Thái Giang (hiệu đính)
Fravel, M. Taylor
Tại sao và Khi nào Trung Quốc sử dụng vũ lực trong tranh chấp
lãnh thổ là cơ sở quan trọng giúp dự đoán hành vi của nước này. Bài nghiên cứu
của GS. Fravel Taylor, Viện Công nghệ MIT chỉ ra rằng: khi ưu thế thương lượng
suy giảm là lúc Trung Quốc thường sử dụng vũ lực nhất.
Khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng thì các quan ngại
về khả năng Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ của các nước khác cũng gia tăng theo.
Những quan ngại này cho thấy sự bất ổn và lo ngại luôn song hành cùng với sự dịch
chuyển sức mạnh.
Trong lịch sử, phát triển nhanh chóng bên trong thường thúc đẩy các nước xác định lại và mở rộng lợi ích của mình ra bên ngoài.[1] Hơn nữa, phát triển kinh tế giúp các nước đầu tư tăng cường tiềm lực quân sự để theo đuổi lợi ích của mình, đặc biệt là các yêu sách về lãnh thổ dài hạn. Phản ánh những lo ngại này, Ủy ban Đánh giá Quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung của Quốc hội Mỹ, kết luận rằng Trung Quốc có thể “lợi dụng sức mạnh quân sự tiên tiến hơn để đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc sử dụng vũ lực nhằm hỗ trợ các giải pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo hướng có lợi cho mình”.[2]
Trong lịch sử, phát triển nhanh chóng bên trong thường thúc đẩy các nước xác định lại và mở rộng lợi ích của mình ra bên ngoài.[1] Hơn nữa, phát triển kinh tế giúp các nước đầu tư tăng cường tiềm lực quân sự để theo đuổi lợi ích của mình, đặc biệt là các yêu sách về lãnh thổ dài hạn. Phản ánh những lo ngại này, Ủy ban Đánh giá Quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung của Quốc hội Mỹ, kết luận rằng Trung Quốc có thể “lợi dụng sức mạnh quân sự tiên tiến hơn để đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc sử dụng vũ lực nhằm hỗ trợ các giải pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo hướng có lợi cho mình”.[2]
Tuy nhiên, cách thức Trung Quốc sử dụng vũ lực trong các
tranh chấp lãnh thổ kể từ năm 1949 đến nay hết sức đa dạng. Trung Quốc có tổng
cộng hai mươi ba tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia khác, nhưng cho đến nay họ
mới chỉ sử dụng vũ lực trong sáu trường hợp.[3] Một số tranh chấp, đặt biệt là
tranh chấp với Ấn Độ và Việt Nam, rất khốc liệt; những tranh chấp khác, như
tranh chấp giữa Trung Quốc và Liên Xô, từng có nguy cơ chuyển thành chiến tranh
hạt nhân. Mặc dù Trung Quốc luôn sẵn sàng sử dụng vũ lực trong một số xung đột,
nhưng Trung Quốc chỉ chiếm thêm rất ít lãnh thổ mà Trung Quốc không kiểm soát
trước khi xảy ra xung đột. Ngoài ra, Trung quốc thỏa hiệp nhiều hơn là sử dụng
vũ lực, và đã nhượng bộ tới mười bảy trong số hai mươi ba tranh chấp lãnh thổ.[4]
Nếu chiếu theo các lý thuyết chính về quan hệ quốc tế thì so
với các quốc gia có đặc điểm tương tự, Trung Quốc là nước ít hiếu chiến hơn. Đối
với các học giả theo thuyết chủ nghĩa hiện thực về gây chiến trước (offensive
realism), Trung Quốc hiếm khi khai thác ưu thế quân sự của mình để mặc cả quyết
liệt nhằm đòi các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc có yêu sách hoặc dùng vũ lực chiếm
các vùng lãnh thổ này. Mặc dù sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc đã mạnh
hơn rất nhiều kể từ năm 1990, nhưng Trung Quốc cũng không tỏ ra hiếu chiến hơn
khi xử lý các tranh chấp lãnh thổ. Đối với các học giả nghiên cứu các tác động
của chủ nghĩa dân tộc, Trung Quốc sẵn sàng nhân nhượng về lãnh thổ. Điều này
cho thấy không hẳn Trung Quốc lợi dụng quá khứ lịch sử là nạn nhân của nước
ngoài và bị chia cắt lãnh thổ để có thái độ cứng rắn trong các tranh chấp về
lãnh thổ. Các học giả chuyên nghiên cứu về vai trò của các thiết chế chính trị
Trung Quốc cho biết Trung Quốc chỉ sử dụng vũ lực trong một số tranh chấp lãnh
thổ, mặc dù hệ thống chính trị của Trung Quốc là độc tài, tập quyền và ít bị kiểm
soát về sử dụng vũ lực.
Phân tích về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực trong các tranh
chấp lãnh thổ trong quá khứ sẽ là cơ sở giúp chúng ta đoán biết khả năng xảy ra
các xung đột bạo lực ở Đông Á. Trong hệ thống quốc tế bao gồm các quốc gia có
chủ quyền, hành vi của một quốc gia trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ
là một yếu tố quan trọng để xác định quốc gia đó muốn duy trì nguyên trạng hay
tìm cách thay đổi đường biên giới quốc gia của mình. Trong lịch sử, lãnh thổ là
vấn đề dễ đẩy các quốc gia đi đến chiến tranh nhất.[5] Hiện nay, các tranh chấp
của Trung Quốc đối với Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) với Nhật đang làm
tăng nguy cơ chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, vì Mỹ có quan hệ an ninh mật
thiết với cả Đài Bắc và Tokyo. Mặc dù nhiều nghiên cứu chứng minh rằng Trung Quốc
sử dụng vũ lực chủ yếu trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng chưa có một nghiên
cứu mang tính hệ thống, phân tích kỹ lưỡng Trung Quốc thường sử dụng vũ lực
trong những hoàn cảnh nào.[6]
Các nghiên cứu hiện tại mới chỉ xác định được những tranh chấp
dễ có nguy cơ dẫn đến chiến tranh nhất. Các quốc gia theo chế độ dân chủ và đồng
minh của họ ít có khả năng đánh nhau để tranh giành lãnh thổ hơn các quốc gia
khác. Trái lại, các quốc gia có thiên hướng dùng sử dụng vũ lực để tranh giành
lãnh thổ là các quốc gia được đánh giá cao về vị trí chiến lược, tiềm năng kinh
tế và tính biểu tượng, hoặc mạnh hơn đối phương về mặt quân sự.[7] Nghiên cứu
này đã giúp hiểu rõ hơn bản chất của tranh chấp lãnh thổ, nhưng lại không giải
thích được về mặt lý thuyết quyết định sử dụng vũ lực của các quốc gia nhằm đạt
được các mục tiêu về lãnh thổ. Các nghiên cứu này chủ yếu làm sáng tỏ biến số
có tính quyết định trong việc giải quyết tranh chấp, xác định các tranh chấp dễ
có khả năng bùng nổ thành chiến tranh. Mặc dù các yếu tố như giá trị của từng
vùng lãnh thổ đang tranh chấp có khác nhau, nhưng trong hầu hết các tranh chấp cụ
thể thì đó lại là những nhân tố bất biến và do điều này khiến cho việc lý giải
quyết định sử dụng vũ lực của các quốc gia khó khăn hơn.
Tranh chấp Đài Loan của Trung Quốc là ví dụ cụ thể về hạn chế
của phương pháp tiếp cận này. Các nghiên cứu hiện tại đều dự đoán tranh chấp
Đài Loan rất dễ xảy ra xung đột. Tranh chấp Đài Loan là tranh chấp lãnh thổ
quan trọng nhất của Trung Quốc, vừa gắn với chủ nghĩa dân tộc hiện đại của
Trung Quốc và tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vừa có tầm
quan trọng về chiến lược và kinh tế. Kể từ sau năm 1949, Trung Quốc đã đủ mạnh
về mặt quân sự để tấn công các đảo hoặc vùng lãnh thổ mà Trung Quốc kiểm soát,
và trong chế độ độc tài của Trung Quốc chỉ có một số ít thiết chế có nhiệm vụ
kiểm soát và cân bằng quyền lực liên quan đến việc sử dụng vũ lực. Tuy nhiên,
việc sử dụng vũ lực trong tranh chấp Đài Loan của Trung Quốc đã thay đổi theo
thời gian, bắt đầu bằng việc Trung Quốc gây ra các cuộc khủng hoảng lớn vào
tháng 9 năm 1954, tháng 8 năm 1958, và tháng 7 năm 1995. Các nhân tố như tầm
quan trọng của Đài Loan, các biện pháp gây sức ép, và thể chế chính trị của
Trung Quốc chỉ giải thích một phần câu chuyện này, và các nhân tố này không thể
lý giải được nguyên nhân tại sao Trung Quốc lại sử dụng vũ lực ở ba thời điểm
nêu trên, chứ không phải là những thời điểm khác.
Để giải thích tại sao và khi nào các quốc gia sử dụng vũ lực
trong tranh chấp lãnh thổ, tôi chuyển trọng tâm phân tích từ kết quả giải quyết
tranh chấp sang quyết định của từng quốc gia. Kết hợp các hiểu biết từ lý thuyết
chiến tranh phòng ngừa, tôi cho rằng sự suy giảm sức mạnh của quốc gia nêu yêu
sách, tạm gọi là sự suy giảm ưu thế thương lượng của quốc gia đó trong cuộc
tranh chấp, là nguyên nhân chính giải thích cho việc quốc gia đó sử dụng vũ lực
trong tranh chấp lãnh thổ. Ưu thế thương lượng này bao gồm hai thành tố: phần
lãnh thổ tranh chấp mà quốc gia đó chiếm hữu và khả năng sử dụng sức mạnh quân
sự chống lại đối thủ trong khu vực tranh chấp. Khi nhận thấy đối phương đang
tăng cường vị thế trong cuộc tranh chấp, thì nhiều khả năng quốc gia kia sẽ sử
dụng vũ lực để ngăn chặn hoặc đảo ngược sự suy giảm sức mạnh của mình, hoặc chiếm
luôn lãnh thổ tranh chấp nếu họ thấy cần thiết.
Việc suy giảm ưu thế thương lượng lý giải chính xác nhất việc
Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc đã từng
sử dụng vũ lực để chống lại những địch thủ có đủ sức mạnh quân sự thách thức sự
kiểm soát của Trung Quốc đối với lãnh thổ tranh chấp. Trung Quốc cũng từng sử dụng
vũ lực trong các tranh chấp mà Trung Quốc chỉ chiếm rất ít hoặc không chiếm các
vùng lãnh thổ mà họ có yêu sách. Khi Trung Quốc phải đương đầu với một đối thủ
đang tìm cách mở rộng phần lãnh thổ tranh chấp mà nước đó chiếm giữ hoặc tìm
cách thay đổi cán cân quân sự khu vực có lợi cho họ, thì Trung Quốc thường đáp
trả bằng vũ lực để thể hiện quyết tâm duy trì các yêu sách của mình, hoặc cũng
có lúc Trung Quốc chiếm luôn một phần lãnh thổ đó.
Các mô thức sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ của
Trung Quốc có một số tác động đối với lý thuyết quan hệ quốc tế. Trước hết, việc
sử dụng vũ lực của Trung Quốc củng cố thêm lý thuyết chiến tranh phòng ngừa và
chứng minh tính hữu dụng của lý thuyết này trong việc lý giải các xung đột lợi
ích cụ thể, chẳng hạn như tranh chấp lãnh thổ. Thứ hai, hành vi của Trung Quốc
thách thức các lý thuyết về dịch chuyển quyền lực trong thời kỳ quá độ, trong
đó khẳng định rằng một quốc gia đang lên có nhiều khả năng sử dụng vũ lực hơn một
quốc gia đang trên đà suy yếu.[8] Tuy nhiên, trong các tranh chấp lãnh thổ,
Trung Quốc thường sử dụng vũ lực khi sức mạnh của mình yếu đi chứ không phải mạnh
lên.
Bài viết này bắt đầu bằng lập luận cho rằng sự suy giảm ưu
thế thương lượng khích lệ các quốc gia sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp
lãnh thổ. Sau đó bài viết phân tích các biến số về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực
sáu, trong tổng số hai mươi ba tranh chấp lãnh thổ và nhận thấy các biến số này
cho kết quả giống nhau, đó là Trung Quốc chỉ sử dụng sức mạnh quân sự trong
tranh chấp lãnh thổ khi họ yếu đi. Ba phần tiếp theo của bài viết xem xét vai
trò của sự suy giảm sức mạnh đối với quyết định sử dụng vũ lực trong tranh chấp
Đài Loan, biên giới Trung - Ấn, và quần đảo Hoàng Sa khi Trung Quốc suy yếu đi.
Bài viết kết thúc bằng cách xem xét các tác động từ những kết quả của nghiên cứu
này đối với sự ổn định ở Đông Á sau khi nghiên cứu một số trường hợp Trung Quốc
sử dụng vũ lực, cũng như các cách giải thích khác về hành vi của Trung Quốc.
Suy giảm quyền lực và Sử dụng Vũ lực Trong Các Tranh chấp
Lãnh thổ
Các nghiên cứu về tranh chấp lãnh thổ thường coi sức mạnh
quân sự là một biến số quan trọng khi giải thích sự leo thang xung đột lên cấp
độ bạo lực cao nhất là chiến tranh. Ở mức độ nào đó, phát hiện này không có gì
mới vì một trong những mục đích của quân sự là để chiếm và bảo vệ lãnh thổ trước
lực lượng đối phương. Chỉ các quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh mới có thể sử dụng
vũ lực để chiếm lãnh thổ tranh chấp. Đồng thời, phát hiện này vẫn còn nhiều
khúc mắc chưa lý giải được về nguyên nhân sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh
thổ. Mặc dù các quốc gia mạnh hơn có thể dễ dàng sử dụng vũ lực để đạt được các
mục tiêu về lãnh thổ, nhưng cũng chưa rõ tại sao và khi nào họ lại làm điều đó
và liệu có phải lòng tham hay mối bất an thôi thúc họ làm điều đó không.
Áp dụng kiên thức có được từ lý thuyết chiến tranh phòng ngừa,
tôi cho rằng sự suy giảm sức mạnh của quốc gia nêu yêu sách, tạm gọi là sự suy
giảm ưu thế thương lượng của họ trong tranh chấp, là nguyên nhân chính dẫn đến
việc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Chiến tranh phòng ngừa được định
nghĩa là “cuộc chiến hiện tại nhằm tránh nguy cơ buộc phải tham chiến trong môi
trường xấu hơn trong tương lai.”[9] Khi sức mạnh tổng thể của một quốc gia suy
giảm, các nhà lãnh đạo quốc gia đó bắt đầu lo lắng về hậu quả lâu dài khi vị thế
quốc gia họ bị suy yếu trong hệ thống quốc tế, ưu thế thương lượng trong tương
lai suy giảm, và khả năng là họ buộc phải tham chiến trong những tình huống xấu
hơn. Như Jack Levy đã chỉ rõ, những lo ngại này tạo ra “động lực phòng ngừa” bằng
cách sử dụng vũ lực, tiến hành chiến tranh sớm còn hơn là muộn đã trở thành một
giải pháp ngày càng hấp dẫn nhằm giảm bớt tác động của việc quốc gia đó yếu đi
hoặc chỉ để duy trì ảnh hưởng của mình[10]. Quan trọng hơn, chiến tranh có thể
xảy ra ngay cả khi không tồn tại bất cứ sự xung đột lợi ích cụ thể hoặc biến cố
khai mào nào, mà có khi chỉ là sự bất an về tương lai. Trong nghiên cứu thực
nghiệm, suy giảm sức mạnh khiến một bên dễ gây chiến trước thường được gọi là
“lỗ hổng dễ tổn thương”.[11]
Để lý giải việc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ,
tôi chuyển trọng tâm từ sự mơ hồ chung chung về vị thế tương lai của một quốc
gia trong hệ thống quốc tế sang mối quan tâm cụ thể về ưu thế thương lượng của
một quốc gia khi xảy ra sự xung đột lợi ích. Ưu thế thương lượng này được cấu
thành bởi hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là phần lãnh thổ tranh chấp mà một quốc
gia chiếm hữu được. Phần lãnh thổ tranh chấp mà quốc gia đó chiếm được càng lớn
thì quốc gia đó càng có vị thế mạnh hơn, nếu tính đến cái giá mà đối phương phải
trả để thay đổi hiện trạng lãnh thổ bằng vũ lực. Yếu tố thứ hai là khả năng mở
rộng sức mạnh quân sự để chống lại đối phương trong các khu vực tranh chấp, gồm
cả những khu vực mà quốc gia đó có yêu sách nhưng không cai trị. Ngay cả khi quốc
gia đó chỉ nắm giữ một phần nhỏ của vùng lãnh thổ tranh chấp, thì họ vẫn có thể
mở rộng sức mạnh ra toàn bộ khu vực tranh chấp và cả ngoài khu vực đó. Trong bối
cảnh đó, việc mở rộng sức mạnh liên quan đến cân bằng quân sự khu vực, chứ
không phải do vị thế tổng thể của quốc gia đó trong hệ thống quốc tế. Các quốc
gia có rất nhiều mục tiêu an ninh khác nhau nên mỗi thành tố quân sự được gắn với
một nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như bảo vệ các yêu sách về lãnh thổ.
Bản gốc: Power Shifts and Escalation Explaining China’s Use of Force in Territorial Disputes, đăng trên Project Muse
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét