu chuyện trẻ bị chính cha ruột, cha dượng, họ hàng xâm hại tình dục, cưỡng bức cũng nhiều không kém, không thể kể hết.
Như thế có nghĩa là gia đình, nơi lẽ ra phải là mái ấm, là thiên đường cho trẻ thì trong nhiều trường hợp đã biến thành địa ngục, trẻ phải chịu những nỗi đau đớn, tủi nhục cả về thể xác lẫn tinh thần mà chỉ cần nghe/đọc qua thôi người lớn chúng ta đã không cầm được nước mắt và sự phẫn nộ. Những vết thương trên da thịt dù có để lại dấu vết, di chứng theo thời gian rồi cũng lành, nhưng những vết thương tinh thần bao giờ trẻ mới quên đi được?
Gia đình hay nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo… rất quan trọng, vì đó là những nơi trẻ có những trải nghiệm đầu tiên về mối quan hệ cha mẹ, con cái, anh chị em, cho tới thầy trò, bạn bè. Những môi trường này sẽ gieo vào đầu trẻ những ký ức ngọt ngào hoặc đáng sợ, sẽ lưu lại trong trái tim trẻ những tình cảm yêu thương hoặc sợ hãi, từ đó hình thành nên những nét tậm lý, tính cách ở trẻ.
Nếu được yêu thương chăm sóc, được tạo điều kiện phát triển hồn nhiên, đúng với tuổi thơ và đúng với tính cách, tư chất của mình, điều đó sẽ giúp cho trẻ rất nhiều khi lớn lên, ngược lại, sẽ tạo ra những di hại mà bản thân trẻ cũng như ngay cả cha mẹ hay người bạo hành trẻ cũng không ý thức hết được: sự tự ti, yếm thế, sợ hãi, tự thu mình lại hoặc ngược lại, thù ghét con người, hung hăng, dễ có khuynh hướng bạo lực, trả thù v.v...Những «hạt mầm»xấu hay tốt đó lắm khi nằm sâu ở một góc khuất nào đó trong ký ức, thậm chí trong tiềm thức, tạo ra những “vệt đen”, những “đứt gãy” trong hành vi, tâm lý, tính cách…cho tới một ngày bùng nổ ra thành những hành vi tiêu cực, kẻ cả tội ác.
Câu hỏi: tại sao?
Cha mẹ, người thân bạo hành trẻ, phần lớn do ít học, nghèo, không hiểu biết về quyền con người, quyền trẻ em, không hiểu biết về pháp luật nên nhiều khi cứ nghĩ làm cha làm mẹ sinh con ra, nuôi con ăn, là có quyền đánh chửi con, đánh chửi như vậy không có hại gì…Có khi cuộc sống quá nhiều nỗi lo âu, căng thẳng, sự thiếu thốn tiền bạc, sự thất bại trong hôn nhân, công việc, cuộc sống…cho tới mọi ẩn ức, thù hận, tất cả được những người gọi là bậc cha mẹ ấy trút hết lên con cái. Thậm chí có cha ruột cưỡng hiếp con vì coi con cái như là vật sở hữu của mình, muốn làm gì thì làm; có những người làm cha làm mẹ ăn rồi ngồi không cờ bạc đề đóm, bắt đám con còn nhỏ phải đi bán vé số, đi bán dạo nuôi mình, có bà mẹ ép con đi bán trinh hoặc bán đi làm gái từ khi còn rất nhỏ để trả nợ v.v…
Muôn vàn hình thức hành hạ khác nhau, nguyên nhân chính chỉ vì do dốt nát, thiếu hiểu biết, thiếu cả tình người. Bởi đâu phải ai cũng có thể làm cha làm mẹ được?
Đối với những trường hợp bạo hành trẻ tại các điểm nuôi giữ trẻ, trường mầm non cũng có nhiều nguyên nhân khác nhau: do không yêu trẻ, không có những đức tính phù hợp để làm công việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, hoặc không có kiến thức, bằng cấp chuyên môn về nghề nuôi trẻ nhưng vẫn làm vì tiền, vì không có công việc khác, vì tưởng công việc này dễ…Kể cả coi thường trẻ con, cứ nghĩ trẻ con thì biết gì, đánh như thế trẻ mới ngoan, mới sợ; không hiểu biết hoặc coi thường luật pháp, không nghĩ rằng làm như vậy thì sẽ bị xử tội v.v…Và sự quản lý chưa sát sao của các cơ quan địa phương, ngành giáo dục đối với các cơ sở mầm non, đặc biệt là cảc điểm giữ trẻ tại gia này.
Đó là chưa nói đến ngoài đường, đến những môi trường khác. Cả hai môi trường lẽ ra phải an toàn nhất mà còn xảy ra nhiều chuyện thì còn có nơi nào là an toàn nữa cho trẻ em VN?
Trách nhiệm của xã hội
Những câu chuyện bạo hành hay lạm dụng tình dục trẻ em ở VN được đưa ra công luận chỉ là một phần nổi của cả tảng băng chìm bên dưới, và số vụ được điều tra, xử lý tới nơi tới chốn còn ít hơn nữa. Thêm vào đó, chúng ta thấy phần lớn những câu chuyện như vậy được phát hiện là từ…quần chúng, từ những người chứng kiến và lẳng lặng quay phim, chụp hình lại đưa lên mạng, lên báo, dư luận phẫn nộ lên tiếng, lúc đó công an, các ban ngành đoàn thể mới vào cuộc.
VN đã ký Công ước về Quyền trẻ em. Năm nào ở VN cũng tổ chức tưng bừng ngày Quốc tế Thiếu nhi. Nhưng thực tế trẻ em ở VN chưa hề được hưởng quyền trẻ em từ trong gia đính ra tới ngoài xã hội, ngược lại, văn hóa phong tục, nền giáo dục của VN cộng với cuộc sống dưới một chế độ độc tài khiến cho trẻ em phải chịu quá nhiều nỗi khổ về tinh thần. Các cơ quan đoàn thể chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ em ở VN thì đầy dẫy, nào tổ dân phố ở phường xã, hội phụ huynh ở trường, Đội thiếu nhi, Hội Phụ Nữ, Hội bảo vệ quyền trẻ em…họ ở đâu mà không giám sát, chỉ khi có việc mới thấy (thỉnh thoảng) lên tiếng?
Nguyên nhân chính có lẽ do phần lớn người VN vẫn chưa thực sự tôn trọng trẻ, ý thức về quyền trẻ em, xem trẻ em là chủ thể ưu tiên được bảo vệ, chăm sóc và cảnh giác lện tiếng ngay nếu thấy một đứa trẻ có những dấu hiệu bị bạo hành hay bị lạm dụng tình dục. Như câu chuyện em bé gái 7 tuổi nghi bị cha ruột và mẹ kế hành hạ dã man, nhiều người hàng xóm biết nhưng lại sợ vạ lây không muốn lên tiếng. Công an, đoàn thể nhiều khi có những vụ như vậy cũng không xử lý ngay, chì trừ khi công luận lên tiêng mạnh mẽ hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng. Điều này rất khác với các nước phát triển ở phương Tây nơi hầu hết người dân đều có ý thức bảo vệ trẻ và rất nhạy bén phản ứng khi thấy trẻ bị hại.
Nếu để ý chúng ta sẽ thấy những câu chuyện tương tự cũng hay xảy ra ở Trung Quốc, một quốc gia có rất nhiều điểm tương đồng với VN từ văn hóa cho đến mô hình thể chế chính trị. Và những quốc gia còn nghèo, chưa hoặc đang phát triển. Không muốn cái gì cũng đổ thừa cho chế độ, cho xã hội nhưng rõ ràng những câu chuyện như thế này rất hiếm khi xảy ra ở những đất nước văn minh, tự do, dân chủ, luật pháp nghiêm minh và coi trọng con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét