Thiền Lâm - Cali Today
Chính phủ và Bộ Công thương đã có một “kịch bản hoàn hảo” – rất lạnh lùng và tàn nhẫn – khiến dân tình và báo chí không kịp trở tay vào ngày 1/12/2017 khi giá điện được “đánh úp” vọt đến 6,08%.
Mức tăng 6,08% lại nằm trong quy định “Bộ Công Thương được quyết tăng giá điện từ 5% đến 10%” – theo quyết định số 24/2017 do Thủ tướng Phúc ký phê duyệt cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Đối với nhóm lợi ích Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương mà từ rất lâu rồi người ta vẫn ví là “nhóm cá mập” hay “bạch tuộc,” chỉ cần được chính phủ bật đèn xanh tăng giá điện và tăng vài chục phần trăm mỗi năm đã đã đủ để “bù giá vào dân”.
Dĩ nhiên, nhóm này chẳng cần đến trường hợp phải tăng giá điện trên 10% mà theo đó Bộ Công Thương phải xin ý kiến chính phủ, mà cách “ngọt” nhất là tự quyết theo hai phương án:
Trong trường hợp “nhân đạo” nhất, EVN sẽ được quyền tự quyết định tăng giá diện dưới 5% và được tăng hai lần một năm.
Còn kém “nhân đạo” hơn, không phải EVN mà chính là Bộ Công Thương sẽ “trảm” dân. Nối tiếp truyền thống “đi đêm” và “bảo kê” từ thời Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng, đương kim Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh của bộ này – nhân vật suýt thành công với người anh em cọc chèo Lê Phước Vũ trong dự án Thép Hoa Sen-Cà Ná ở Ninh Thuận, sẽ có hai lần tăng giá điện trong năm với biên độ gần 10%/lần, để “kết quả dân chúng” bằng tỷ lệ tăng cả năm lên đến gần 20%!
Và bây giờ là chính Bộ Công thương đã “trảm” dân.
Một tháng rưỡi trước ngày tăng giá điện, có một cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ. Trong cuộc họp này, khác hẳn với thái độ đầy nét dân túy vào đầu năm 2017 khi hứa hẹn trên mặt báo rằng về khả năng không tăng giá điện trong năm 2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đổi giọng.
Trong cuộc họp trên, ông Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình Chính phủ quyết định. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể.
Nhưng điều kỳ lạ là Bộ Công thương đã “khẩn trương” đến mức trùng với thời điểm có yêu cầu trên của ông Vương Đình Huệ, bộ này đã hoàn thành phương án tăng giá điện với “kịch bản thấp nhất có thể” là giá điện sẽ tăng 6,08%.
Hơn 6% là một tỷ lệ tăng cao và hoàn toàn có thể kích thích lạm phát tăng vọt, trong bối cảnh kinh tế ngập ngụa suy thoái và đời sống người dân ngày càng khốn khó, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam ngày càng tăng cao.
Mặc dù giới lãnh đạo EVN và Bộ Công thương cho rằng việc tăng giá điện chỉ khiến chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng chưa tới 0,1% và không làm giảm GDP, nhưng trong thực tế từ năm 2011, một nhóm chuyên gia đã dựa trên mô hình giá Leontief với hệ số được cập nhật năm 2007 để xác định nếu tăng giá điện 5% sẽ làm CPI tăng thêm khoảng 0,3% và khiến GDP giảm 0,04%.
Động tác Bộ Công thương đã hoàn thành phương án tăng giá điện với “kịch bản thấp nhất có thể” là giá điện sẽ tăng 6,08% – trùng với chỉ đạo của ông Vương Đình Huệ – để một tháng rưỡi sau đó đã bất ngờ công bố tăng giá điện đúng tỷ lệ 6,08%, cho thấy đây là một kịch bản đã được giới lãnh đạo ngành công thương, EVN và lãnh đạo chính phủ tính sẵn để đưa xã hội và người tiêu dùng vào thế đã rồi.
Vào quý 1 năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lần đầu tiên phải thừa nhận thế cùng quẫn của “đứa con hoang đàng” của mình: Nếu không tăng và thậm chí không tăng mạnh giá điện, EVN sẽ phá sản!
Nếu EVN phá sản, đó sẽ là thất bại ghê gớm đối với cơ chế độc quyền nhà nước “nói mãi vẫn không chuyển” và “ăn của dân không chừa thứ gì.” Nhưng trên tất cả, đó sẽ một sự báo oán lớp dân chúng cùng các đời con cháu của họ không biết làm gì nên tội.
Nếu không tăng giá “bù lỗ vào dân”, phá sản là chắc chắn. Bởi vào những năm 2007-2009, EVN đã trở thành tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30.000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Cho đến năm 2017, hậu quả đầu tư lỗ lã và chôn vốn ấy vẫn chưa được EVN xử lý xong.
Cho đến năm 2017, một khoản nợ khổng lồ lên đến 9,3 tỷ USD của EVN được công bố. Chi tiết cần đặc tả không kém là vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được chính phủ bảo lãnh.
Nhưng 9,3 tỷ USD chưa phải hết. Kết luận của hãng kiểm toán Delotte Việt Nam, đơn vị kiểm toán cho EVN đã nhấn mạnh: Tổng nợ phải trả của tập đoàn này đã lên đến xấp xỉ 487 ngàn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Hiện thời, EVN chính là quán quân về “chúa chổm” trong tất cả các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét