Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Nguyễn Quang Thạch, người miệt mài dành gần 20 năm cõng sách về làng trò truyện cùng RFA Tiếng Việt


 Chân Như và Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập phong trào "Sách Hóa Nông Thôn".

"Sách Hóa Nông Thôn" mang chữ đến cho mọi người.

Sách Hóa Nông Thôn là một phong trào xây dựng văn hóa đọc ở nông thôn VN được Nguyễn Quang Thạch sáng lập vào năm 2007, tính đến nay tổ chức này đã có đến hơn 100 ngàn thành viên, sống trong và ngoài nước Việt Nam, phong trào này cũng đã xây dựng được trên 9 ngàn tủ sách đủ loại.  Nhân sự kiện người sáng lập của phong trào có chuyến công tác và làm việc tại Hoa Kỳ, RFA chúng tôi mời quý vị cùng theo dõi cuộc trò chuyện giữa Chân Như và anh Nguyễn Quang Thạch, người miệt mài dành gần 20 năm cõng sách về làng.

Chân Như: Xin chào anh Nguyễn Quang Thạch, trước hết xin cám ơn anh đã dành cho đài RFA cuộc trò chuyện hôm nay, và xin chúc mừng anh cùng Sách Hoá Nông Thôn được trao giải thưởng của Thư viện Quốc hội Mỹ. anh có thể cho biết thêm thông tin về giải thưởng này?

Nguyễn Quang Thạch: Đây là một hình thức vinh danh các chương trình mà người ta cho là có ý nghĩa về thực tiễn đã được áp dụng ở Việt Nam, giúp cho nhiều trẻ em nông thôn có sách đọc. Người trong ban giám khảo nói với tôi họ rất thích sự đam mê của tôi và họ ủng hộ các mô hình thư viện có tính thực tiễn, phù hợp với người nghèo ở Việt Nam.

Chân Như: Vì đâu anh có ý tưởng  sáng lập “sách hóa nông thôn” như thế? và theo anh thì tại sao cho đến thời điểm hiện tại đất nước vẫn cần đến những nhóm và hội đoàn như anh?

Nguyễn Quang Thạch: Câu chuyện sách hóa nông thôn có lịch sử khởi nguồn cách đây hơn 20 năm, khi tôi đặt mục tiêu là nhà cách mạng thư viện để thay đổi xã hội và tôi theo đuổi nó, thiết kế, xây dựng lý thuyết rồi ứng dụng thực địa như một quy trình của người phương Tây làm, để hoàn thiện rồi sau đó chia sẻ trên quy mô xã hội.

Tôi nghĩ quốc gia nào cũng vậy, không riêng gì Việt Nam, như Mỹ đã rất lớn mạnh về mặt thư viện, mặt văn hóa đọc, nhưng người ta vẫn có những tổ chức hôm qua lãnh giải như tổ chức sáng kiến phổ biến trí thức cho trẻ em làm việc bền bỉ trong 30 năm qua, tổ chức gia đình học tập.  Các nước như Úc và Canada cũng thúc đẩy khuyến đọc, tức là phát triển hệ thống thư viện rộng khắp, duy trì khuyến đọc để người già và trẻ em đọc sách. Việc khuyến khích trẻ em ở Mỹ đọc sách cũng không dễ.

 nguyenquangthach00
Nguyễn Quang Thạch với bằng giải thưởng được trao bởi Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. RFA

Chân Như: Nhiều người biết đến anh là một người dành gần 20 năm cõng sách về làng, thúc đẩy văn hoá đọc sách của người dân Việt Nam.  Sự việc anh đi bộ xuyên việt để vận động kêu gọi mọi người ủng hộ cho chương trình Sách Hoá Nông Thôn được nhiều người hưởng ứng quan tâm. Lần này đến Hoa Kỳ thì anh có nghĩ rằng Sách Hoá Nông Thôn sẽ có thêm nhiều cơ hội để mang sách đến cho mọi người?

Nguyễn Quang Thạch: Hôm trao giải (29/11) tôi có nói chuyện với bà Becky, Giám đốc xuất bản của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, rằng sau khi nhận giải thưởng này thì sẽ tạo hiệu ứng LOC (Library of Congress Effect), tức là người Việt ở Mỹ chung tay đưa sách về nông thôn Việt Nam sẽ tăng lên. Vì năm ngoái khi tôi nhận giải thưởng ở Pháp, người Việt ở Ba Lan đã xúc tiến làm gần 1.000 tủ sách, rồi người Việt ở Đức, ở Nhật tham gia và đưa sách về nông thôn rất nhiều. Họ tự đưa sách về quê hương của chính họ, đưa sách về lớp học ở trường cũ, về xứ đạo, về các nhà chùa.

Ngay trước khi đến Washington D.C, tôi gặp chị Thanh ở New York, người vừa làm được 4 tủ sách giáo xứ ở Quảng Bình và Hà Tĩnh. Chị đang tiếp tục vận động kêu gọi người ở Mỹ đưa sách về nông thôn Việt Nam nữa.

Tôi rất vui khi đến New York trao được lá cờ “Sách hóa nông thôn”  dưới chân tượng Nữ Thần Tự Do của Mỹ và tôi nói với chị Thanh rằng: “Trong mỗi chúng ta đều có Thần Tự Do, vấn đề là chúng ta tìm cách đưa vị thần ấy hiện hữu ở đời sống như thế nào. Tôi nghĩ rằng bằng tri thức, lòng tử tế và lòng yêu thương con người thì chúng ta có thể đánh thức được Nữ Thần Tự Do trong mỗi cá thể chúng ta.

Chân Như: Bên lề 1 xíu, tất nhiên công việc của anh làm là hy vọng hàng triệu trẻ em việt sẽ có sách để đọc, để mở mang kiến thức nhưng anh có bao giờ nghĩ  liệu sẽ có một số sách đang cố tình làm lu mờ đi tiếng việt, thay đổi cách phát âm của người Việt thì anh nghĩ sao?

Nguyễn Quang Thạch: Thực ra việc xôn xao vừa rồi chỉ đang là ý tưởng thôi , chưa phải đi vào thực tế. Hiện tại, theo tôi người Việt có những kênh tiếp cận trí thức là chữ Quốc ngữ đã được sử dụng hàng trăm năm nay được trải nghiệm qua quá trình sàng lọc của dân chúng, của các bậc trí giả như cụ Nguyễn Văn Vĩnh, cụ Phạm Quỳnh, rất nhiều người. Đây là một tiến trình trong những năm qua đã có những biến chuyển, sự tích lũy và đi vào tâm trí đại chúng. Tất nhiên ngôn ngữ có sự chết cũng nhiều và sự khai sinh của ngôn ngữ như một quá trình nghiễm nhiên của đời sống. Nên tôi cũng không bận tâm những lùm xùm quanh việc thay đổi chữ này lắm.

Nói thẳng thì nó cũng chẳng làm gì tốt đẹp cho đất nước chúng ta. Phải làm ra những thứ mới, tạo ra những thứ có thể nuôi dưỡng tiềm năng sáng tạo cho con trẻ và đánh thức được Thần Tự Do trong mỗi cá thể của một quốc gia thì người Việt mới mạnh được.

Hôm qua tôi đặt mục tiêu sẽ sang Ấn Độ kêu gọi quỹ cho một tủ sách. Tôi sẽ là người Việt Nam sang Ấn đi bộ để kêu gọi người Ấn Độ đưa sách về cho trẻ em nước họ.

Mình phải có vai trò đóng góp vô sự thay đổi nhân loại chứ không cho riêng đất nước mình, phải nghĩ đến chuyện toàn cầu. Tôi thường nói với bạn bè rằng  những thứ ta dùng như iPhone, máy điện tử, tủ lạnh, tivi… đều là của thế giới, tại sao không phải là của người Việt? Chúng ta phải tạo ra các sản phẩm để chia sẻ cho nhân loại, không phải sống nhờ vào người ta nữa.

Vậy nên tôi sẽ kêu gọi 5.000 người Việt thực sự tiến bộ đi Ấn Độ tham gia vào tiến trình đưa sách về cho trẻ em Ấn Độ.

Chân Như: Câu hỏi cuối muốn hỏi anh đó là, anh còn có những dự án gì sắp tới cho “sách hóa nông thôn” mà anh muốn bật mí với quý khán thính giả của RFA hay chăng?


Nguyễn Quang Thạch: Tôi đã trăn trở 6, 7 năm nay rồi, hình ảnh những cô gái Ấn Độ bị hiếp dâm xong bị treo lên cây luôn ám ảnh tôi. Tôi nghĩ rằng tôi phải có bổn phận thay đổi thực trạng đó trong thế giới này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét