Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Tại sao lá cờ cũ của Hoà Lan là biểu tượng phân biệt chủng tộc?



 20150627_usp505

Các phần tử phản động thường thích thú với những lá cờ không còn tồn tại. Dylann Roof, một kẻ 21 tuổi theo thuyết Người da trắng thượng đẳng vừa bị bắt vì tội giết chín người Mỹ gốc Phi tại một nhà thờ ở Charleston vào tuần trước, từng đăng hình ảnh của một vài lá cờ như thế lên mạng internet. Trên một trang web mà hắn tạo ra để quảng bá các quan điểm phân biệt chủng tộc của mình (hiện đã bị gỡ bỏ), có hình ảnh hắn đang cầm lá cờ cũ nổi tiếng của Mỹ: cờ Liên minh miền Nam Hoa Kỳ, đại diện cho phe ủng hộ chế độ nô lệ trong cuộc nội chiến Mỹ. 

Thêm nữa, trong một bài đăng trên Facebook, Roof mặc một chiếc áo khoác in hình lá cờ cũ của Rhodesia (nay là Zimbabwe) và lá cờ thời phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Trong đó, lá cờ cũ của Nam Phi là gây tò mò nhất, vì nó được dựa trên một lá cờ cũ của Cộng hòa Hà Lan hồi thế kỷ 18. Kỳ lạ hơn nữa, chính lá cờ cũ đó của Hà Lan cũng mang ẩn ý về sự phản động và phân biệt chủng tộc. Tại sao lại như vậy?

Lá cờ cũ của Liên bang Nam Phi được sử dụng từ năm 1928, những ngày đầu của chế độ do người da trắng cầm quyền, đến năm 1994, khi sự phân biệt chủng tộc được xóa bỏ và người da màu đạt được bình đẳng về chính trị. Thiết kế của nó phản ánh nguồn gốc lịch sử của đất nước, là một thuộc địa do người da trắng châu Âu cai trị. Nó cũng thể hiện các cuộc xung đột dài hàng thế kỷ giữa hai nhóm dân da trắng, một bên là hậu duệ của những người Hà Lan di cư sang (thường gọi là người Boer) và một bên là những người Anh đến sau. Nền cờ dựa trên một trong những lá cờ của Các tỉnh Hà Lan Thống nhất (United Provinces of the Netherlands) khi nó còn là một đế quốc toàn cầu trong thế kỷ 18, với ba sọc ngang: cam, trắng và xanh. Trên sọc trắng, nằm ở trung tâm, có ba lá cờ khác được thu nhỏ. Bên trái là cờ Anh, đại diện cho những vùng ven biển là thuộc địa của Anh từ năm 1806 đến năm 1910. Ở chính giữa và bên phải lần lượt là cờ của Orange Free State (Nhà nước tự do Orange) và Transvaal, hai nước cộng hòa mà người Boer cai trị ở vùng trung tâm cho đến khi họ thua trận trước người Anh trong một cuộc chiến từ năm 1899 đến năm 1902 (Chiến tranh Boer lần hai – NHĐ).


 Cờ Nam Phi thời kỳ 1928-1994
 Cờ Nam Phi thời kỳ 1928-1994
 20150627_usp512_290
 Cờ Prinsenvlag

Màu cam biểu tượng cho lòng yêu nước của người Boers ở Nam Phi và những người anh em Hà Lan của họ. Màu này bắt nguồn từ William xứ Orange-Nassau, vị quý tộc đã chỉ huy cuộc chiến chống Tây Ban Nha để giành độc lập cho Hà Lan, và sau đó, con cháu ông đã trở thành các nhà lãnh đạo quân đội của Cộng hòa Hà Lan (mà ngày nay là Hoàng gia Hà Lan.) Những người ủng hộ William đã dùng một lá cờ mang màu sắc của dòng họ ông (Nhà Orange-Nassau,) mà người Hà Lan gọi là Oranje-blanje-bleu (một biệt danh dùng thứ tiếng “bồi” lai giữa tiếng Hà Lan và tiếng Pháp). Nó thường được gọi là “Prinsenvlag” hơn, nghĩa là cờ của hoàng tử. Tuy nhiên, nó không phải là cờ Hà Lan hiện nay. Hà Lan đã luôn dùng một lá cờ màu đỏ, trắng và xanh. Phiên bản này đã trở thành lá cờ duy nhất từ năm 1795 đến 1814, khi nhà nước Hà Lan đã trải qua một loạt các biến đổi, bao gồm một cuộc cách mạng chống Nhà Orange và việc Hà Lan bị Pháp chiếm đóng (năm 1793). Cờ Prinsenvlag trở lại sau khi Nhà Orange lên nắm quyền lần nữa vào năm 1814, nhưng lá cờ đỏ, trắng, xanh vẫn chiếm ưu thế.

Trong suốt thế kỷ 19, khi Hà Lan dân chủ hóa và phong trào công nhân ở đây tăng lên, cờ Oranje-blanje-bleu dần gắn liền với phe cực hữu có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Cánh hữu Hà Lan thường ủng hộ Nhà Orange, trong khi cánh tả thường muốn hạn chế hoặc loại bỏ chế độ quân chủ. Trong những năm đầu thế kỷ 20, phe cực hữu đã sản sinh ra phong trào phát xít riêng của Hà Lan – phong trào Quốc xã (Nationaal-Socialistische Beweging – NSB). Năm 1937, nữ hoàng Hà Lan chọn lá cờ đỏ, trắng và xanh làm cờ chính thức, nhưng NSB vẫn ủng hộ việc sử dụng cờ Prinsenvlag. Khi Đức Quốc xã chiếm đóng nước này và dùng NSB như một chế độ bù nhìn ở địa phương, cờ Prinsenvlag thể hiện âm hưởng của hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc Đức Quốc xã; giống như cờ Liên minh miền Nam Hoa Kỳ, nó cũng trở thành biểu tượng cho sự phản quốc. Nhiều thập niên sau Thế chiến II, dùng cờ Prinsenvlag ở Hà Lan được xem như là phản động, tương tự như việc dùng biểu tượng chữ vạn (của Đức Quốc xã).

Tuy nhiên, trong vài năm qua Prinsenvlag lại trở thành một vấn đề gây chia rẽ trong xung đột chính trị mới tại Hà Lan về chủng tộc, tôn giáo và di cư. Chính khách dân túy chống nhập cư và chống Hồi giáo Geert Wilders và Đảng Tự do (PVV) của ông tuyên bố lá cờ là một biểu tượng của niềm tự hào Hà Lan và cần được thanh tẩy ý nghĩa Đức Quốc xã của nó. Một vụ ồn ào trên truyền thông quốc gia đã nổ ra vào năm 2011 khi lá cờ được phát hiện trên cửa sổ văn phòng của Đảng này trong Quốc hội. PVV sử dụng Prinsenvlag tương tự như cách mà những người cánh hữu ở miền Nam nước Mỹ sử dụng cờ Liên minh miền Nam Hoa Kỳ: một sự khiêu khích chính trị. Điều này tạo cơ sở cho cánh tả đưa ra những cáo buộc phân biệt chủng tộc, và do đó càng làm tăng sự oán giận và đoàn kết phía cánh hữu.
Cờ quận Bronx, New York
Cờ quận Bronx, New York

Roof có thể không được nhận thức được điều này, nhưng việc hắn dùng hình ảnh lá cờ cũ của Nam Phi là một hành vi hai trong một: một lá cờ phân biệt chủng tộc cũ dựa trên một lá cờ cũ khác, mà hiện tại chính nó cũng bị xem là phân biệt chủng tộc. Và có lẽ cũng kỳ lạ khi mà lá cờ này lại gắn liền với Hà Lan, một đất nước vốn lâu nay nổi tiếng về lòng khoan dung, dù hiện tại ít nhiều bị phai nhạt. Nhưng trong khi đội tuyển bóng đá quốc gia Hà Lan vẫn mặc màu cam, Oranje-blanje-bleu đã dần không còn được sử dụng chính thức, không chỉ ở Hà Lan, mà cả trên những lá cờ của các cựu thuộc địa của Đế quốc Hà Lan – với một vài ngoại lệ. Ba thuộc địa cũ của Hà Lan vẫn dùng lá cờ màu cam, trắng và xanh là thành phố Albany, thành phố New York, và quận Bronx (thuộc New York). Những thành phố này sử dụng các màu sắc cũ nhằm khơi gợi lại một bản sắc địa phương xưa cũ theo chủ nghĩa tự do Hà Lan.

 Nguồn:How an old Dutch flag became a racist symbol”, The Economist, 22/6/2015.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét