Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Đằng sau cuộc chiến tiếng Quảng Đông-Quan thoại ở Hồng Kông

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nguồn: Gina Anne Tam, “Tongue – Tied in Hong Kong: The Fight for Two Systems and Two Languages”, Foreign Affairs, 03/08/2016

 hongkongprotest
hongkongprotest

Năm 2012, Lương Chấn Anh nhậm chức Đặc khu trưởng Hồng Kông sau một chiến dịch gây tranh cãi. Nhờ quy chế “một quốc gia, hai chế độ” đặc thù của Hồng Kông được dàn xếp với Trung Quốc đại lục, ông đã đắc cử vào chức vụ cao nhất của lãnh thổ này không phải bằng một cuộc bỏ phiếu bởi người dân Hồng Kông mà bằng một hội đồng bầu cử gồm 1.200 thành viên được xem là một bè đảng có các ràng buộc kinh tế và chính trị với Bắc Kinh.

 Những người chỉ trích Lương Chấn Anh trên mạng đặt biệt danh cho ông là “ông 689”, chỉ số phiếu thực tế ông nhận được từ nhóm người thân Bắc Kinh so với 3,5 triệu cử tri được đăng ký của thành phố.

Bài phát biểu nhậm chức của ông Lương, được trình bày bằng tiếng Quan Thoại – ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc đại lục – chỉ gióng thêm một cảnh báo nữa cho thành phố này. Đó là lần đầu tiên kể từ khi Hồng Kông được người Anh trao trả vào năm 1997, một Đặc khu trưởng không phát biểu bằng tiếng Quảng Đông, ngôn ngữ chính của thành phố nơi ông đắc cử làm đại diện. Điều này càng củng cố một niềm tin đang lớn dần ở Hồng Kông rằng ông chẳng khác gì một con rối của Đảng Cộng sản.

Tính biểu tượng của khoảnh khắc này không bị người dân Hồng Kông bỏ qua, đặc biệt là với những ai xuống đường hai năm sau đó trong một phong trào được gọi là cuộc Cách mạng Dù. Phong trào này đấu tranh đòi quyền tự trị lớn hơn so với Trung Quốc đại lục, không chỉ về chính trị mà còn về văn hóa, với ngôn ngữ nằm ở trung tâm của cuộc đấu tranh này. Các nhà hoạt động nhấn mạnh tính chính danh của tiếng Quảng Đông, ngôn ngữ được gần 90% cư dân thành phố sử dụng. Trong suốt cuộc Cách mạng Dù, khắp các con đường ở khu Mong Kok liên tục râm ran ca khúc tiếng Quảng nổi tiếng ở thập niên 1990 “Hải khoát thiên không”, được vang lên lặp đi lặp lại từ radio. Các từ lóng tiếng Quảng bao phủ khắp các poster dán đầy trên những bức tường của phố đi bộ ở Quảng trường Kim Chung. Các nhà hoạt động sử dụng từ jyuze(雨遮), tiếng Quảng có nghĩa là “dù”, chứ không phải là từ yusan ()trong tiếng Quan Thoại, để đặt tên cho cuộc cách mạng.

Niềm tự hào về tiếng Quảng và mối quan ngại rõ ràng rằng ngôn ngữ này đang bị đe dọa tiếp tục dẫn dắt văn hóa và chính trị Hồng Kông. Bộ phim độc lập thể loại mạt thế phát hành năm 2015 mang tên “Thập niên”, tạo tiếng vang trong giới trẻ đang bất bình của thành phố, đã diễn tả toàn bộ các nỗi âu lo điển hình về tình trạng giám sát và bạo lực của nhà nước. Bộ phim mô tả một Hồng Kông chỉ sau đây một thập niên sẽ bị đại lục kiểm soát: sẽ có những vụ ám sát được dàn xếp nhằm khủng bố tinh thần người dân Hồng Kông buộc phải nghe lời, và trẻ em sẽ được huấn luyện để trở thành những người giám sát bị kiểm soát tư tưởng. Chưa hết, thứ làm khổ sở người dân Hồng Kông nhất là một đạo luật trong phim nghiêm cấm người dân thành phố nói bất cứ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Quan Thoại. Sự cưỡng bức về văn hóa của Bắc Kinh, chứ không chỉ là năng lực giám sát và bạo lực, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Hồng Kong.

Dĩ nhiên, việc sử dụng tiếng Quan Thoại ở Hồng Kông đang ngày càng tăng với tốc độ đáng báo động đối với nhiều cư dân. Hơn một nửa người dân thành phố nói thứ ngôn ngữ này, so với chỉ 30% một thập niên trước. Từ 2012, nó đã vượt qua tiếng Anh để trở thành ngôn ngữ phổ biến thứ hai ở Hồng Kông. Xu hướng đó đang được lèo lái bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều người tạm trú từ đại lục – chẳng hạn như người nhập cư và khách du lịch – và bởi cả mối quan hệ ngày càng khăng khít của chính quyền Hồng Kông với Bắc Kinh.

Sự phản đối chống lại xu hướng đó thỉnh thoảng biểu hiện qua một sự phân biệt nhẹ nhàng, nhưng đôi khi công khai mạnh mẽ. Các video trên Youtube so sánh khách du lịch từ đại lục với những kẻ phá hoại, và những người phản đối thường quay video những du khách người Trung Quốc đại lục có hành vi kém văn minh hoặc đáng xấu hổ. Nhưng dường như nhiều người dân Hồng Kông chỉ lo lắng rằng ngôn ngữ bản địa của họ có thể đang bị đe dọa. Sinh viên tại Đại học Thành thị Hồng Kông đã khước từ thành công yêu cầu của các bạn học đến từ đại lục về việc chuyển ngôn ngữ giảng dạy từ tiếng Quảng sang tiếng Quan Thoại. Các game thủ Hồng Kông đã tẩy chay Nintendo vì bỏ qua tên gọi bằng tiếng Quảng cho Pokemon trong cơ sở dữ liệu trung tâm của nó, và kênh truyền hình địa phương TVB tràn ngập các lời phàn nàn từ người địa phương giận dữ bởi quyết định hủy bỏ chương trình tiếng Quảng. Thỉnh thoảng, sự giận dữ của người dân về ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh đối với Hồng Kông lại bùng phát. Thậm chí hai năm trước khi Phòng trào Dù diễn ra, giáo viên tại Hồng Kông đã xuống đường chỉ trích các đề xuất thay đổi chương trình giảng dạy bởi chính quyền Hồng Kông nhằm thiết lập các lớp học giáo dục công dân trong đó nhấn mạnh tình yêu dành cho Trung Quốc và hệ thống cộng sản độc đảng. Trong những cuộc biểu tình này, giáo viên cũng biểu hiện thái độ thất vọng vì tiếng Quan Thoại đang dần thay thế tiếng Quảng để trở thành ngôn ngữ giảng dạy trong các lớp tiếng Hoa.

Đó là lý do giúp cho thông điệp của Phong trào Dù tiếp tục vang vọng ở Hồng Kông: một phiên bản bản sắc Trung Hoa được Bắc Kinh ủng hộ, trong đó bao gồm cả việc nói tiếng Quan Thoại, không chỉ không thể đại diện được cho bản sắc Trung Hoa – hay gốc gác Trung Quốc của họ – mà còn đe dọa chính bản sắc đó. Thậm chí ngày nay, dù người dân Hồng Kông đang bị chia rẽ về việc nhận diện gốc gác bản thân ra sao, và gần ba phần tư nói rằng họ là người Hoa – nhưng họ hoặc nhận gốc gác của mình là “người Hoa”, “người Hoa Hồng Kông”, hoặc “người Hoa đến từ Hồng Kông”. Nhưng câu hỏi nằm trong tâm trí nhiều nhà hoạt động trong Phong trào Dù đó là thành phố này có thể duy trì bản sắc ngôn ngữ và văn hóa riêng biệt như thế nào trong bối cảnh sự hợp nhất với đại lục sau cùng có thể xảy ra, hoặc liệu họ phải đối mặt với sự đồng hóa về văn hóa hay không. Một vài phần của ý nghĩ đó xuất phát từ việc Hồng Kông đã từng kinh qua chủ nghĩa thực dân, thời kỳ mà họ được trao một số quyền tự trị nhất định. Người Anh cai quản bằng tiếng Anh, nhưng không giống Trung Quốc đại lục, họ không mong muốn đồng hóa, và không cố gắng can thiệp vào sự phát triển văn hóa và xã hội của thành phố này.

Tiếng Quan Thoại và sự phản đối chống lại nó đã có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc từ những năm tháng suy tàn của triều đại nhà Thanh (1644 – 1911). Sau hàng loạt thất bại quân sự nhục nhã hồi giữa thế kỷ 19, giới tinh hoa Trung Quốc tuyệt vọng tìm cách lý giải những hạn chế của chính đất nước mình. Sự cai trị trì trệ bởi giới vua chúa càng làm gia tăng thêm nỗi tuyệt vọng trong tầng lớp tinh hoa, khiến giới quan chức và trí thức băn khoăn liệu hiện đại hóa công nghệ và quân sự có đủ để đẩy Trung Quốc bước vào thế giới hiện đại hay không. Điều này làm họ nhận thức rằng tình trạng lạc hậu của Trung Quốc bắt nguồn từ thứ còn sâu xa hơn: nền văn hóa của nước này.

Vì vậy, ngôn ngữ chính là trung tâm trong công cuộc tái tạo của Trung Quốc. Lúc bấy giờ, người Trung Quốc sử dụng hàng trăm ngôn ngữ địa phương, được gọi là fangyan (phương ngôn), vốn không hề có điểm chung. Bước sang thế kỷ 20, khi sự hỗn loạn chính trị đe dọa xé tan Trung Quốc thành nhiều mảnh, điều đó đã thay đổi. Ngoài việc sáng tạo ra lá cờ quốc gia và đề cao một lịch sử chung của quốc gia, nhà nước (Trung Quốc) bắt đầu khởi xướng một ngôn ngữ quốc gia duy nhất.

Thông qua những ủy ban được nhà nước tài trợ, các học giả đã gặp gỡ nhau trong suốt hai thập niên đầu tiên của thế kỷ 20 nhằm sáng tạo và truyền bá ngôn ngữ đó. Trong khi một số người đề xuất Trung Quốc nên theo bước Nhật Bản và áp dụng ngôn ngữ của thủ đô làm chuẩn mực quốc gia, nhiều người khác thúc giục một sự hợp nhất – một thứ ngôn ngữ chứa đựng các đặc trưng âm sắc của các loại tiếng Trung Quốc khác nhau, trong quá khứ và cả hiện tại. Năm 1913, một ủy ban đã đồng thuận về một sự hợp nhất như vậy, nhưng thực tiễn giảng dạy một ngôn ngữ như thế đã chứng minh là không khả thi. Như một trong những người sáng tạo ra thứ ngôn ngữ này đã nói đùa nhiều năm sau đó, “Tôi là người duy nhất sử dụng ‘thứ thổ ngữ ngu ngốc’ (idiolect – chơi chữ giữa idiot và dialect) này, thứ vốn được dự định trở thành ngôn ngữ quốc gia cho bốn, năm hay sáu trăm triệu người sử dụng.” Những người mơ mộng về một thứ ngôn ngữ quốc gia bao quát hết tất cả sự đa dạng ngôn ngữ của Trung Quốc đã phải chấp nhận thất bại. Năm 1927, khi Quốc Dân Đảng tiến hành một cuộc viễn chinh lên miền Bắc nhằm đưa toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc vào phạm vi kiểm soát của một chính quyền trung ương, họ đã lựa chọn tiếng Quan Thoại – dựa trên ngôn ngữ được dùng tại Bắc Kinh – làm ngôn ngữ quốc gia. Các ngôn ngữ địa phương khác của Trung Quốc, bao gồm cả tiếng Quảng, được xem là thổ ngữ – một thực thể ngôn ngữ phụ.

Sau năm 1949, tại Trung Quốc của Mao, Đảng Cộng sản phán xét mọi tư tưởng và hành vi bằng cách xem chúng có gắn liền với các mục tiêu quốc gia không – và họ xem việc sử dụng ngôn ngữ của Trung Quốc Cộng sản là hành động hữu ích và cách mạng. Các sở giáo dục địa phương mời học sinh, giáo viên và quan chức tham gia vào chiến dịch “Truyền bá tiếng Quan Thoại”, trong đó họ được tuyên truyền rằng tư duy của họ sẽ được hoàn thiện hơn nếu dùng ngôn ngữ của nước Trung Quốc cách mạng. Một diễn giả tại một trong những sự kiện đó đã tuyên bố rằng, “Tuân theo Đảng (Cộng sản) chưa bao giờ là sai lầm. Sử dụng ngôn ngữ quốc gia là tuân theo Đảng.” Trong hoàn cảnh như vậy, sử dụng một ngôn ngữ thay thế khác là phản động.

Dĩ nhiên, Hồng Kông phần nào đó đã được che chắn khỏi các chính biến ở Trung Quốc nhờ địa vị là một thuộc địa của Anh. Nhưng họ nhận thức được lịch sử đó, và kể từ khi được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, họ đặc biệt nhạy cảm với sự áp đảo ngôn ngữ quốc gia của Bắc Kinh đối với các phương ngôn. Ví dụ, Pang Ho-cheung (Bành Hạo Tường), một đạo diễn phim người Hồng Kông, đã vô tình trở nên nổi tiếng vài năm trước khi ông đã khăng khăng nói tiếng Quảng Đông tại một hội chợ sách, bất chấp các phóng viên yêu cầu ông nói tiếng Quan Thoại. Cư dân mạng Hồng Kông ca ngợi ông là “bảo vệ chân giá trị” của Miền Nam Trung Quốc, những bình luận ám chỉ rằng việc sử dụng phương ngôn là một hành động chính trị dũng cảm.

Năm 2010, một nhóm người biểu tình đã tụ tập ở Công viên Nhân dân Quảng Đông, hát vang các bài nhạc pop tiếng Quảng và mang áo phông in khẩu hiệu thể hiện niềm tự hào về vùng của mình, chẳng hạn như bài “Hát lời ngợi ca Quảng Đông” (Sing Praises for Canton). Một người đàn ông tự hào giơ một poster ghi “Tôi yêu tiếng Quảng Đông; Tôi không nói tiếng bí đao hầm.” Cụm từ “bí đao hầm” (bodonggwa) được sử dụng rộng rãi như tiếng lóng mang tính chế diễu trong tiếng Quảng Đông để nhại từ Putonghua (tiếng Quảng là potongwa) có nghĩa là “phổ thông thoại” (tiếng phổ thông), hay tiếng Quan Thoại.

Việc sử dụng ngôn ngữ mang tính khiêu khích ở cuộc biểu tình này, cũng như với Phong trào Dù về sau, chính là sự phản kháng lại yêu sách ngoan cố của Trung Quốc đại lục về một bản sắc hợp nhất. Bằng việc sử dụng tiếng Quảng Đông, người dân Hồng Kông đã nhấn mạnh rằng bản sắc Trung Quốc vẫn là một vấn đề tranh cãi, một trận chiến mà trong đó nhà nước Trung Quốc và người dân bình thường từ Cáp Nhĩ Tân đến Hồng Kông sẽ phải đấu tranh vì quyền xác định đâu mới là bản sắc Trung Hoa.
*
Gina Anne Tam là Trợ lý Giáo sư ngành Lịch sử Trung Quốc tại Đại học Trinity. Bà nhận bằng tiến sĩ ở Stanford vào năm 2016, và hiện đang viết một cuốn sách về vai trò của tiếng địa phương trong việc kiến tạo nên Trung Quốc hiện đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét