Sau khi Kim Jong Un cho bắn thử hỏa
tiễn liên lục địa lần sau cùng, hai vị tướng Mỹ và Trung Cộng gặp nhau ở thủ đô
Washington. Tướng Richard Clarke, giám đốc kế hoạch liên quân Mỹ và Tướng Thiệu
Nguyên Minh (Shao Yuanming, 邵元明), phó tham mưu trưởng quân Trung Cộng họp mặt tại Đại Học
Quốc Phòng (Defence University), và nhiều nhà quan sát đoán rằng thế nào hai
ông cũng nói đến vụ bắn phi đạn Hỏa Tinh 15, có thể bắn tới lục địa Mỹ, kể cả
chỗ mà họ đang ngồi họp.
Cuộc gặp gỡ tuần này đã được ấn định
từ ba tháng trước, khi Tướng Joseph Dunford, tham mưu trưởng liên quân Mỹ qua
Trung Quốc, và được mời quan sát cuộc thao diễn quân sự tại Thẩm Dương trong tỉnh
Liêu Ninh. Quân Trung Cộng tập trận ở một nơi chỉ cách biên giới Bắc Hàn 190 cây
số để làm gì? Tập đánh nhau với quân nước nào?
Vì vậy, có người còn đoán hôm Thứ
Năm vừa qua hai ông tướng Mỹ và Tàu có thể bàn nhau về hậu quả của một vụ Mỹ tấn
công Bắc Hàn! Quân Tàu có kéo qua chiếm Bình Nhưỡng không? Trung Cộng sẽ dàn
quân ngăn chặn dân Bắc Hàn chạy sang tị nạn như thế nào?
Nhưng liệu Mỹ có thể bàn chuyện
đánh Bắc Hàn với Trung Cộng hay không?
Điều này khó xảy ra. Nếu Mỹ có kế
hoạch đánh phủ đầu Kim Jong Un thì họ chỉ có thể báo cho hai đồng minh trong
vùng là Nam Hàn và Nhật Bản, và sẽ chờ đến phút chót mới nói rõ chi tiết! Chính
phủ Nam Hàn đã đòi phải được hỏi ý kiến nếu Mỹ đánh. Bộ quốc phòng hai nước chắc
đã thảo luận nhiều kế hoạch hành quân phối hợp, chỉ còn chờ vào phút chót quyết
định chọn kế hoạch nào.
Trong ngày Thứ Tư, ông Donald
Trump đã điện thoại lần nữa qua Bắc Kinh, và ông Tập Cận Bình một lần nữa, lại
yêu cầu ông Trump khiên nhẫn, chờ thi thố hết các hành động ngoại giao. Làm
cách nào Tập Cận Bình có thuyết phục Donald Trump hãy chờ đến khi ông ta đưa
Kim Jong Un tới ngồi xuống, nói chuyện?
Một lý do dễ hiểu, là ba đời họ
Kim cai trị Bắc Hàn đều muốn có cơ hội ngồi nói chuyện ngang hàng với Mỹ để ký
một hiệp ước đình chiến. Họ có thể nói với dân chúng Bắc Hàn rằng: “Mỹ đã chịu
thua! Sau hơn nửa thế kỷ Mỹ đã chịu nói chuyện tay đôi rồi!”
Một điều dễ thuyết phục hơn nữa,
là Kim đã sẵn sàng chấp nhận tạm ngưng thí nghiệm bom và hỏa tiễn rồi. Sau khi
thí nghiệm thành công một hỏa tiễn có thể bắn sang tới nước Mỹ, Kim Jong Un có
địa vị cao hơn! Bây giờ Kim có thể tự coi mình mạnh không thua gì nước Mỹ! Khi
Bắc Hàn có thể bắn hỏa tiễn đem bom khinh khí qua Mỹ, thì Mỹ sẽ sợ bị trả đũa,
không dám tấn công nữa! Tất nhiên mấy chục trái bom nguyên tử của Bắc Hàn không
thể so sánh với mấy ngàn bom khinh khí của Mỹ. Nhưng trong cuộc chơi chiến
tranh hạch tâm, chỉ cần đối phương có khả năng bắn một, hai trái bom thôi cũng
đủ khiến chính phủ Mỹ ngần ngại không muốn hàng triệu dân nước mình bị chết.
Cho nên, Tập Cận Bình có thể thuyết
phục Donald Trump rằng hỏa tiễn mới của Kim Jong Un càng bay cao và bay xa thì
cậu Kim càng sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện với Mỹ hơn.
Tập Cận Bình đang thúc đẩy Kim
Jong Un tới bàn hội nghị. Nhiều viên chức Trung Cộng cấp cao mới bay qua Bình
Nhưỡng, và trong Tháng Mười, Bắc Kinh đã giảm bớt số lượng dầu xăng cung cấp
cho Bắc Hàn. Với nghị quyết mới cấm vận của Liên Hiệp Quốc, Trung Cộng càng có
lý do để đe dọa cậu Kim trong khi vẫn nhỏ nhẹ khuyên bảo. Trung Cộng không thể
mạnh tay với Bắc Hàn hơn nữa, vì nếu làm quá Kim Jong Un có thể quay mũi các hỏa
tiễn để chĩa qua phía Tây, sẵn sàng đe dọa nước Tàu!
Tập Cận Bình còn nhiều lý do khác
để đưa Kim Jong Un vào ngồi bàn hội nghị. Một lý do quan trọng là nếu cứ để yên
cho cậu Ủn thử những hỏa tiễn và bom mạnh hơn thì dư luận các nước khác trong
vùng sẽ thúc đẩy chính phủ của họ phải làm bom nguyên tử.
Trung Cộng từng đóng vai cường quốc
có bom hạch tâm duy nhất ở Á Đông. Đến năm 2017, Bắc Hàn đã đứng ngang hàng với
nước đàn anh Cộng Sản.
Nếu những nước Nam Hàn, Nhật Bản,
Đài Loan, cũng chế bom thì Trung Cộng sẽ bị bao vây bốn mặt bởi các nước có bom
nguyên tử, kể cả Nga, Ấn Độ và Pakistan! Tập Cận Bình khó ngủ yên trước viễn tượng
đó!
Trước khi Bắc Hàn thử trái bom
nguyên tử đầu tiên, trong nước Nhật Bản đã có nhà chính trị bàn về nhu cầu làm
bom nguyên tử. Trong những thập niên 1970, 80, Nam Hàn đã hai lần chuẩn bị làm
bom, họ chỉ bỏ ý định đó sau khi bị Mỹ làm áp lực.
Một cuộc nghiên cứu dư luận đầu
năm nay cho thấy 60% dân Nam Hàn nghĩ nước họ nên chế bom nguyên tử; và 70% ủng
hộ ý kiến yêu cầu Mỹ đem bom nguyên tử cỡ chiến thuật trở lại vào Nam Hàn. Nam
Hàn đang chạy 24 lò điện nguyên tử, với kho chất thải có thể được tinh luyện lấy
plutonium, với số lượng đủ chế hơn 4,000 trái bom. Chỉ cần sáu tháng Nam Hàn có
thể hoàn thành trái bom nguyên tử thứ nhất.
Chính phủ Nhật vẫn hứa hẹn với
các nước rằng họ không tồn trữ phế liệu từ lò nguyên tử, nhưng khả năng kỹ thuật
của Nhật cho phép họ chế 6,000 trái bom nguyên tử với những phế liệu đang có.
Trong sáu tháng, Nhật có thể hoàn tất trái bom đầu tiên và trong hai năm sẽ
nghiễm nhiên trở thành một cường quốc hạch tâm. Nếu Nhật và Nam Hàn làm bom,
Đài Loan cũng sẽ bắt chước, rồi sẽ đến lượt các nước vùng Đông Nam Á!
Nhật và Nam Hàn chưa tính làm bom
vì cả hai được Mỹ hứa hẹn bảo vệ. Nhưng có thể tin vào quyết tâm của chính phủ
Mỹ hay không? Ông tổng thống Mỹ có thể hy sinh Los Angeles hoặc Chicago khi cần
bảo vệ Seoul và Tokyo hay không? Trong thập niên 1950, các nước Anh và Pháp
cũng tiến hành việc nghiên cứu chế bom nguyên tử chỉ vì không không thể tin tưởng
hoàn toàn Mỹ quyết tâm bảo vệ họ trước mối đe dọa của Liên Xô.
Chỉ cần Nhật và Nam Hàn nghi ngờ
Mỹ một chút, có khả năng làm bom họ sẽ làm bom. Đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh,
đó là một mối lo hãi hùng. Cho nên Tập Cận Bình có đủ lý do để tìm cách thuyết
phục Kim Jong Un hãy bước tới gần bàn hội nghị.
Khi Kim Jong Un bắn được hỏa tiễn
với khả năng bay tới Chicago, và chứng tỏ cho thế giới biết Bắc Hàn có cả bom
khinh khí, thì cậu bé mập này sẽ tự tin hơn để ngồi vào bàn hội nghị. Tập Cận
Bình có thể coi đây là một thắng lợi cá nhân, đem được Trump và Kim tới gặp
nhau! Ngai vàng hoàng đế nước Trung Hoa của ông ta sẽ vững chắc hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét