Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Hòn đảo nghĩa địa ngàn xác tàu ở Canada



Có khoảng từ 500 đến 1.000 xác tàu nằm quanh quần đảo Magdalen Islands, Quebec, với vô số sinh mạng kém may mắn, nơi người ta dễ đến nhưng mịt mù ngày về.
 Peter Alexander Tager đi lậu vé trên chiếc tàu Good Intent, một tàu chở gỗ của Liverpool đi từ Quebec về Anh. Nhà Brophys giong buồm một chiếc tàu chạy trốn nạn đói của người Ireland, con tàu có tên Miracle, chở theo hàng trăm di dân đi tìm cuộc sống mới đầy hi vọng ở Canada. Robert Best trên đường quay lại Quần đảo Channel trên chiếc tàu Perry, một con tàu chở đầy cá tuyết muối từ cảng Gaspé.

Doi đất nguy hiểm khó lường

 

Bản quyền hình ảnh Uladzimir Taukachou


Họ giong buồm ra khơi vì những lý do khác nhau, nhưng tất cả đều cùng gục ngã trước một định mệnh tương tự: tàu của họ chệch hướng khỏi hải trình và cuối cùng bị nuốt chửng bởi những bãi cát và vùng nước nông ở Quần đảo Magdalen (còn gọi là Les Îles de la Madeleine trong tiếng Pháp) ở vùng Quebec chủ yếu nói tiếng Pháp của Canada.

Bị cô lập giữa Vịnh St. Lawrence, quần đảo có dạng hình lưỡi câu này là một dải đất liền khó ngờ và nguy hiểm khôn lường với những con tàu đi từ Châu Âu đến Quebec. Ước tính có khoảng từ 500 đến 1.000 con tàu đã trở thành nạn nhân vì sự bất thường của quần đảo này, hầu hết trong thế kỷ 18 và 19.
"Rất nhiều người thậm chí không biết có một hòn đảo ở đó," người bảo vệ bờ biển Charles Cormier cho biết. "Một lần, 48 con tàu bị chìm chỉ trong một cơn bão."

Tổ tiên chung của dân đảo

Vào thời đó, chỉ có vài ngọn hải đăng hoặc biểu đồ chính xác. Gió mạnh, sương mù, cùng với vùng nước đầy đá đã khiến việc định hướng trở thành một trò chơi đoán mò và đòi hỏi sự khéo léo. Kết quả là rất nhiều hành khách đã chết và được chôn cất giữa những đồi cát. Chỉ có những người lanh lẹ nhất mới sống sót được, phải từ bỏ chuyến đi ban đầu và xây dựng cuộc sống mới dọc theo những bờ biển đầy bão tố ở quần đảo này. 

Ngày nay, rất nhiều hậu duệ của những người sống sót, như cô Nancy Clark, 32 tuổi, hiện vẫn sống trên đảo và cảm thấy khó có thể dứt áo ra đi dẫu có rất nhiều thách thức phải đối mặt. Họ đã bắt rễ ở đây từ lâu và trở thành một cộng đồng nói tiếng Anh rất nhỏ trong thế giới toàn những người nói tiếng Pháp. Họ sống để kể lại câu chuyện cho thế hệ sau về những người dân đảo đã đến nơi này sinh sống trước họ.

  
"Chúng tôi là một cộng đồng nhỏ đến mức có lẽ tất cả mọi người đều có thể tự truy nguyên nguồn gốc đến ít nhất một người đã đến đây vì bị đắm tàu," Clark nói-
Hình ảnh Uladzimir Taukachou
"Chúng tôi là một cộng đồng nhỏ đến mức có lẽ tất cả mọi người đều có thể tự truy nguyên nguồn gốc đến ít nhất một người đã đến đây vì bị đắm tàu," Clark nói.

Hai cộng đồng - hai ngôn ngữ

Trên quần đảo đa phần mọi người đều nói tiếng Pháp này, chỉ có khoảng 550 cư dân nói tiếng Anh, là con cháu của những người đến từ Anh, Scotland và Ireland. Nhiều người trong số họ là dân nhập cư, và có một số là hành khách trên những chuyến tàu chở hàng quyết định ở lại sau khi tàu bị đắm. Hầu hết mọi người sống trong ba cộng đồng: Grosse-Île và Old Harry ở phía bắc quần đảo, và Entry Island (Île-d'Entrée trong tiếng Pháp), là một đảo nhỏ ở phía nam chỉ có thể đến bằng phà. Với những cư dân này, tổ tiên của họ gắn liền với hòn đảo, giúp cho họ duy trì một bản sắc văn hóa mạnh mẽ. 
Rất nhiều cư dân ở đây có cùng họ. Ở cộng đồng Old Harry, hầu hết mọi người có họ Clark hoặc Dunn. Ở cộng đồng Grosse-Île, một trong những họ phổ biến nhất là họ Clarke thay vì họ Clark, gây ra nhiều tranh cãi về chính tả. Người dân ở Old Harry nói người ở Grosse-Île đã thêm vào chữ "e", trong khi người ở Grosse-Île tin rằng người sống ở cộng đồng Old Harry đã bỏ đi nguyên âm cuối. 


                           Bản quyền hình ảnh Uladzimir Taukachou
Cộng đồng nói tiếng Anh và tiếng Pháp bảo tồn bản sắc đặc trưng của họ qua nhiều năm. Đến thập niên 1970, có rất ít những cuộc hôn nhân giữa hai nhóm cộng đồng, và mỗi cộng đồng có nhà thờ riêng, theo Công Giáo hay Tin Lành, và họ cũng có trường học riêng. 

"Người Anh sẽ ở trong cộng đồng của người Anh, còn người Pháp ở trong cộng đồng của người Pháp," Winston Clarke, một cư dân ở Grosse-Île cho biết. "Tôi không nói là có bất cứ gì thù địch cả. Thời đó rất khó khăn để đi lại giữa các cộng đồng, không có đường sá gì trong hồi đầu thập niên 1900."

Những khác biệt tế nhị

Có một số yếu tố đơn giản cho thấy sự khác biệt của các cộng đồng. Ví dụ, trong cộng đồng người Anh, nhà cửa được sơn với màu trắng và xám mờ nhạt, trong khi người Pháp sử dụng màu vàng tươi, xanh lá cây, xanh da trời và thậm chí cả màu cam. Clark cũng cho biết những khác biệt tế nhị trong giao tiếp, ví dụ như cách người Pháp Francophones thường hôn và chạm vào nhau, trong khi người Anh Anglophones còn một chút bảo thủ. "Chúng tôi thiên về kiểu "gật đầu" chào hơn," Clark nói.

Mặc dù quần đảo Magdalen có nhiều bản sắc đặc thù, Clark nhận thấy những điểm mạnh trong sự chung nhất mà họ có đến ngày nay. Cô làm việc tại trường học địa phương và phát triển nhiều dự án để giữ chân những người Anh trẻ để họ không rời nơi đây mà tìm đến những thành phố lớn ở Canada. 
"Tôi không nghĩ có sự khác biệt gì lớn - chúng tôi để ý đến sự khác biệt, nhưng tôi không rõ liệu có ai khác để ý không vì tất cả chúng tôi đều là cư dân trên đảo và chúng tôi chia sẻ với nhau rất nhiều điểm chung," Clark nói.

Nhà dựng từ xác tàu

Ngoài những ngôi nhà, màu sắc và truyền thống, nơi đây còn có nhiều thứ khác. Một số ngôi nhà được xây từ vật liệu lấy từ xác tàu đắm, giống như ngôi nhà của Rhoda Clark ở cộng đồng Old Harrry, trước là nhà của bà dì Nancy Clark, người có cụ tổ đã cứu những nạn nhân sống sót từ tàu Miracle bị đắm vào tháng 5/1847. Rhoda giải thích rằng ngôi nhà của bà là một phần của lịch sử hòn đảo, và nó đã được truyền lại qua nhiều thế hệ trong gia đình bà ra sao. 

"Ông cố của tôi Henry Sr.Clark đã xây dựng ngôi nhà cũ tại đây từ một số xác tàu, ông lắp ghép chúng với một số chốt bằng gỗ trên gác mái. Vào năm 1861, ông đã xây ngôi nhà... ông đi bộ ra bãi biển và đó là cách ông xây nhà, từng mảnh từng mảnh."

Cũng trong cộng đồng Old Harry, Nhà thờ St-Peters-by-the-Sea (Thánh Peter bên bờ biển) đã 100 năm tuổi và cũng được dựng từ gỗ lấy từ xác tàu đắm. "Chúng tôi muốn đảm bảo chúng tôi giữ được ngôi nhà và giữ nó cho cộng đồng và chắc chắn nó không bị bán đi," Clark nói. "Vì thế chúng tôi phát triển một dự án rất có ý nghĩa với cộng đồng." 

Nhà thờ sẽ tổ chức một cuộc triển lãm chân dung những cư dân trên đảo đã qua đời liên quan đến biển trong suốt thế kỷ 20. Clark bắt đầu thu thập hình ảnh các nạn nhân vì cô nhận ra những cái chết bên bờ biển ảnh hưởng đến hầu hết các gia đình ở đây theo cách này hoặc cách khác. Cô đã thu thập được 135 bức chân dung, hầu hết trong số chúng đã được chụp sau thập niên 1950. 
"Sự say mê của tôi với những xác tàu đắm đã bắt đầu từ rất lâu. Tôi lặn biển đã 35 năm. Chẳng cần ai phải giúp cả, tôi làm việc này vì đam mê. Bởi vì tôi yêu nó," nhân viên bảo vệ bờ biển Charles Cormier nói. Ông là người không có mối dây phả hệ nào với những nạn nhân sống sót nhưng ông suốt đời luôn bị cuốn hút bởi sứ mệnh tìm kiếm những con tàu.

Xác tàu Hi Lạp

Rất nhiều xác tàu đắm ở Quần đảo Magdalen ẩn mình dưới đáy biển sâu đang ở tình trạng bị hủy hoại ở nhiều mức độ khác nhau, mà thường những gì còn sót lại chỉ là những mảnh ván gỗ. Nhưng đứng từ bờ biển người ta vẫn nhìn được một số xác tàu, chẳng hạn như tàu Corfu Island từng thuộc sở hữu của đại gia người Hy Lạp, Aristotle Onassis, bị chìm ngoài khơi đảo Magdalen vào năm 1963 và sau đó nằm mắc cạn trên bãi biển, thân tàu kẹt trong cát. 

"Mọi người đều được cứu sống," Cormier nói. "Còn tàu khi đó có chở theo rất nhiều sơn màu xanh. Dân đảo lấy sơn và sau đó họ sơn nhiều ngôi nhà trên đảo, đó là lý do tại sao có rất nhiều nhà màu xanh lá cây."

Sự tương phản đậm nét

Quần đảo Magdalen là nơi có nhiều nét tương phản rõ nét: một ngày nắng có thể nhanh chóng chuyển thành bão tố, và vẻ đẹp của biển khơi có thể nhanh chóng chuyển mình thành sự hiểm nguy - đặc biệt trong mùa đánh cá, khi ngư dân dầm mình trong nước đến 12 giờ mỗi ngày. 

"Đôi khi vào mùa đông khi trời rất gió và rất ảm đạm, mọi thứ có thể khắc nghiệt một chút. Nhưng mùa hè sẽ bù đắp cho tất cả, khi chúng tôi có thời tiết tuyệt đẹp và đây là nơi an bình và em đềm nhất mà bạn từng gặp," Clark nói.

Tia hi vọng cho quần đảo

Quần đảo Magdalen có thể mãi mãi bị ngấp nghé đe dọa trên biển. Theo Đại học Québec ở Rimouski, 70% phần bờ biển phía ngoài đang có nguy cơ bị nhấm chìm, khiến 0,75m bờ biển mất đi mỗi năm. Một số cư dân đã chuyển nhà xa khỏi rìa các rặng đá trong vài năm qua. 

Tuy nhiên, có nhiều điều đã thay đổi vĩnh viễn, đặc biệt từ thế kỷ 18-19, khi không có đủ các ngọn hải đăng để dẫn đường cho tàu bè được an toàn, như Thuyền trưởng Edward Boxer (và cũng là một nạn nhân thoát khỏi vụ đắm tàu) viết vào năm 1828: 

"Trên vùng biển này, công tác hoa tiêu là rất nguy hiểm vì dòng chảy thất thường và rất mạnh, và không có đến một ngọn hải đăng trên toàn bộ vùng Vịnh. Thực sự đáng tiếc khi có rất nhiều xác tàu ở rất nhiều nơi trên bờ biển... số lượng sinh mạng đã chết rất lớn và không đếm xuể..." 

Lời phàn nàn của ông và những thuyền trưởng khác cuối cùng cũng được lắng nghe. Ngọn hải đăng đầu tiên trên Quần đảo Magdalen được xây dựng năm 1870 ở Bird Rock (Đá Chim), cách cộng đồng Grosse-Île 32 km về phía đông bắc. Ngày nay, sáu ngọn hải đăng cùng nhau vận hành với biểu đồ chi tiết, định vị GPS và các phương pháp định hướng hiện đại khác để khiến những hòn đảo xinh đẹp và mong manh này trở thành một chốn phiêu lưu an toàn và dễ dàng hơn cho những người giong buồm lại gần đảo - và an toàn cho cả những người chọn đến sinh sống ở nơi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét