Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions dưới hai gọng kềm

VOA
 

        Bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions đang chịu áp lực từ quốc hội Mỹ về các cuộc tiếp xúc của ông với đại sứ Nga ở Washington, và cũng bị áp lực từ Toà Bạch Ốc về quyết định của ông, rút ra khỏi cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về khả năng có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump với Nga.

Trong hai ngày liên tiếp từ ngày 24/7, ông Trump chỉ trích ông Sessions trên trang Twitter, và còn đề nghị người lẽ ra nên bị săm soi phải là bà Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm ngoái.

Tổng thống Trump viết trên trang Twitter của ông:

“Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã có lập trường rất YẾU về những tội của Hillary Clinton (liên quan tới những email và máy chủ của Đảng Dân chủ) và về những kẻ rò rỉ tin tình báo!”

Ngày hôm trước, 24/7, Tổng thống Trump mô tả ông Sessions là “Bộ trưởng Tư pháp bị vây bủa của chúng ta", và đặt câu hỏi tại sao ông Sessions “không điều tra những tội ác của ‘'Hillary Gian trá' & và các quan hệ với Nga’?”

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ tại Ủy ban Tư Pháp Thượng viện, kêu gọi ông Sessions hãy ra trước ủy ban trong thời gian sớm nhất để trả lời những câu hỏi về những cuộc đối thoại giữa ông với cựu đại sứ Nga tại Washington Sergey Kislyak, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Lúc đó, ông Sessions làm cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, và là nghị sĩ đại diện bang Alabama tại Thượng viện.

Báo Washington Post hôm thứ Sáu vừa qua tường thuật rằng ông Kislyak hồi năm ngoái đã nói với cấp trên của ông ở Moscow rằng ông đã thảo luận các vấn đề liên quan tới chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ với ông Sessions, tương phản với những gì mà ông Sessions đã nói về các cuộc gặp gỡ với phía Nga.

Tờ báo cho biết thông tin vừa kể đã được thu thập do chặn được những liên lạc giữa ông Kyslyak với Moscow.

Trong thư gửi cho Chủ tịch ủy ban Chuck Grassley để hối thúc ông mời Bộ trưởng Tư pháp Sessions ra điều trần, Thượng nghị sĩ Feinstein viết:

“Đây là một vấn đề nghiêm trọng, Ủy ban Tư pháp phải được tận tai nghe lời điều trần của ông Bộ trưởng Tư pháp.”

Ông Al Franken, một thành viên khác của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư Pháp, và là người chỉ trích ông Trump, nói mẫu đối thoại nghi đã diễn ra giữa ông Sessions với ông Kislyak là “một diễn biến đáng nghi ngại về mối quan hệ giữa ban vận động của ông Trump và Nga.”

“Bây giờ đã rõ ràng hơn bao giờ hết là ông Jeff Sessions cần phải ra khai chứng trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, để chúng ta có thể tìm một số câu trả lời.”

Nhưng ông Franken sau đó nói với CNN rằng Chủ tịch ủy ban Grassley “không muốn ông Sessions trở lại để điều trần.”

Một người phát ngôn của ông Grassley tối 24/7 nói với VOA rằng chủ tịch ủy ban muốn ông Sessions ra trước ủy ban trễ hơn trong năm nay, sau khi toán giới chức cấp cao của Bộ trưởng Tư pháp đã yên vị, “để có thể có một bức tranh toàn cảnh về cách hoạt động của bộ với đầy đủ nhân viên.”

Người phát ngôn, ông Taylor Foy, nói nhóm thiểu số tại Thượng viện bên Đảng Dân chủ cứ “một mực kéo dài tiến trình chuẩn thuận các nhân vật được đề cử vào Bộ Tư pháp Mỹ”, và điều đó đã gây thêm khó khăn cho ủy ban trong việc thi hành chức năng giám sát của mình.

Ủy ban Tư pháp Thượng viện giám sát hoạt động của Bộ Tư pháp Mỹ, và là một trong nhiều ủy ban quốc hội đang điều tra việc Nga xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Hồi tháng Ba, ông Sessions tự nguyện rút ra khỏi cuộc điều tra liên quan tới Nga, sau khi xuất hiện thông tin theo đó ông đã không tiết lộ đầy đủ chi tiết về những cuộc tiếp xúc giữa ông với đại sứ Kislyak của Nga trong tháng trước, khi ra điều trần trước ủy ban Thượng viện để được chuẩn thuận cho chức vụ Bộ trưởng Tư pháp.

Ông Sessions bác bỏ chỉ trích cho rằng ông đã nói dối với ủy ban thượng viện, và tuyên bố tự nguyện rút lui không tham gia bất cứ cuộc điều tra nào liên quan tới Nga, vì ông đã từng là cố vấn của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử.

Quyết định rút lui đó đã làm ông Trump giận dữ. Ông đổ lỗi cho ông Sessions là vì quyết định của ông này đã đưa tới việc bổ nhiệm biện lý đặc biệt Robert Mueller, giờ là người dẫn đầu cuộc điều tra để xem liệu ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga hay không.

Bất chấp những lời chỉ trích liên tục của ông Trump, ông Sessions nói ông vẫn muốn giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times hồi tuần trước, ông Trump nói ông đã không chọn ông Sessions cho chức vụ đó, nếu biết ông Sessions rút lui khỏi cuộc điều tra liên quan tới Nga.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét