Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

Bài 4: Vấn đề chiến tuyến trong đấu tranh (tiếp theo và hết)


     Sử dụng việc đánh đồng hai vấn đề khác nhau đó, bọn bồi bút và tay sai thường tấn công vào các luận điểm như:

     - Những chức sắc, tu sĩ tôn giáo không nên tham gia làm chính trị, tôn giáo không nên làm chính trị. Chúng ta sẽ trả lời rằng, đúng là các tôn giáo, chức sắc và tu sĩ không nên làm chính trị, tức là không nên lập ra các đảng phái để mưu cầu cho cá nhân và lợi ích nhóm (trên thực tế không ai làm vậy cả). Nhưng tôn giáo, các chức sắc và tu sĩ cần phải lên tiếng chống lại cái sai, cái xấu, cái bất công và cái ác của xã hội, của nhà cầm quyền. Không một tôn giáo, không một giáo lý của tôn giáo nào cấm điều này và hầu như đều khuyến khích và tôn vinh những người chống lại cái sai, cái xấu và cái ác.

     - Làm chính trị là thủ đoạn, là bẩn thỉu và mọi người không nên tham gia, dây vào làm gì. Đối với guồng máy và hệ thống của chế độ cộng sản, nếu quan niệm việc đấu đá, tranh giành của quan chức và những kẻ trong guồng máy là làm chính trị, đó đúng là những việc làm hèn hạ, bẩn thỉu. Những người đấu tranh dân chủ không phải là làm chính trị, họ đấu tranh để chống lại cái sai, cái xấu và cái ác, đồng thời đòi hỏi các quyền con người của họ và nhân dân, hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

     - Làm chính trị phải bài bản, phải là những người có trình độ, được đào tạo… không có trình độ thì làm chính trị làm gì? vẫn là lập luận đánh đồng quen thuộc. Đúng là làm chính trị phải có trình độ, nhưng người dân lên tiếng về những bất công, về những quyền con người bị tước đoạt, người dân bị cướp, bị đàn áp lên tiếng đâu có phải là làm chính trị. Việc đấu tranh cần sự góp sức của tất cả mọi người, ai tham gia được nhiều, được ít đều hoan nghênh. Chỉ khi toàn dân đứng lên đấu tranh thì mới đạt kết quả sau cùng, và đó hoàn toàn không phải làm chính trị. Về vấn đề này, xin tham khảo thêm bài viết của tôi, Cần phân biệt giữa đấu tranh dân chủ và hoạt động (làm) chính trị (http://www.rfavietnam.com/node/3652).

     Thứ hai, lên án, phê phán cái sai, bất kể là sai cái gì, bất kể là ai sai. Độc tài sai cũng lên án, dân chủ sai cũng phê phán. Đây chính là điều mới nghe qua thì rất hợp lý, nhưng nó lại là sự đánh đồng và ngụy biện nguy hiểm. Trước hết, đánh đồng dân chủ và độc tài đều có cái sai và ngầm ý là sai như nhau nên phải cùng lên án và phê phán như nhau. Đối với chế độ độc tài, quản lý sinh mạng con người, tiền bạc và nhiều vấn đề quốc gia. Nó không chỉ có sai, mà còn có xấu và ác khi đưa ra chính sách cướp đất khiến hàng triệu người bị oan khuất, án oan khiến hàng triệu người tù đày và khổ cực, chính sách đầu tư tham lam và sai lầm khiến toàn bộ bốn tỉnh miền trung biển chết, cá chết… đó là những cái ác và những cái xấu, không thể nói đơn giản đó là cái sai chung chung và so sánh với cái sai (nào đó) của phong trào dân chủ. Những người đấu tranh dân chủ, chỉ cất lên tiếng nói của mình, không quản lý sinh mạng của ai, không quản lý tài sản nào thì cái sai (nếu có) chỉ là cái sai trong sinh hoạt, tại sao lại đánh đồng hai chủ thể khác nhau vào cùng một nội dung?

     Phong trào dân chủ đang trong cuộc đấu tranh với một đối thủ có cả một bộ máy và hệ thống đàn áp, tuyên truyền, cộng thêm sự gian manh, xảo quyệt mà chúng ta lại có quan điểm lên án, phê phán những cái sai của phong trào dân chủ, bất kể đó là sai gì, sai như thế nào thì chúng ta chắc chắn sập bẫy của cộng sản. Những người đấu tranh là những người cùng một chiến tuyến, cùng một chiến hào trong khi con người không ai có thể nói giỏi, nói hay không có lỗi lầm, không sai phạm. Tuy nhiên, lỗi lầm sai phạm của những người đấu tranh (nếu có) chỉ là những lỗi lầm trong sinh hoạt vì họ không phải là độc tài. Như vậy, trên nguyên tắc, những người cùng chiến tuyến cần phải bảo vệ nhau và những cái sai cũng không phải là điều gì đó gây tai họa. Tất nhiên, nói như vây không có nghĩa là chúng ta bao che, xí xóa cho những điều sai trái gây hại tới nhau và tới phong trào. Nhưng nếu xác định cùng chiến tuyến, chúng ta cần có cách ứng xử tế nhị, khéo léo, từ thấp tới cao. Khi đã sử dụng hết các cách, nếu những người có sai lầm không nhận thức và thay đổi được, chúng ta cũng buộc phải phê phán và lên án. Đăc biệt chú ý, chỉ phê phán và lên án những cái sai trực tiếp của đối tượng.

     Thứ ba, cần bạch hóa tất cả để chứng tỏ phong trào dân chủ, những người đấu tranh trong sáng, trong sạch. Liên quan tới vấn đề này, có một số việc người trong phong trào tham gia làm từ thiện, cứu trợ người dân vùng thiên tai, lũ lụt. Đây là vấn đề tế nhị và phức tạp. Một số người kêu gọi bạch hóa, có các bảng kê khai thu chi như các tổ chức từ thiện bình thường của người dân hoặc nhà nước. Về việc này, trước hết cần tuyệt đối nhấn mạnh, những người trong phong trào dân chủ nếu như bị tố giác có chứng cứ ăn chặn, xà xẻo vào tiền từ thiện thì chúng ta cũng lên án và tuyệt đối không bênh vực. Nhưng còn quan điểm cần bạch hóa như các tổ chức từ thiện bình thường khác thì cần xem xét lại. Lý do là, những người trong phong trào dân chủ, người đấu tranh có làm từ thiện, cứu trợ lũ lụt thì cũng là những người dân có cảm tình, và đồng bào hải ngoại có cảm tình với phong trào dân chủ và cá nhân người đó. Họ gửi tiền từ thiện thông qua cá nhân trong phong trào dân chủ đôi khi họ không muốn lộ diện. Mặt khác, có người không chỉ gửi tiền từ thiện mà còn gửi kèm cho những người đấu tranh, tù nhân lương tâm vv… và điều này cũng khó có thể công khai hoàn toàn. Như vậy, trong vấn đề này, chúng ta chỉ kêu gọi những người gửi tiền kiểm tra, giám sát tiền gửi của mình là phù hợp hơn cả.

     Thứ tư, có những người đặt vấn đề chống độc tài nói chung, chứ không chỉ chống độc tài cộng sản. Điều này nghe qua thì rất đúng, hào sảng. Nhưng vấn đề là, đối với Việt Nam hiện nay, chỉ có độc tài cộng sản, chứ làm gì còn độc tài nào khác? Khi đặt vấn đề như vậy, vô hình chung, đã làm mất sự tập trung vào mục tiêu chính, quan trọng. Hoặc có thể, người ta nhầm lẫn giữa độc tài và sự độc đoán, gia trưởng trong phạm vi một hội, nhóm nào đó. Độc tài gắn liền với thể chế, và thể chế chỉ có một, nên chỉ có độc tài toàn trị cộng sản. Chúng ta tuyệt đối không nên nhầm lẫn để mất tập trung vào mục tiêu chính.

     Có thể còn có những nội dung khác, mà sự nhận thức và phân định không dễ dàng. Nhưng dù nội dung nào, nếu người đấu tranh xác định và giữ vững ý thức về vấn đề chiến tuyến, sẽ giảm bớt và hạn chế được rất nhiều những sự chia rẽ và mâu thuẫn trong nội bộ phong trào dân chủ. Đồng thời làm thất bại âm mưu của thế lực cầm quyền hiện nay./.


Hà Nội, ngày 25/12/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét