LTS: Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là yếu tố
quan trọng để chính quyền thẩm định, giúp giảm thiểu những tác động của
một dự án xảy ra đối với môi trường, bảo vệ dân cư và xã hội. ĐTM phải
duyệt xét toàn bộ quy trình xây dựng, hoạt động và bảo trì, xét các
phương án đối phó, nhằm giảm thiểu và kiểm soát những tác động gây ra.
Nếu để chính các nhà đầu tư hay bất kỳ cố vấn nào của họ biên soạn
ĐTM, không thể tránh khỏi mâu thuẫn lợi ích, khi đó ĐTM sẽ không có độ
trung thực và tính chính xác. Ở Mỹ, để ĐTM có giá trị và độc lập, các
nhà đầu tư thường phải trình cho chính quyền duyệt xét, chấp thuận trình
độ, uy tín chuyên môn, kinh nghiệm và tư cách độc lập (arm length, no
conflict) của các cố vấn tham gia. Các cố vấn sẽ chịu trách nhiệm và
phải có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đủ số tiền bồi thường, nếu phạm
sai lầm.
Ngoài thủ tục hành chính với chính quyền, ĐTM còn phải được công bố
rộng rãi qua các phương tiện truyền thông và phổ biến cho cư dân. Phải
tổ chức nhiều buổi họp trực tiếp, giải thích và lắng nghe, ghi nhận các
phản biện của công luận, của xã hội dân sự và lập hồ sơ trả lời công
luận một cách thoả đáng, kể cả phải điều chỉnh thiết kế nhà máy và thay
đổi quy trình, nếu cần.
Bài tường trình của báo Pháp Luật TP dưới đây, cho thấy tiến trình
ĐTM trong nước thực hiện qua loa, thẩm định trong phòng kín, thiếu giải
trình, và nhất là không ai chịu trách nhiệm và cũng không ai bị truy tố
khi sai phạm xảy ra. Cơ chế ĐTM như thế đã liên tục cho phép những dự án
gây tai họa, tàn phá môi trường đã và đang xảy ra trên cả nước trong
nhiều năm qua.
Nếu không cải tổ tiến trình ĐTM, tạo điều kiện cho người dân tham gia
ĐTM, giám sát các nhà đầu tư, chính phủ sẽ mất hết sự tin cậy của dân
chúng. Các quan chức sẽ tiếp tục cúi đầu phục vụ cho quyền lợi của các
nhà đầu tư, như phục vụ bề trên. Họ sẽ không quan tâm đến xã hội và môi
trường, cho đến khi ĐTM được chính quyền thực hiện một cách nghiêm túc.
***
Trung Thanh
Cần phải xử lý trách nhiệm những người đứng đầu hội đồng thẩm định ĐTM.
Liên quan đến vụ mạo danh các nhà khoa học trong hồ sơ xin cấp phép
nhận chìm gần 1 triệu tấn bùn, cát xuống biển Bình Thuận, trao đổi với
PV Pháp Luật TP.HCM, TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, nói ông không mấy bất ngờ về vụ việc này.
Ngồi bàn giấy vẫn “vẽ” được ĐTM
. Phóng viên: Vì sao một vụ việc gây bất bình, phẫn nộ
trong dư luận như vậy nhưng ông lại không thấy kinh ngạc. Có phải những
gian dối trong hồ sơ môi trường cũng như trong các báo cáo đánh giá tác
động môi trường (ĐTM) quá phổ biến không?
+ TS Vũ Ngọc Long: Thẳng thắn mà nói những kiểu làm hồ sơ môi
trường gian dối như thế không ít. Chúng ta vẫn còn như vụ ĐTM thủy điện
Đồng Nai 6-6A, người ta cũng sao chép, copy một cách thô thiển từ dự án
khác. Tôi từng tham gia phản biện nhiều dự án nên biết có dự án đơn vị
thực hiện không đi khảo sát thực tế nhưng vẫn viết được. Vậy mà ĐTM vẫn
được phê duyệt. Những trường hợp như vậy có thể gọi là “mua” ĐTM.
. Theo quy trình, nếu ĐTM làm sơ sài thì sẽ bị hội đồng thẩm định (HĐTĐ) loại bỏ, không phê duyệt. Như vậy, có thể nói không chỉ đơn vị lập ĐTM gian dối mà HĐTĐ ĐTM cũng có vấn đề?
+ Nếu HĐTĐ ĐTM có nhiều chuyên gia giỏi thì họ có thể phát hiện những
gian dối, sai trái trong báo cáo so với thực tế. Song nếu HĐTĐ không có
chuyên gia giỏi thì cũng rất dễ bị qua mặt. Như vụ nhận chìm bùn, cát
xuống biển, chúng ta thấy trong hồ sơ đánh giá tác động thiếu những
chuyên gia giỏi về môi trường sinh thái biển, thậm chí một số chuyên gia
còn có dấu hiệu bị mạo danh. Do đó theo tôi, HĐTĐ phải quy tụ được
những chuyên gia giỏi cho từng lĩnh vực và phải đi khảo sát thực tế thật
nhiều.
. Trên thực tế, ĐTM lại do chủ đầu tư (CĐT) dự án chịu trách nhiệm
thực hiện. Và để có lợi nhất cho dự án, họ không chi nhiều tiền cho
việc thực hiện ĐTM. Họ chỉ thuê những đơn vị, cá nhân nào làm theo “ý
chí” của họ thôi. Như vậy, làm sao ĐTM có chất lượng được?
+ Đúng là có những dự án CĐT họ không muốn thuê những đơn vị có
chuyên gia giỏi vì ngoài sợ tốn kém, họ ngại những chuyên gia “cứng” này
sẽ gây bất lợi cho họ. Vì thế họ thường chọn những đối tác dễ làm,
khoản tiền chi cho ĐTM ít đi. Đối với những trường hợp như vậy, nếu HĐTĐ
có chuyên môn cao thì sẽ đánh rớt, bắt làm lại. Nếu phải làm lại nhiều
lần thì bắt buộc họ phải làm tốt hơn thôi. Như dự án lấn sông Đồng Nai
chẳng hạn, khi dư luận lên tiếng, ĐTM được thực hiện lại, chất lượng
tăng lên rõ rệt.
Dự
án lấn sông Đồng Nai sau khi được cấp phép gây nhiều lo ngại vì những
tác động lớn đến môi trường có thể xảy ra nhưng ĐTM dự án chưa được thực
hiện đầy đủ. Ảnh: TRUNG THANH
Ém nhẹm như tài liệu tuyệt mật
. nếu ĐTM sơ sài mà vẫn được HĐTĐ thông qua thì sao? Thậm chí HĐTĐ có quyền thay đổi chuyên gia theo ý muốn của họ?
+ Tôi từng tham gia HĐTĐ và đánh rớt (cho dưới 5 điểm) một hồ sơ ĐTM.
Sau đó thì họ loại tôi ra và mời chuyên gia khác. Vì thế, tôi cho rằng
cơ quan quản lý nhà nước cần phải có biện pháp xử lý mạnh các trường hợp
ĐTM được thông qua dễ dàng. Ví dụ như vụ Formosa gây ô nhiễm vùng biển,
Bộ TN&MT đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ liên quan. Tôi cho rằng đấy
là dấu hiệu tích cực để tăng cường trách nhiệm đối với công tác người
làm quản lý nói chung cũng như chất lượng và trách nhiệm HĐTĐ ĐTM.
. Không phải ĐTM sơ sài nào cũng được phát hiện, trừ khi dự án xảy
ra những sự cố lớn về môi trường. Theo quy định, ĐTM là tài liệu được
công khai rộng rãi nhưng trên thực tế nó gần như được “cất giấu”, “ém
nhẹm”. Thậm chí khi đã xảy ra sự cố, nhà báo liên hệ với cơ quan quản lý
cũng không được cung cấp ĐTM. Ông nghĩ sao về việc này?
+ Khi thực hiện công tác phản biện, tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi
tiếp cận hồ sơ về ĐTM. Như vụ thủy điện Đồng Nai 6-6A, phải bằng những
mối quan hệ riêng chúng tôi mới có được ĐTM và nhờ đó mới phát hiện
những sai sót quá lớn của dự án này.
. Việc ĐTM thường bị “ém nhẹm”, có phải đây là dấu hiệu có sự bắt tay giữa các đơn vị liên quan vì lợi ích nhóm hay không?
+ Đây là vấn đề rất khó nói. Tôi cho rằng để loại bỏ những tiêu cực
trong việc thực hiện, thẩm định, phê duyệt ĐTM cần phải công khai tài
liệu này. Đối với ĐTM do cấp sở phê duyệt thì công khai trên trang web
của sở; đối với cấp bộ thì công khai trên trang web của bộ. Khi ĐTM được
công khai thì cơ chế phản biện mới được phát huy hiệu quả cao. Ngoài
ra, cần phải thực hiện thêm các giải pháp như không nên giao cho CĐT
thực hiện mà phải giao cho một đơn vị độc lập. Tiền thực hiện ĐTM phải
tính theo tỉ lệ vốn đầu tư dự án…
. Xin cám ơn ông.
***
Bà LÊ THỊ KIM OANH, nguyên Phó Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP.HCM:
ĐTM phải gửi tới người bị ảnh hưởng
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 18/2015 về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường…, cũng như Thông tư 27/2015 hướng dẫn thực hiện về vấn đề này thì ĐTM phải được công khai đến tập cấp xã/phường để thông báo cho người dân được biết. Như vậy trong vụ nhận chìm bùn, cát xuống biển, nếu chưa lấy ý kiến người dân, chưa cung cấp thông tin cho người dân là thiếu sót không nhỏ.
Về ý kiến cho rằng có một số nước trên thế giới bắt thực hiện ĐTM trước mới cấp phép đầu tư dự án sau, tôi chưa nghiên cứu sâu về vấn đề này nhưng theo tôi được biết thì hầu hết các nước cũng làm như chúng ta. Việc cấp giấy phép đầu tư dự án thực hiện trước và việc lập ĐTM thực hiện sau. Tôi cho rằng việc này cũng hợp lý vì khi có giấy phép đầu tư rồi thì mới có cơ sở thực hiện ĐTM. Vấn đề là làm sao thực hiện ĐTM đạt chất lượng tốt và công khai, minh bạch tài liệu này để giám sát tốt.
Một cán bộ thanh tra về môi trường, Bộ TN&MT:
Nên quy trách nhiệm HĐTĐ
Chất lượng ĐTM phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng của các nhà chuyên môn trong HĐTĐ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định xử lý trách nhiệm HĐTĐ ĐTM. Do đó khi thẩm định, phê duyệt xong thì hội đồng này giải tán. Khi xảy ra sự cố, do sai sót trong ĐTM thì không biết phải xử lý ai. Do đó, theo tôi, nên có thêm quy định xử lý trách nhiệm những người đứng đầu trong HĐTĐ ĐTM. Có như vậy mới tăng cao trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt ĐTM, hạn chế những sai sót dẫn đến hậu quả xấu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét