Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Ba mũi ‘dân vận’ đã gãy hai: Đảng nên làm gì?











Thời gian năm 2017 vẫn vùn vụt lao đi… Mất đến gần nửa năm sau “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” – một kế hoạch đã hoàn toàn phá sản cho tới giờ phút này, những hội đoàn nhà nước mới lò dò tổ chức hội thảo về “xã hội dân sự.” Vài ba hội thảo bàn về nội dung “dân chủ nhân quyền” nhưng chẳng đụng chạm gì đến chân đứng chế độ đã được tổ chức vào Tháng Sáu và Tháng Bảy.
Tiếm danh “xã hội dân sự”

Vài ba cuộc hội thảo trên lại diễn ra trong nội tình các hội đoàn nhà nước mà không có lấy một đại diện nào của “xã hội dân sự độc lập” – hàm ý về những tổ chức dân sự thường tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền và mang tiếng nói chẳng hề lọt tai chế độ.

Những hội thảo trên lại diễn ra không bao lâu sau khi chủ trương “đối thoại với những cá nhân khác biệt về đường lối và quan điểm” lần đầu tiên được một ủy viên Bộ Chính Trị là Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng úp mở hồi Tháng Năm.

Dù chẳng có văn bản nào tuyên bố chính thức, nhưng đến lúc này chính quyền đã gần như chính thức tiếm danh khái niệm “xã hội dân sự” của phương Tây để dùng cho những “cánh tay nối dài của đảng” – theo phương châm “tay không bắt giặc,” hoặc hiểu thâm thúy hơn là “lấy mỡ nó rán nó.” Vài bài viết trên những tờ báo đảng như Quân Đội Nhân Dân gần đây đã minh chứng rõ ràng cho chủ trương và chiêu thức ấy.

Thế nhưng, cái lối trước lên án sau tiếm danh “xã hội dân sự” lẫn tổ chức “chỉ ta với nhau” đã một lần nữa cho thấy một sơ kết quan trọng: Đảng còn lâu mới nhận chân được bài học đối thoại và phản biện thành tâm trong và sau vụ khủng hoảng Đồng Tâm, Tháng Tư, ngay tại thủ đô ngự trị của Bộ Chính Trị.

Ngoại trừ một phần nhỏ nhoi mang tính tình thế bắt buộc không thể cưỡng lại như hình ảnh Chủ Tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cúi đầu ký cam kết không truy tố dân Đồng Tâm để khỏi sinh ra bạo loạn diện rộng ngay tại Hà Nội nhưng ngay sau đó lại trở mặt, gần hết những gì mà đảng muốn vẫn chỉ là “quốc doanh chủ đạo,” vẫn là vai trò của các hội đoàn nhà nước, đặc biệt là sáu tổ chức đắc lực nhất được cơ cấu chính trị là Mặt Trận Tổ Quốc, Đoàn Thanh Niên, Liên Đoàn Lao Động, Hội Phụ Nữ, Hội Nông Dân, Hội Cựu Chiến Binh, phải trên hết. Cho dù sau này những tổ chức đó có “tự diễn biến” sang tính chất xã hội dân sự chăng nữa…

Hẳn não trạng cùng thói quen độc đoán, độc tài đang khiến đảng vẫn quá trì trệ trong “cải cách thể chế” ngay cả khi tình thế đã chuyển sang nước sôi lửa bỏng vào lúc này.

Nhưng tâm trạng sốt ruột nhất cho một sự thay đổi nào đó không chỉ còn thuộc về các tầng lớp nhân dân, đặc biệt người nghèo và giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, mà đang lan sang tâm lý của những nhóm chính trị “muốn thay đổi” ở Việt Nam. Những nhóm này, xuất phát từ bề dày lợi ích nhóm và quyền lực nhóm, có vị thế chính trị ngày càng mang tính cát cứ và sứ quân, mang trong lòng những động cơ riêng biệt, thậm chí có thể khác hẳn với quan điểm đối ngoại – đối nội của nghị quyết đảng. Đây cũng là những nhóm được xem là đánh hơi nhạy nhất về toàn bộ các bế tắc hiện thời về kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại đang và sẽ đẩy đảng cầm quyền vào chỗ không còn đường thoát nếu không chịu thay đổi.

Nhưng phải thay đổi như thế nào?

Hai mũi “dân vận” đã gãy

Từ đầu năm 2017, đã kín đáo hình thành một khuynh hướng thay đổi trên hai mặt trận: “kiều vận” và “quốc tế vận.”

Chỉ có điều, cả hai mũi “dân vận” trên đều đã thất bại một cách rõ ràng. Thất bại chua chát.

“Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” cùng “sẽ mời tất cả các nhà văn hải ngoại về nước tham dự,” do chủ thể Hội Nhà Văn Việt Nam dự định tổ chức vào Tháng Tư, là một phép thử sau đến 14 năm “thực hiện thắng lợi nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị về vận động người Việt Nam ở nước ngoài.” Thế nhưng cho tới giờ, kế hoạch này vẫn hoàn toàn bặt vô âm tín. Nghe nói tuyệt đại đa số nhà văn hải ngoại đã cự tuyệt lời mời bị xem là quá sức mị dân từ hội đoàn bị xem là “cánh tay nối dài của đảng.” Một cảnh phá sản đúng nghĩa. Nhận thức chủ quan của đảng và của cả những nhóm chính trị riêng biệt trong đảng về “chỉ cần hé mở một chút là người Việt hải ngoại bập vào ngay” đã biến thành phản đề của chính nó.

Ở đời, phàm cái gì không thành tâm thì hậu vận chẳng ra sao.

Sau phép thử “kiều vận,” hay “kiều hối vận” mà đã chẳng đi đến đâu, mũi “dân vận” thứ hai là “quốc tế vận” đã được triển khai nhằm “nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.” Một lần nữa trong nhiều lần, hàng loạt tuyên truyền một chiều về “Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người” được bộ máy tuyên giáo ồn ào tung ra trong nửa đầu năm 2017. Thế nhưng sự thể quá tréo ngoe là trong vòng một năm qua, chính thể Việt Nam lại tích lũy được bề dày “thành tích nhân quyền” vượt hẳn vài năm trước: Bắt bớ giới nhân quyền nhiều hơn hẳn, đàn áp phong trào biểu tình phản đối Formosa, trấn áp các hoạt động tự do tôn giáo, tống các dự thảo Luật Biểu Tình và Luật Về Hội vào ngăn kéo, tiếp tục bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận và phản biện của báo chí, xúc phạm các đoàn giám sát nhân quyền phương Tây bằng cách thẳng tay chặn khách mời người Việt của họ…

Chẳng quá khó hiểu khi chuyến vận động cho Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam – Châu Âu của Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào Tháng Tư, lẫn những chuyến đi Mỹ và Đức của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc vào Tháng Năm và Tháng Bảy với mục tiêu chính là hai bản hiệp định thương mại song phương, đều chỉ đạt được kết quả chẳng có kết quả hứa hẹn nào cho những hiệp định này.

Ba mũi “dân vận,” nhưng thực tế đã gãy hai. Giờ đây, đảng chỉ còn mũi “dân vận” cuối cùng: “Trí thức vận” hay “nội vận,” tức phải đối diện với chính người dân trong nước.

Hai dạng thức “xã hội dân sự”

Đó là nguồn cơn vì sao chỉ đến lúc này, đảng mới gián tiếp thừa nhận “xã hội dân sự.”

Và cũng chỉ đến lúc này mới kín đáo hiện ra một trong những quan điểm mang tính sơ khai của giới học giả công an và quân đội cho rằng: “Việc hình thành, phát triển xã hội dân sự sẽ tạo môi trường, điều kiện để phát triển các mặt của xã hội, tuy nhiên cần phải đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước để xã hội dân sự thực sự hoạt động theo đúng mục đích, tôn chỉ của nó.”

Nhưng vẫn “thòng” một đoạn không thể thiếu: “Một số tổ chức bị các thế lực bên ngoài có quan điểm thù địch với Việt Nam lợi dụng nhằm phục vụ cho lợi ích riêng; một số hoạt động không đúng với tiêu chí, mục đích đề ra ban đầu; đặc biệt, một số tổ chức có hoạt động chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nội bộ, đi ngược lại lợi ích chính đáng của người dân, hoạt động chống phá đảng, nhà nước… Bên cạnh đó, cũng xuất hiện các xã hội dân sự trá hình do một số tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động tài trợ tiền, kinh phí cho một số đối tượng trong nước hoạt động thành lập các hội, nhóm kiểu xã hội dân sự nhằm hoạt động chống đảng, gây phương hại đến nhà nước ta.”

Dĩ nhiên với những quan chức “còn đảng còn mình” thì quan điểm trên là tạm chấp nhận được. Trước mắt, phải làm thế nào để đưa ra một số tổ chức hội đoàn có nguồn gốc nhà nước sang khu vực “xã hội dân sự,” nhưng là xã hội dân sự của nhà nước – như một bằng chứng để chứng minh với quốc tế rằng Việt Nam tôn trọng nhân quyền và tôn trọng đòi hỏi về xã hội dân sự của nhiều nước trên thế giới, nhưng sẽ cố gắng lấn át khối “xã hội dân sự độc lập.”

Giai đoạn quá độ “ngụy dân chủ”

Ở một khía cạnh khác, sâu xa và ẩn giấu hơn nhiều, những quan chức “còn đảng còn tiền” lại đã từ lâu nhận ra ở các tổ chức xã hội dân sự độc lập một “tài nguyên” hiếm có: Nếu biết cách lợi dụng hay ít ra là vận dụng khối tự phát nhưng cơ thể đang dần lớn lên này, đó sẽ là con đường đủ ngắn và đủ nhanh để bảo đảm cho một số quan chức “về với nhân dân” trong bối cảnh một Việt Nam tương lai bể dâu xung đột, hoặc tìm ra lối thoát ở phương Tây một khi nội tình trong nước “có biến.”

Tình thế đang dần chuyển, cho thấy nhiều viễn ảnh từ năm 2017 trở đi, trên mảnh đất Việt Nam hỗn tạp sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh đầy tính đố kỵ lẫn thủ đoạn chơi xấu của chính quyền và “xã hội dân sự quốc doanh” đối với “xã hội dân sự độc lập.” Một giai đoạn “dân chủ giả hiệu” hay “ngụy dân chủ” đang hình thành.

Chỉ có điều, phàm cái gì không thành tâm thì hậu vận chẳng ra sao. Giai đoạn quá độ từ độc tài chính hiệu sang “ngụy dân chủ” sẽ không tồn tại được quá lâu, trước khi khuynh hướng đòi hỏi một nền dân chủ thực sự của tuyệt đại đa số người dân sẽ bùng phát, bao trùm và lấn át hoàn toàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét