Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Làm gì làm, phải ‘nắm’ cho được Công An


Cung đường dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn xa?

Từ cảnh “nước mắt rơi vào lịch sử” đầy não nuột trước Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm 2012 đến lệnh bắt chấn động đối với Đinh La Thăng vào cuối năm 2017, quyền lực thực tế của Nguyễn Phú Trọng đã sải một bước đủ dài để khiến ông không có đối thủ chính trị, ít ra cho tới khi kết thúc năm 2017.

3 lần thăng hoa sau 5 năm nhòa nhạt

Nhưng cái bước sải dài ấy lại trở nên ngắn ngủn nếu so sánh với “Vạn Lý Trường Thành” ở Trung Quốc: trở thành tổng bí thư đảng vào năm 2012 và còn sau Nguyễn Phú Trọng một năm, nhưng ngay trong năm đó Tập Cận Bình đã hạ gục một ủy viên bộ chính trị là Bạc Hy Lai. Còn Nguyễn Phú Trọng phải mất đến hơn 6 năm mới quyết định được số phận một đàn em của “anh Ba Dũng”.

Trong 6 năm đó, Nguyễn Phú Trọng đã có ba lần thăng hoa.

Sau 5 năm hoàn toàn mờ nhạt trong lịch sử chính trị và thậm chí còn trở nên khốn đốn vào Hội nghị trung ương 10 đầu năm 2015 tại sự kiện “bỏ phiếu tín nhiệm tổng bí thư”, Nguyễn Phú Trọng đã chỉ thật sự vươn lên mạnh mẽ bằng chiến thắng ngoạn mục trước đối thủ Nguyễn Tấn Dũng tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016.

Tuy nhiên, chiến thắng trên là không thể trọn vẹn, bởi dù Nguyễn Tấn Dũng rốt cuộc đã chấp nhận rút lui để trở về làm “người tử tế”, vẫn còn ít ra ba nhân vật còn lâu mới được dư luận xem là tử tế - cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, cựu phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và cựu bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng, đều được xem là tay mặt tay trái của “Anh Ba Dũng” - lọt vào tận đầu não Bộ Chính trị.

Trước bức tranh lồ lộ “kẻ về, người lên” như thế, không thiếu dư luận đã cho rằng giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã có một thỏa thuận ngầm nào đó để Nguyễn Tấn Dũng chịu rút, rút trong an toàn và đặc biệt còn rút trong thế vẫn “cài cắm” người của mình trong Bộ Chính trị.

Di chứng để lại thật phiền toái. Loay hoay phải mất đến gần một năm rưỡi sau lần thăng hoa đầu tiên, vào tháng 5/2017, Nguyễn Phú Trọng mới hạ được Đinh La Thăng và đưa Thăng về Ban Kinh tế trung ương để “nhốt chung quyền lực vào lồng” cùng với kẻ phụ trách ban này là Nguyễn Văn Bình. Tuy thế, cho tới khi đó Đinh La Thăng mới chỉ bị loại khỏi Bộ Chính trị và ghế bí thư thành ủy TP.HCM, nhưng vẫn giữ được chức trung ương ủy viên.

Nếu tại sự kiện “Dũng rút”, người ta có thể tạm lý giải theo hướng một thỏa thuận ngầm giữa các chóp bu với nhau, thì với trường hợp Đinh La Thăng mất ghế Bộ Chính trị, người ta có thể tự hỏi vì sao Nguyễn Phú Trọng lại không nhân đà kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về trách nhiệm của Đinh La Thăng thời còn là chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia là “rất nghiêm trọng”, cùng Hội nghị trung ương 5 vào tháng 5/2017 để chấm dứt luôn ghế ủy viên trung ương đảng của Thăng và bắt Thăng, mà phải chờ dến cuối năm 2017, thậm chí sau cả Hội nghị trung ương 6, mới làm được điều đó.

Đã có một cái gì đó, như một trục trặc hay sức cản đủ lớn, đối với Nguyễn Phú Trọng trong khoảng thời gian từ tháng Năm đến tháng Mười Hai năm 2017 mà khiến ông Trọng không đủ sức bắt Thăng.

Bắt đầu “nắm” được Bộ Công an

Khác với ý muốn kỷ luật đảng sẽ được thực thi tức thì bởi các cơ quan đảng như Ủy ban Kiểm tra trung ương và đảng ủy khối, ban cán sự đảng, ý đồ bắt bớ trong nội bộ lại phải tuân thủ theo cơ chế hành pháp và tư pháp, chứ không phải cơ quan đảng ở Việt Nam có quyền bắt người ngang xương và tống vào nhà tù riêng của đảng như ở Trung Quốc.

Muốn bắt người thì phải có người đi bắt.

Người đi bắt chính là Bộ Công an.

Để làm cho chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng đạt đến hiệu quả không phải khẩu hiệu hay báo cáo mà có thể đo đếm được, cơ quan quan trọng nhất là Bộ Công an.

Chí ít cũng phải là Cơ quan cảnh sát điều tra của bộ này, nếu không muốn nói cả Cơ quan an ninh điều tra.

Ủy ban Kiểm tra trung ương của Trần Quốc Vượng - mặc dù đã được Tổng bí thư Trọng khen “làm việc gì ra việc đó” và còn cho ông Vượng đặc cách trở thành “thành viên thường trực ban bí thư”, nhưng chắc chắn bề dày của cơ quan này cũng như cá nhân Trần Quốc Vượng còn quá mỏng so với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương của Vương Kỳ Sơn trước đây và Triệu Lạc Tế hiện thời ở Trung Quốc - cơ quan mà không ít lần Tổng bí thư Trọng đã dẫn đoàn Việt Nam sang “học tập kinh nghiệm” và còn có thể đã thỏa thuận bí mật với nhau về những công việc nào đó để “trị đảng” lẫn “trị quân”.

Một cách đương nhiên, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ban nội chính trung ương và cả Tổng cục 2 quốc phòng không thể thay thế được Bộ Công an.

Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 10/2016, Tổng bí thư Trọng đã “tự cơ cấu” vào Thường vụ đảng ủy công an trung ương, tự nguyện làm cấp dưới của Bí thư đảng ủy công an trung ương là Tô Lâm.

Tuy nhiên phải mất đến một năm sau từ thời điểm trên, mới có dấu hiệu Nguyễn Phú Trọng “nắm” được Bộ Công an, mà minh chứng rõ ràng nhất là việc Bộ Công an “nhất trí” thi hành lệnh bắt Đinh La Thăng của tổng bí thư.

Đã đến lúc Nguyễn Phú Trọng xem mình là một Tập Cận Bình của VIệt Nam?
Đã đến lúc Nguyễn Phú Trọng xem mình là một Tập Cận Bình của VIệt Nam?

Vụ bắt Đinh La Thăng không chỉ phá vỡ tiền lệ “ủy viên bộ chính trị không thể bị tống giam” trước đây, không chỉ mở màn cho chiến dịch “chống tham nhũng giai đoạn 2” của Tổng bí thư Trọng, không chỉ khiến một số văn nghệ sĩ một lần nữa ca tụng ông Trọng ngút trời như “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”, “Minh quân”…, mà còn đánh dấu lần đầu tiên trong cuộc đời hơn 6 năm làm tổng bí thư của mình, Nguyễn Phú Trọng bắt đầu “nắm” được Bộ Công an.

Đến lúc này, Nguyễn Phú Trọng đã có thể tự so sánh vị thế của mình với Tập Cận Bình.

“Bản lĩnh Nguyễn Phú Trọng”?

Sức mạnh trong cuộc chiến vừa chống tham nhũng vừa thanh trừng phe phái của Tập Cận Bình không chỉ thể hiện bằng Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương mà còn nằm ở Bộ Công an Trung Quốc - nơi nắm rất nhiều hồ sơ của giới quan chức nhận hối lộ.

Đến lúc này, Nguyễn Phú Trọng đã có thể tự so sánh vị thế của mình với Tập Cận Bình.
Nguyễn Phú Trọng liệu có làm được như Tập Cận Bình? Hoặc chí ít cũng được một góc của Tập? Liệu có diễn ra một “cuộc chiến chống tham nhũng long trời lở đất” như ở Trung Quốc từ năm 2012 đến nay?

Đó vẫn là một dấu hỏi lớn đối với điều được xem là “bản lĩnh Nguyễn Phú Trọng”.

Tập Cận Bình đã đẩy hơn 80 quan chức trung cao ở Trung Quốc vào kết cục buộc phải tự sát - nhảy lầu, thắt cổ, uống thuốc độc… Trong khi đó ở Việt Nam vẫn chỉ có rất ít quan chức tham nhũng - cấp thấp chứ chưa hề có cấp cao - buộc phải “quyên sinh” trong những năm qua.

Trong trường hợp Nguyễn Phú Trọng chinh phục hoàn toàn được Bộ Công an và tạo được một gạch nối hoàn hảo giữa bộ này với Ủy ban Kiểm tra trung ương cùng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, chủ trương “chống tham nhũng” của ông Trọng, cho dù chỉ “chống tham nhũng một bên” hay nhắm tới mục tiêu tập quyền cao độ, sẽ không gặp phải những lực cản đáng kể từ “nhóm tham nhũng thời kỳ trước” - tức nhóm “Anh Ba X”, để sau trận hạ “thành trì” Đinh La Thăng, sẽ khó còn một bức thành nào dựng lên trước mặt Nguyễn Phú Trọng trên cung đường dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng và các quan chức cao cấp khác.

Để sau đó là “đảng chỉ huy súng” - như Tập Cận Bình đã tập quyền đến mức tối thượng ở Trung Quốc.


Nhưng nếu không thể “nắm” được Bộ Công an một cách trọn vẹn, đó không chỉ là một lỗ hổng cục bộ mà còn có thể trở thành một thất bại chiến lược của Nguyễn Phú Trọng, mà rất có thể đe dọa đến tương lai “ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi” của ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét