Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Vấn đề quân đội làm kinh tế



           Vấn đề Quân đội làm kinh tế những ngày gần đây đang trở thành “điểm nóng”, được dư luận cả nước rất quan tâm, với nhiều ý kiến rất khác nhau, kể cả trong các tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ hưu trí và trong nhân dân. Không kể động cơ, thì ý kiến khác nhau ấy có thể xuất phát từ góc nhìn, từ quan niệm, quan điểm và cách tư duy khác nhau. Mặt khác, chứng tỏ chuyện Quân đội làm kinh tế đang là vấn đề quan trọng, cần có sự thống nhất về nhận thức trên cơ sở kết luận rõ ràng và khoa học của các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Phần tôi chỉ xin góp vài ý kiến nhỏ để bạn đọc tham khảo.

             Trước tiên, cần phân biệt quan điểm “Kinh tế gắn với quốc phòng” và vấn đề “Quân đội làm kinh tế”. Đó là hai việc khác nhau, không thể và không nên đồng nhất. Kinh tế phải gắn với quốc phòng là rất đúng, nhiều nước (nếu không nói là tất cả) đều làm như thế. Nước ta, với vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử trước đây cũng như bây giờ, càng nhất thiết phải vậy, không được lơ là mất cảnh giác. Nhưng đó là việc mà cả hệ thống chính trị, tất cả các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn dân phải quan tâm, cùng thực hiện. Từ việc quy hoạch bố trí lực lượng sản xuất trên địa bàn cả nước đến việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, không lệ thuộc nước nào, nhất là nước dễ gây nguy cơ cho ta, kể cả tài chính-tiền tệ, xuất nhập khẩu hàng hóa và các sản phẩm kỹ thuật đặc thù; phát triển các ngành, các cơ sở và hạ tầng lưỡng dụng về công nghiệp và kỹ thuật… Gắn kinh tế với quốc phòng là một phạm trù rộng, cần bàn chuyên đề riêng. Còn Quân đội làm kinh tế là việc khác, không phải là gắn kinh tế với quốc phòng.

             Thế nào là “làm kinh tế” ? Thời xa xưa, hoạt động kinh tế của con người là tự cấp tự túc, sau đó mới có kinh tế hàng hóa và kinh tế hàng hóa phát triển đến một mức độ nhất định thì có kinh tế thị trường. Trước đây, trong thời chiến tranh, nhiều đơn vị quân đội đã phải sản xuất để tự túc thêm lương thực, thực phẩm. Sau khi chấm dứt chiến tranh, quân đội đã được giao nhiệm vụ tham gia sản xuất khôi phục kinh tế. Trong hoàn cảnh cụ thể lúc ấy, tôi nghĩ đó là chủ trương cần thiết.  Đến nay, sau nhiều chục năm, tình hình đã có nhiều điểm khác trước, việc phải bàn kỹ lại vấn đề quân đội làm kinh tế cũng là cần thiết, sao cho tốt hơn đối với xây dựng quân đội, công việc quốc phòng và phát triển đất nước.

              Khái niệm “làm kinh tế” thời nay là khái niệm gắn với kinh tế thị trường, chứ không phải tự cấp tự túc như ngày xưa, với mục tiêu chủ yếu là tạo ra lợi nhuận, trong điều kiện và môi trường bình đẳng, không có độc quyền doanh nghiệp. “Làm kinh tế” ngày nay là hoạt động kinh doanh, theo các quy luật đầy đủ của thị trường, do yêu cầu của thị trường, trên cơ sở luật pháp quy định, thực hiện đầy đủ các loại thuế cho nhà nước, tự cân đối tài chính và tự trả lương.

             Quân đội ta là đội quân để chiến đấu và công tác, không phải đội quân kinh doanh. Nhiệm vụ chính của Quân đội là chăm lo, chuyên trách công việc quốc phòng, bảo vệ Tổ Quốc, kể cả cho trước mắt và lâu dài – một trong hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất của đất nước. Với nhiệm vụ ấy, công việc của Quân đội đã hết sức quan trọng và nặng nề, nhất là trong điều kiện và tình hình mới, với những tiến bộ vượt bậc và thần kỳ của khoa học-kỹ thuật quân sự, với tình hình phức tạp về Biển Đông – hải đảo và biên giới. Cần tạo điều kiện để Quân đội tập trung cao về thời gian, tư duy và sức lực, cho công việc xây dựng lực lượng tinh nhuệ có năng lực chiến đấu cao và chiến lược bảo vệ Tổ Quốc. Không nên giao thêm cho Quân đội nhiệm vụ làm kinh tế nhằm tạo ra lợi nhuận. Đó là công việc của các ngành và các thành phần kinh tế. Ấy là chưa kể việc “làm kinh tế” khi có sai lầm khuyết điểm (thực tế cho thấy đã không tránh khỏi) thì lợi bất cập hại, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Quân đội và ảnh hưởng đến đất nước, gây phân tâm trong nội bộ và suy giảm lòng tin của nhân dân. Đó là những giá trị cao đẹp mà anh bộ đội cụ Hồ đã tạo dựng được bằng nhiều công đức và máu xương, không thể hạch toán bằng tiền. Lòng tin của nhân dân mới là sức mạnh bền vững và nền tảng quan trọng nhất để bảo vệ Tổ Quốc. Trong lịch sử nước ta kể từ đầu công nguyên đã có vài lần ta thua quân xâm lược vì lòng dân phân tâm, ly tán, dẫn đến mất nước một thời gian dài và sau đó phải tốn nhiều máu xương mới giành lại được nền độc lập.

            Nhiều người, trong đó có tôi, nghĩ và tin rằng, khi không phải làm kinh tế thì quân đội ta sẽ mạnh hơn, chuyên tâm nhiều hơn cho công việc quốc phòng, không bị phân tâm bởi sự phức tạp của các quan hệ thị trường. Ngày trước, thời chiến tranh vệ quốc, quân đội không làm kinh tế như bây giờ, và ngày ấy quân đội ta rất mạnh, lừng danh thiên hạ, đã tạo nên nhiều kỳ tích để các thế hệ hôm nay và mai sau cảm phục và tự hào, dù khi ấy ta nghèo hơn rất nhiều so với ngày nay. Theo chỗ tôi biết, các quân đội mạnh của nhiều nước đều không làm kinh tế. Quân đội Trung Quốc trước đây có làm kinh tế, nay đã bỏ, đã cấm, nhằm tập trung cho việc xây dựng một quân đội mạnh để phục vụ cho các ý đồ chiến lược mới của họ.

            Còn một số công việc cần quân đội thực hiện ở hải đảo, biên giới, sản xuất giúp dân, sản xuất quân dụng, vũ khí, tạo các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật đặc thù cho quốc phòng, hậu cần quân đội…thì đó chủ yếu vẫn là công việc có tính chất và ý nghĩa quốc phòng, chứ không phải là làm kinh tế để tìm kiếm lợi nhuận. Có ý kiến gọi các loại công việc đó là “kinh tế quốc phòng”. Gọi vậy cũng không sao, coi như tạm mượn cụm từ đó, mặc dù khoa học không có phân ngành như vậy (mà chỉ có kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp…). Tôi nghĩ, về bản chất thì đó vẫn là việc quốc phòng, loại công việc rất cần thiết để bảo vệ tổ quốc, tạo ra các giá trị văn hóa trong mối quan hệ máu thịt quân-dân, chứ không phải là để kiếm tiền. Việc tận dụng những năng lực-kỹ thuật sẵn có của quân đội trong điều kiện hòa bình chưa sử dụng đến thì mục đích chính vẫn là tạo thêm điều kiện để phục vụ quốc phòng, chứ không phải mục tiêu chính là kinh doanh. Không nên giao thêm nhiệm vụ cho những người cầm súng phải đi buôn, phải quản lý đất đai và kinh doanh bất động sản...

           Vừa qua, sau ý kiến của hai thượng tướng thứ trưởng Bộ quốc phòng là Lê Chiêm và Nguyễn Chí Vịnh, không biết có đúng hay không nhưng nhiều người nghĩ rằng Đảng ủy Quân sự TW đã có chủ trương phù hợp về việc quân đội không làm kinh tế (đơn thuần) để tìm kiếm lợi nhuận, đồng thời được biết ý kiến và thái độ đúng đắn của Đảng ủy Quân sự TW và Bộ Quốc phòng đối với vấn đề sân golf và sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều cán bộ đảng viên và nhân dân phấn khởi, hoan nghênh Ban lãnh đạo Quân đội hiện nay. Nhưng đồng thời lập tức lại nghe các ý kiến nói theo hướng khác, cũng từ phía tướng lĩnh đương chức. Chúng tôi nghĩ rằng, có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận dân chủ là việc rất bình thường, chỉ lo là có sự không thống nhất trong sĩ quan cao cấp của Quân đội ta vì một lý do nào đó không phải do nhận thức khác nhau.

           Với các lẽ nêu trên, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm “quân đội không làm kinh tế”! Và tất nhiên tôi hiểu mọi sự chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác đều có quá trình và bước đi, mặc dù phải chủ động và tích cực. Trong quá trình đó, một số doanh nghiệp của quân đội đang làm kinh tế hiệu quả cao cần được tiếp tục phát huy tốt năng lực bất kể thuộc bộ nào quản lý. Khi nói về quân đội làm kinh tế, tôi hiểu đây là nói chung cho lực lượng vũ trang chứ không phải chỉ riêng cho quân đội.

           Đà Nẵng tháng 7.2017

          Vũ Ngọc Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét