Honest John, được chế tạo năm 1953, tên lửa đầu tiên của Hoa Kỳ có thể mang đầu đạn hạt nhân. Wikimedia Commons
Tại diễn đàn an ninh quốc tế Halifax diễn ra từ ngày 17-19/11/2017 ở Canada, tướng Hyten, lãnh đạo kho vũ khí chiến lược của Mỹ khẳng định sẽ không tuân thủ « một cách mù quáng » mệnh lệnh của tổng thống Donald Trump nếu ông thấy đó là « bất hợp pháp ». Tuyên bố này đang làm dấy lên một tranh luận về độ tin cậy vũ khí răn đe hạt nhân của Mỹ.
Báo Le Monde (22/11/2017) trong bài viết đề tựa « Đối mặt với Bắc Triều Tiên, vũ khí răn đe hạt nhân của Mỹ cần xét lại » trước hết nhận định phát biểu trên của tướng Hyten vô hình chung đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trong nước về khả năng điều hành đất nước của tổng thống Donald Trump.
Hồi tháng 8 năm nay, nguyên thủ Mỹ đe dọa « một cơn bão lửa và phẫn nộ chưa từng có » trút xuống Bắc Triều Tiên. Hậu quả là tại Quốc Hội, các nghị sĩ đảng Dân Chủ muốn giới hạn quyền hành của vị tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa này, vốn có ý định dùng vũ khí hạt nhân đánh phủ đầu Kim Jong Un.
Tướng Hyten, đến tham dự diễn đàn Halifax giải thích rằng có lẽ ông sẽ không áp dụng một cách mù quáng quyết định có thể gây ra ngày tận thế. Vị tướng này cũng cho biết vẫn phải tuân theo nguyên tắc quyền chiến tranh : tính cần thiết sử dụng vũ khí nguyên tử, mức độ đáp trả, phân biệt các mục tiêu, hạn chế thiệt hại thường dân.
Gánh nặng leo thang
Ngoài việc nói đến tính khí thất thường của ông Trump, những nguyên nhân sâu xa nhất, có liên quan đến độ tin cậy của sức mạnh răn đe hạt nhân Mỹ có thể giải thích phần nào việc dấy lên một số tranh luận về hạt nhân tại Mỹ.
Tướng Hyten còn thuật lại yêu cầu của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis, « tạo điều kiện sao cho ngành ngoại giao vận hành, sao cho mọi thứ đều sẵn sàng, mỗi phút, mỗi ngày để đáp trả mọi hành động tấn công từ Bắc Triều Tiên ». Theo ông Hyten, việc bảo đảm rằng điều đó có thể mang lại « một kết cục tồi » cho Kim Jong Un « là một yếu tố răn đe rất rõ ràng ».
Hoa Kỳ có một kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử trị giá 1 500 tỷ đô la trong vòng 30 năm. Được đưa ra dưới thời tổng thống Barack Obama, kế hoạch này đã được chính quyền Donald Trump thông qua bất chấp các chỉ trích về chi phí.
Về điểm này, Le Monde trích đánh giá của một chỉ huy quân đội Mỹ cho rằng : « Người ta đã quên khái niệm răn đe là gì. » Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, khái niệm này rất rõ ràng. Nhưng « vào thế kỷ XXI, khái niệm này trở nên bao quát hơn. Răn đe bắt đầu bằng các loại vũ khí hạt nhân nhưng bao hàm cả những hoạt động không gian, mạng và vũ khí quy ước ».
Chuyên gia Corentin Brustlein, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) trong một bài phân tích đăng ngày 24/11/2017 (La Guerre nucléaire limitée : un renouveau stratégique américain - Chiến tranh hạt nhân hạn chế : Một sự đổi mới chiến lược của Mỹ) có lưu ý là từ lâu học thuyết quân sự của Mỹ đã coi trọng cả việc xử lý những tình huống leo thang có thể qua việc dựa vào khả năng sử dụng có hạn chế vũ khí hạt nhân.
Thế nhưng Hoa Kỳ đã phải thích ứng vị thế của mình trước các kịch bản quân sự do Bắc Triều Tiên và Nga đặt ra, cũng như là các loại vũ khí « chống xâm nhập » (deni d’accès)(sức mạnh của hệ thống phòng không). Do đó, trong tương lai, kho vũ khí hạt nhân sẽ bao gồm cả các loại vũ khí « linh hoạt » hơn, nghĩa là công năng có thể thay đổi hay song song (quy ước và hạt nhân).
Vẫn theo giải thích của ông Brustlein, « ngày nay xác suất ngưỡng hạt nhân bị vượt bởi chính các đối thủ của Mỹ lớn hơn là chính từ Mỹ hay từ NATO. Tuy nhiên, gánh nặng leo thang dường như là không mấy nhẹ ». Dưới thời Obama, ưu tiên « tối đa hiệu quả răn đe khởi đầu, nghĩa là đánh chặn ngay từ đầu ý định sử dụng vũ khí hạt nhân hơn là chứng tỏ khả năng đi theo mỗi nấc của một cuộc leo thang ». Các kế hoạch quân sự cũng bao gồm cả năng lực quy ước, mạng và không gian.
« Kế hoạch B »
Tổng thống Trump sẽ thông qua một học thuyết hạt nhân mới vào đầu năm 2018. Do đó, theo quan điểm của IFRI, trong khi chờ đợi, « Lầu Năm Góc buộc phải quay trở lại với những học thuyết cơ bản, nhất là các nguyên tắc 'ngoại giao vũ lực' theo như lý thuyết do Thomas Schelling đưa ra, nhắc lại việc đi đôi đe dọa (đáp trả hay cấm đoán) và cam kết kềm chế nếu như bên tấn công từ bỏ các tham vọng là cần thiết. »
Các bên tham gia diễn đàn Halifax có nêu ra câu hỏi : Liệu chúng ta có thể sống chung với một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân hay không ? Tướng Hyten đáp rằng : « Câu trả lời là có. Đúng hơn hết câu hỏi phải là : Liệu chúng ta có muốn điều đó hay không ».
Còn theo cựu bộ trưởng Quốc Phòng Israel, Moshe Yaalon, « Chúng ta nên nhìn nhận là chiến lược được tiến hành chống lại Bắc Triều Tiên là một thất bại ». Hơn nữa với ông Moshe Yaalon, Iran mới là mối đe dọa chính.
Giới quan chức quân sự Mỹ thì tỏ ra thận trọng, nhưng một số người nghĩ rằng cần phải tấn công, theo như thổ lộ của ông Eliot Cohen, giáo sư đại học Johns Hopkins tại Washington với báo Le Monde. « Bởi vì một bộ phận quân đội Hàn Quốc nghĩ rằng nên chọn giải pháp chiến tranh hơn là bị đặt dưới quyền bảo hộ của Mỹ suốt đời ».
Tuy nhiên, ông Sung-Han Kim, Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Ilmin tại Seoul lưu ý là mối đe dọa Bắc Triều Tiên đang tác động đến « hệ thống liên minh của Hoa Kỳ, bởi vì Hàn Quốc và Nhật Bản không hoàn toàn tin tưởng vào lá chắn tên lửa Mỹ ». Vẫn theo vị chuyên gia này, Seoul nên có một kế hoạch dự phòng do các nỗ lực ngoại giao đã thất bại.
Ông Kim cho rằng Seoul có ba chọn lựa : « Hoàn tất hệ thống lá chắn tên lửa của Hoa Kỳ ; tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ ; và Hàn Quốc tự phát triển vũ khí cho chính mình ». Tuy nhiên, về chọn lựa cuối cùng, tướng Hyten đã có câu trả lời dứt khoát là « Không ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét