Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bắc Kinh không ngại hù dọa
quân sự để áp đặt ý muốn lên các nước láng giềng. WU HONG / POOL / AFP
Chỉ trong một vài tuần lễ gần đây, Bắc Kinh đã có một loạt
những động thái cứng rắn, thậm chí đe dọa dùng đến quân sự để áp đặt ý muốn của
mình đối với các láng giềng dám kháng cự lại Trung Quốc, từ vấn đề Biển Đông,
Biển Hoa Đông, cho đến cuộc đọ sức với Ấn Độ đang diễn ra tại vùng biên giới
Trung Quốc-Bhutan.
Trong bài viết trên báo Ấn Độ Livemint ngày 24/07/2017, giáo
sư quan hệ quốc tế người Ấn, Harsh V. Pant tại trường King’s College ở Luân
Đôn, đã cho rằng cách hành xử của Trung Quốc nằm trong logic bình thường của một
cường quốc, một khi đã in được dấu ấn của mình về mặt kinh tế trên toàn thế giới,
thì tất nhiên muốn ghi dấu ấn về mặt quân sự, và các nước khác không nên ngộ nhận
trước những biểu hiện hòa hoãn mà Bắc Kinh phô bày.
Bên cạnh cuộc đối đầu hiện nay với Ấn Độ, chỉ trong một vài
tuần lễ nay, Bắc Kinh đã không ngần ngại dùng sức mạnh quân sự hù dọa các láng
giềng. Giáo sư Pant đã nêu bật hai trường hợp cụ thể.
Trước hết là đối với Nhật Bản. Vào tuần trước, Bắc Kinh đã
nói với Tokyo rằng nên « tập làm quen » với việc máy bay chiến đấu Trung Quốc
áp sát không phận Nhật Bản sau khi sáu chiến đấu cơ Trung Quốc bay ngang eo biển
Miyako cắt ngang Nhật Bản ở phía nam, nhân một cuộc diễn tập quân sự.
Còn đối với Đài Loan cũng thế, bộ Quốc Phòng Đài Loan phàn
nàn rằng các oanh tạc cơ Trung Quốc đã bay sát ngay bên ngoài vùng nhận dạng
phòng không của hòn đảo này.
Ngoài hai ví dụ được giáo sư Pant nêu bật, cũng có thể nói đến
một sự kiện liên quan đến Việt Nam, vừa được báo chí tiết lộ : đó là việc Trung
Quốc đã đe dọa tấn công các cơ sở của Việt Nam tại vùng quần đảo Trường Sa, nếu
Hà Nội không cho ngừng các hoạt động thăm dò tại một lô dầu khí ở Biển Đông mà
Trung Quốc cho là của họ.
Không chỉ giới hạn ở những nơi gần, trong tuần Trung Quốc
cũng đã phái quân tới Djibouti ở châu Phi, thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên của
nước này ở hải ngoại…
Giáo sư Pant ghi nhận là trong thời gian gần đây, Trung Quốc
có mặt ở mọi nơi, lúc thì thách thức trật tự thế giới, lúc thì chứng tỏ rằng họ
là người bảo đảm trật tự kinh tế toàn cầu trong thời đại Donald Trump. Tại Diễn
Đàn Kinh Tế Thế Giới đầu 2017, Tập Cận Bình đã cố tô vẽ Trung Quốc như là nước
bảo vệ tự do thương mại và thị trường mở cửa.
Có điều, theo giáo sư Pant, bất cứ ai quan sát kỹ lưỡng
Trung Quốc đều thấy rằng Bắc Kinh đã lũng đoạn ngoại hối để thủ lợi, khép chặt
thị trường vốn, và thiết lập các hàng rào phi thuế quan tinh vi dẫn đến sự mất
cân bằng thương mại có hại cho nước khác. Những yếu tố đó khiến Bắc Kinh không
thể trở thành một lãnh đạo kinh tế toàn cầu.
Vấn đề là thế giới lại nhắm mắt làm ngơ trước những thiếu
sót đó để chạy theo Trung Quốc, để tự trấn an mình. Ấn Độ cũng không là ngoại lệ,
cũng đã từng đi nghe theo những lập luận hòa hoãn của Trung Quốc.
Giáo sư Pant đã chỉ trích thái độ húy kỵ Trung Quốc của Ấn Độ,
chẳng hạn như đã từng tránh tập trận chung với các quốc gia có cùng quan điểm
trong khu vực vì sợ rằng Trung Quốc hiểu lầm, từng không ký các thoả thuận quan
trọng với Mỹ vì sợ bị cho là bám đuôi Washington, mà không thấy rằng làm như vậy
đã hạn chế khả năng theo dõi tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương…
Theo giáo sư Pant, thái độ quyết đoán ngày càng tăng của
Trung Quốc bắt nguồn từ sức mạnh đang lên của Trung Quốc và nhận thức riêng của
nước này về lợi ích của họ. Sức mạnh kéo theo sự bành trướng, và đà bành trướng
về kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc trên thế giới hiện đang kéo theo sự
bành trướng về quân sự.
Đối với giáo sư Pant, hiểu điều đó không phải là hiếu chiến,
mà là chuẩn bị cách đối phó thích hợp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét