Ông Ngô Đình Luyện là con út trong
gia đình cụ Ngô Đình Khả, ông Luyện đã tốt nghiệp văn bằng kỹ sư tại École
Central de Paris, ông là người được hấp thụ nền văn hóa Tây Phương nhiều nhất
trong gia đình. Phu nhân ông Luyện cũng thuộc gia đình giàu có, danh giá tại miền
Nam Việt Nam.
Trong số các anh em cụ Diệm, ông Luyện
là người ít được nhắc đến nhất, nhưng ông lại là người chiếm được nhiều tình cảm
của những người xung quanh nhiều nhất. Ngay cả khi ông làm việc ở ngoại quốc,
ông cũng đã được những người làm việc chung với ông yêu mến kính phục. Có lẽ vì
tính tình ông Luyện phóng khoáng, cởi mở, giản dị và thậm chí còn được coi là
người ... ham vui.
Ông bà Luyện cùng các con sống ở ngoại
ô thành phố Paris từ năm 1954 cho đến khi qua đời. Và qua nhiều nhân chứng làm việc trong chính
quyền thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm nói lại, thì trong số anh em cụ Diệm, ông
Ngô Đình Luyện là người có công lớn trong việc xây dựng nền móng nền Đệ Nhất Cộng
Hòa lúc ban sơ.
Ông Luyện đã có thời gian cùng học
chung với cựu hoàng Bảo Đại tại Pháp, nên hai người rất thân với nhau. Khi ông
Ngô Đình Diệm được vua Bảo Đại chọn và đề
cử về nước giữ chức vụ Thủ Tướng, lúc đó ông Ngô Đình Luyện còn ở bên Tây làm Đặc
Sứ, nhưng ông thường về Sài Gòn giúp ông anh tiếp xúc với người nầy, giao thiệp
với người kia, trao đổi với người nọ, thuyết phục, lôi kéo họ thôi chống đối, về
hợp tác với chế độ mới, vì khi mới về cầm quyền ở Sai Gòn, ông Ngô Đình Diệm bị
nhiều người, nhiều phe phái chống đối, coi như tứ bề thọ địch, nên ông Diệm cần
có ông Luyện ở bên cạnh để cùng lo tìm cách đối phó với những khó khăn của thời
cuộc, đối phó với những cuộc chống đối của tướng Nguyễn Văn Hinh, của Bình
Xuyên, Hòa Hảo v.v …
Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng muốn
có một người tài giỏi, tín cẩn làm đại diện cho Việt Nam ở Âu Châu, nên ông Luyện
được cử giữ chức vụ Đại sứ Việt Nam tại Anh Quốc. Vì thế trước khi lấy một quyết
định ngoại giao quan trọng, đối với bất kỳ một quốc gia nào ở Âu Châu và Bắc
Phi, Tổng Thống Ngô Đình Diệm thường tham khảo ý kiến trước với ông Luyện.
Sự bất đồng chính kiến giữa ông Nhu
và ông Luyện trở nên rõ rệt, qua vụ truất phế Bảo Đại, vì chính ông Luyện đã
đóng vai trò giao liên dàn xếp với Bảo Đại qua vụ chống đối của Tướng Hinh và của
Bình Xuyên. Còn ông Nhu thì chủ trương phải truất phế Bảo Đại, để thành lập chế
độ Cộng Hòa. Trong thời gian ba tháng qua Pháp để dàn xếp với Bảo Đại vào đầu
năm 1955, lúc ông Luyện trở về, thì quyền Cố Vấn đã hoàn toàn nằm trong tay ông
Nhu. Tổng Thống Diệm đã dặn riêng mấy người thân cận như Đại Uý Cao, Thiếu Tá
Vinh là “ở nhà có chuyện gì xảy ra đừng có kể lại cho ông Luyện nghe". Ý Tổng
Thống Diệm không muốn làm phật lòng ông em út, mà Tổng Thống Diệm thương nhất
trong nhà.
Việc kẹt nhứt của ông Luyện là ông
đã đơn sơ nghĩ là do anh mình mới có vụ
truất phế Bảo Đại (*), mà ông Bảo Đại và ông Luyện lại là bạn học chung với
nhau ở Paris. Hai ông không những học
chung một trường Tây, mà còn học chung chữ Nho với nhau ở tại nhà, khi triều
đình gởi qua Pháp một "thầy đồ” để dạy chữ Nho, dạy tứ thư, ngũ kinh,
v...v… cho ông Bảo Đại. Vì thế hai người cùng "giồi mài kinh sử" ở
trường cũng như ở nhà, coi như "ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu.”
Khi ông Luyện có bằng kỹ sư, về
nước làm việc cho một công ty Pháp. Ông Bảo Đại cũng đã về nước lên ngồi trên
ngai vàng. Hai người đi hai con đường
khác nhau. Biết rõ ông bạn học rất thân
nay đã làm vua, nhưng ông Luyện không tìm đến vua Bảo Đại để cầu cạnh nọ
kia. Một hôm tình cờ, vua Bảo Đại gặp
ông Luyện ở Quảng Ngãi. Vua mừng lắm, ôm chầm lấy bạn cũ và trách rằng sao đã về
nước mà không cho vua hay. Ông Luyện cũng mừng lắm, nhưng chỉ chừng đó, rồi
không liên lạc gì với vua nữa.
Sau khi "Trưng Cầu Dân
Ý", ông Luyện có gặp lại cựu hoàng Bảo Đại và tưởng rằng cựu hoàng sẽ
trách cứ mình nhiều lắm, nên ông Luyện cũng
hơi ngại ngùng, nhưng ông Bảo Đại vẫn tự nhiên như không có chuyện gì xảy
ra. Khi ông Luyện tỏ ý ân hận vì việc truất phế, thì ông Bảo Đại tự cho rằng lỗi
ở ông, và thời cuộc phải diễn tiến như thế,
nên không trách cứ gì ông Diệm cả. Thái độ cao thượng đó của cựu hoàng Bảo
Đại đã khiến ông Luyện cảm động lắm, ông thường đem chuyện đó kể lại cho nhiều
người thân cận nghe.
Đầu năm 1963, khi tình hình miền
Nam có nhiều bất ổn, có tin đồn đảo chánh nói đi nói lại nhiều nơi, ông Luyện về
Sài Gòn và cũng có ý lo cho anh mình, nhưng không làm gì được. Trở lại Luân Đôn
trong một buổi họp nhân viên, ông Luyện hỏi chung chung: "Trong trường hợp
hãn hữu mà có một cuộc đảo chánh, thì ông Thính cũng như các anh em khác trong
Sứ Quán sẽ đứng đằng sau Tổng Thống chứ?”.
Tiến Sĩ Phan Văn Thính đáp lại: “Thưa Đại Sứ, cũng không hẳn là vậy. Chúng tôi ở đây là "công bộc" chứ
không phải là "người" của một ai cả.
Bao lâu Tổng Thống còn được lòng dân, thì chúng tôi đều đứng sau người. Nhưng khi nào Tổng Thống đi ngược lại ý dân
thì chúng tôi không còn phải theo Tổng Thống nữa".
Các nhân viên Tòa Đại Sứ ở Anh
lúc đó cho rằng việc làm của Tiến Sĩ Phan Văn Thính là liều lĩnh và gan dạ, vì
nói như thế có thể mang họa vào thân. Tuy không đồng ý với T/S Phan Văn Thính,
nhưng ông Ngô Đình Luyện cũng không tỏ ra thái độ bất bình hay là sẽ tìm cách
trừng phạt. Thật đúng, ông Luyện là người có trình độ, rất hiểu biết, không hay
thù vặt.
Nhân dịp ông Ngô Đình Luyện từ
Pháp qua Mỹ, anh Nguyễn Linh Tuyên có đón ông đến dự lễ cầu hồn cho Cố Tổng Thống,
và hướng dẫn Ông đi thăm mấy nơi ở Orangge County (California), anh Tuyên có
nói tôi sang gặp ông Luyện nữa, và tôi đã sang thăm ông.
Trong dịp này tôi được ông kể vài
câu chuyện về thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Tôi có hỏi tin tức về Bà Nhu bây giờ ra
sao, thì ông cho hay Bà Nhu đang sống trong căn Apartment tận lầu 11, ở Paris -
Pháp Quốc, và bà vẫn khỏe mạnh.
Ông Ngô Đình Luyện kể: “Có lần
tôi ở Pháp về, tôi gặp lại mấy người bạn Pháp và Trung Hoa, họ rủ tôi vô Chợ Lớn
ăn cơm, rồi họ mời tôi sang Hong Kong du lịch. Tôi nhận lời và cùng đi với họ.
Song lúc tôi trở lại Saigon, về tới Tân Sơn Nhứt, thì có ông Phó Tổng Giám Đốc
Quan Thuế và thêm một nhân viên nữa ra đón tôi ở phi cảng. Ông Quan Thuế có vẻ
băn khoăn, lo lắng và nói với tôi:
- Thưa Cụ Đại Sứ, xin cụ hiểu cho
sự khó khăn của chúng tôi. Nhưng đây là lệnh của Tổng Thống, xin Cụ cho chúng
tôi được coi hành lý của Cụ.
Tôi rất ngạc nhiên vì xưa nay tôi
đi đâu, kể cả ra ngoại quốc, chưa ai khám xét hành lý của tôi, vì mình đi bằng
Thông Hành Ngoại Giao cao cấp, thế mà mình về nước lại bị khám xét bởi lệnh của
Tổng Thống. Nhưng tôi bình tĩnh trả lời:
- Tôi đi chơi chứ không phải đi
công vụ đâu, chả cần có lệnh của Tổng Thống, các ông cứ làm đúng phận sự của
các ông đi.
Sau khi khám xét thấy chẳng có
gì, ông Quan Thuế cứ xin lỗi tôi hoài và có vẻ lo lắng. Tôi cảm ơn ông và lên
xe ra về.
Về tới Dinh Gia Long, tôi vô thẳng
phòng Tổng Thống với vẻ mặt bực bội. Gặp tôi, Tổng Thống cười nói:
- Sao chú? Chắc khó chịu lắm phải
không? Tụi nó cứ nói ra nói vào và báo cáo với tôi rằng chú đi Hong Kong gặp tụi
Tàu, chuyển bạc về Việt Nam (ngày đó Việt Cộng có nhiều tiền Việt Nam để ở Hong
Kong lắm, mà không mang vô Việt Nam được), nên tôi phải cho khám để tụi nó khỏi
xuyên tạc và sau này chúng nó không còn báo cáo bậy nữa. Hơn nữa cũng để Quan
Thuế biết là họ không phải nể nang một người nào, để cho họ dễ làm việc của
mình...”
Kể xong, Ông Ngô Đình Luyện có vẻ
thích thú và cười ra tiếng. Ông nói nhiều chuyện về thời Đệ Nhất Cộng Hòa và về
cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và những chuyện vui, buồn trong gia đình. Ông cũng
cho biết gia đình ông đông con và sinh hoạt cũng khó khăn lắm, ông kể chuyện từ
lúc ông ở Pháp qua Mỹ và trên chuyến bay đến California, cái thắt lưng của ông
bị đứt, mà lưng quần của ông thì rộng quá, vì quần áo cũ may lúc còn mập, và
nay thì ốm đi nhiều. Biết ông cần có cái thắt lưng, nên một người trên cùng
chuyến bay đã lấy thắt lưng của họ đưa
ông dùng tạm. Rất tiếc, ông đã không nhớ tên người tặng ông cái thắt lưng đó.
Thành ra những lời đồn đãi và dư
luận xấu nói về gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thật đúng là xuyên tạc quá
đáng. Xem như vậy đều thấy rằng những người trong gia đình Tổng Thống Ngô Đình
Diệm, ai cũng có tinh thần tự trọng và trong sạch.
Được biết ông Ngô Đình Luyện đã từ trần
tại Pháp ngày 23 tháng 4 năm 1988, hưởng thọ 75 tuổi .
(*) Sau đây, tôi xin trích dẫn một
vài đoạn trong bài “TRUẤT PHẾ BẢO ĐẠI VÀ
KHAI SINH ĐỆ NHẤT CỘNG HOÀ, KÝ ỨC
50 NĂM SAU” do ông Lâm Lễ Trinh sưu tầm, viết về nguyên nhân đưa đến việc
"Truất Phế Bảo Đại" mà ông Ngô Đình Luyện, người ít sống chung với
gia đình, đã hiểu lầm là do anh mình mà Bảo Đại bị truất phế, gây ra mâu thuẫn
với hai anh Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.
...........
Những bí ẩn bên trong Hội Đồng
Nhân Dân Cách Mạng
Bảo Đại đã nhân danh chống Pháp để
thoái vị và trao quyền cho Cộng Sản lãnh đạo cuộc chiến, kết thúc bằng trận đánh cuối cùng tại Điện
Biên Phủ ngày 7.5.1954. Oái oăm thay,
chính đế quốc Pháp đã đặt Bảo Đại trở lại trên ngai vàng để chống lại Cộng Sản
Bắc Việt sau khi, tại Hà Đông, Cao ủy Bollaert tuyên bố Pháp muốn tái đàm với
cánh Quốc Gia. Tháng 8.1948, Bảo Đại chỉ
định Trung Tướng Nguyễn Văn Xuân thành lập “Chính Phủ Trung Ương Lâm Thời VN.”
Dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng Bảo Đại, qua
những nội các liên tiếp, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn
Văn Tâm và Bửu Lộc, Miền Nam VN rơi vào cảnh hỗn loạn. Cuối cùng, nhà vua phải kêu cứu đến chí sĩ
Ngô Đình Diệm ngày 9.7.1954, mặc dù trước đó ông Diệm đã ba lần thoái
thác.
Hiệp Ước Đình Chiến Genève ký kết ngày 21.7.1954 chia
đôi VN nới vĩ tuyến 17. Bảo Đại gây khó khăn cho ông Diệm bằng cách từ
Cannes gởi hai công điện liên tiếp, ngày 28.4. và 30.4.1955, triệu hồi Thủ Tướng
Diệm qua Pháp để “tham khảo ý kiến”, vì ông Diệm khai trừ tướng Nguyễn Văn
Hinh, không chấp nhận Tướng Nguyễn Văn
Vĩ như tân Tổng Tư Lệnh Quân Đội, cương quyết
kết thúc kế hoạch dẹp giáo phái, quét sạch Bình Xuyên và giải tán tổ chức
võ trang UMDC của Leroy. Ý đồ của Bảo Đại
là thay thế Thủ Tướng Diệm, có thể bằng
Lê Văn Viễn tự Bảy Viễn, sếp sòng Bình Xuyên, lúc đó đang nắm giữ guồng máy Cảnh
Sát, Công An và kiểm soát sòng bài Đại Thế Giới để cung cấp tiền nong cho Quốc
Trưởng.
Bị lấn vào chân tường, TT Diệm phúc
đáp: Hội Đồng Nội Các không đồng ý để ông xuất ngọai giữa tình thế rối ren của
xứ sở và một Hội Nghị các Chính Đảng và Nhân Sĩ Quốc Gia sẽ được triệu tập ngày
29.4.1955 tại Dinh Độc Lập để cho biết ý kiến “Thủ Tướng có bổn phận thi hành lệnh
triệu thỉnh của Quốc Trưởng hay không?”.
Hội nghị này gồm có 18 chính đảng / đoàn thể và 29 nhân sĩ Miền Nam.
Đặc biệt, ba tổ chức nổi bật vì có thực lực: VN Dân Xã Đảng (Hoà Hảo) mà bí thơ là Nguyễn Bảo Toàn, VN Phục
Quốc Hội (Cao Đài) do Hồ Hán Sơn thay mặt và Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến
VN của Trình Minh Thế, do Nhị Lang đại
diện.
Nhị Lang, tác giả của quyển sách
“Phong Trào Kháng Chiến Trình Minh Thế” (nxb Alpha, Virginia,1989), kể lại: đúng 10 giờ sáng ngày ghi trên, Thủ Tướng Diệm
tiến vào phòng họp với vẻ mặt ưu tư, tuyên bố vắn tắt lý do, xong kiếu từ ngay, “để Quý Ngài được tự do thảo luận”. Hội nghị bầu
Nguyễn Bảo Toàn vào ghế Chủ Tọa, Phạm Việt Tuyền vào ghế Tổng Thư Ký.
Như đã thoả thuận với nhau từ trước, Nhị
Lang, Nguyễn Bảo Toàn và Hồ Hán Sơn khai pháo bằng cách đặt thẳng với Hội Nghị một
vấn đề duy nhất: truất phế Bảo Đại, khỏi
bàn đến chuyện gì khác. Nếu Hội Nghị từ chối chương trình nghị sự này, ba đoàn
thể của họ sẽ rút lui liền. Bầu không
khí cực kỳ sôi động. Bên ngoài, lúc đó,
từ cầu chữ Y, quân Bình Xuyên pháo kích xung quanh Dinh Độc Lập. Các tổ chức và phần tử ủng hộ từ lâu Thủ Tướng
Diệm tỏ ra quá khích. Nhà báo Bùi Quang
Nga, bút hiệu Văn Ngọc, vừa hô to “Đả đảo Bảo Đại”, vừa tuột giày, ném vào bức
chân dung đồ sộ của Cựu Hoàng treo trên vách phòng khánh tiết.
Tiếp theo, nhiều nhân vật như Vũ
Văn Mẫu, Hoàng Cơ Thụy… công kênh Nhị Lang
lên vai họ để triệt hạ chân dung này, giữa tiếng hoan hô vang dội. Hội nghị bầu ra một Uỷ Ban Cách Mạng, sau đổi
là Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng, rồi Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia, thể
theo ý kiến của một số nhân vật “ôn hoà” lo ngại chính quyền Diệm sẽ không kiểm
soát nổi khuynh hướng cực đoan. Hội Đồng
này gồm có Nguyễn Bảo Toàn (Chủ Tịch), Hồ Hán Sơn (Phó Chủ Tịch) Nhị Lang (Tổng
Thư Ký) và một số Uỷ Viên như Hoàng Cơ Thụy, Trần Thanh Hiệp, Đoàn Trung Còn,
Hoàng Phố, Văn Ngọc, bà Đức Thọ, Huỳnh Minh Ý, Hà Huy Liêm và Nguyễn Hữu Khai.
Cuối cùng, Hội Nghị đưa ra một bản Quyết Nghị nảy lửa, gồm ba điểm:
- Truất phế Bảo Đại,
- giải tán Chính Phủ Diệm
- ủy nhiệm chí sĩ Ngô Đình Diệm
thành lập Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời, tổ chức tổng tuyển cử, tiến tới chế độ
Cộng Hoà.
Lúc 5 giờ chiều, sau phiên nhóm kéo dài
7 tiếng, Chủ Tịch Nguyễn Bảo Toàn mời Thủ Tướng Diệm xuống phòng họp nghe kết
quả. Nhị Lang viết: “Khi Thủ Tướng nghe
xong, tôi thấy mặt ông tái hẳn đi. Tôi
chắc ông không ngờ Hội Nghị này lại quay sang một chiều hướng khác và lôi kéo
ông đi một bước quá xa như vậy… Thủ Tướng Diệm lộ vẻ đăm chiêu và nói bằng một
giọng trầm mặc: “Xin quý ngài cho tôi được có thời giờ suy nghỉ kỹ về vấn đề trọng
đại này!” (trang 310).
Qua ngày 30 tháng 4, lại một cuộc tập họp
đông đảo khác tại phòng khánh tiết Toà Đô Chính Sài Gòn để triệt hạ hình Bảo Đại
và nghe Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn, Nhị Lang tường trình. Trình Minh Thế, Nguyễn Thành Phương và Nguyễn
Giác Ngộ xuất hiện, dân chúng hoan hô. Một
Hội Đồng Chỉ Đạo được thành lập, gồm có ba tướng giáo phái này, để bao trùm lên
Uỷ Ban Cách Mạng, theo lời đề nghị đầy tham vọng của Nguyễn Thành Phương. Khi sáu nhân vật vừa kể lập một phái đoàn vào
Dinh Độc Lập lúc 6 giờ chiều, để thông báo cho Thủ Tướng thì họ thấy lối 50 sĩ
quan Quân Đội Quốc Gia có mặt ở tầng dưới và hai tướng Nguyễn Văn Vỹ và Lê Văn
Tỵ trong phòng khách nhỏ ở tầng trên.
Trong hối ký “Việt Nam Nhân Chứng”
(nxb Xuân Thu, 1989), Trân Văn Đôn kể lại: Trưa 29.4.1955, Vỹ và Đôn đến nhà tướng
Tỵ yêu cầu trao quyền cho Vỹ theo sắc lệnh của Bảo Đại, ông Tỵ trả lời: “Tôi sẵn
sàng nếu Thủ Tướng ra lệnh”. Tất cả đồng ý vào gặp Thủ Tướng. Chỉ có Đổ Cao Trí đòi ở lại: “Các anh vô đi.
Nếu có gì xảy ra, tôi đến vây Dinh Độc Lập.”
Một bi kịch bất ngờ xảy ra làm đảo
lộn lịch sử Đất nước: Với sự chấp thuận của Trình Minh Thế và Nguyễn
Thành Phương, Nhị Lang lặng lẽ đột nhập vào phòng khách, chĩa thẳng khẩu súng
Colt 45 vào người tướng Vỹ, hô to: “Giơ tay lên, không tôi bắn!”. Vỹ hoảng hốt
giơ tay khỏi đầu. Tướng Tỵ liều mạng chạy lại ôm lấy Nhị Lang nhưng bị gạt
ra. Nhị Lang gọi Hồ Hán Sơn, chỉ về phiá
Vỹ: “Hãy bóc ga lông của ông này cho tôi!”, Sơn
làm ngay. Phóng viên Francois
Sully chụp được tấm hình và cho đăng vào báo Life, số phát hành tháng
7.1955. Bộ trưởng Trần Trung Dung cấp
báo với Thủ Tướng: “Cụ! Cụ! Chúng nó đang định bắt giết ông Vỹ!”. Thủ Tướng Diệm
vội ra kéo Vỹ vào phòng. Cố Vấn Nhu chạy đến can gián Nhị Lang: “Thôi đừng nóng,
mấy ông Tướng đang họp bàn với Cụ”
Trả lời người viết, Nhị Lang cho biết những
diễn tiến sau đó: Trong một buổi họp liền tiếp theo giữa Thủ Tướng Diệm, Nhị Lang, Hồ
Hán Sơn và hai tướng Vỹ, Tỵ trong phòng ngủ (vừa dùng làm văn phòng) của ông Diệm,
Tướng Vỹ cuối cùng – để được tự do – chịu ký một tuyên ngôn ngắn “tự nguyện từ
bỏ hết mọi quyền hành chức chưởng do Bảo Đại ban cho và tự nguyện gia nhập hàng
ngũ Cách Mạng” (nguyên văn). Ngoài ra, lấy
lại được chức Tham Mưu Trưởng, Tướng Tỵ cũng bảo đảm “Vỹ sẽ không làm phản”. Trong suốt phiên họp, Đổ Cao Trí và hai Tiểu
Đoàn Ngự Lâm Quân bao Dinh Độc Lập để gây áp lực, không ngớt kêu vào xin nói
chuyện với Vỹ. Rốt cuộc, họ êm thấm rút
lui vì bị kềm kẹp giữa hai đối thủ, phía trước là toán binh phòng vệ Dinh Độc Lập
của Đại Tá Vinh, phía sau là các đơn vị Cao Đài của Nguyễn Thành Phương bố trí
tại đường Trần Quý Cáp và Liên Minh của Trình Minh Thế phục kích ở đường Phan Đình Phùng.
Ngày hôm sau, theo Trần Văn Đôn trong hồi ký, Tướng Vỹ họp báo cho biết
Quân Đội sẽ đảo chính vì Thủ Tướng Diệm bị Thế, Toàn và Nhị Lang lấn quyền. Các sĩ quan nhóm, có mặt Nguyễn Hữu Có, Dương
Văn Đức, Trần Văn Đôn...vv... Lê Văn Tỵ hỏi:
- Các anh làm gì đó?
Vỹ đáp:
- Tôi đảo chính!.
Tỵ:
- Anh lấy gì để đảo chính?
Vỹ:
- Quân Đội.
Tướng Tỵ lột sao của mình bỏ xuống
bàn:
- “Tôi lột lon trao cho anh đây.
Tôi không theo anh đâu!”
Nguyễn Văn Vỹ và Nguyễn Tuyên bay
lên Đà Lạt, từ đó qua Cao Miên rồi sang Pháp sống lưu vong. Điểm đáng lưu ý là trong quyển “Le Dragon
d’Annam”, Bảo Đại rất vắn tắt, không kể lại những chi tiết trên đây, chỉ ghi rằng
ông đồng ý cho Tướng Vỹ đảo chính Thủ Tướng Diệm và phủ nhận tính cách hợp pháp
của Hội Nghị Toàn Dân ngày 29 tháng 4-1955.
..............
Ngô Đình Diệm có sẳn sàng truất
phế Bảo Đại hay không?
Đa số các tác giả trả lời:
Không. Trừ Đổ Mậu (“VN Máu Lửa Quê Hương
Tôi”, nxb Hoa kỳ 1986). Tất cả những ai
từng tiếp xúc với ông Diệm đều nhận xét ông luôn luôn giữ thái độ khiêm cung
thành tín, khi nói đến các vua chúa triều Nguyễn, kể luôn Bảo Đại, mà ông không
bao giờ phê bình thiếu lễ độ. Người viết
còn nhớ, sau 1956, khi ban Sắc Lệnh cải tổ hành chính, Tổng Thống Diệm đặt trọng
tâm vẽ lại bản đồ các tỉnh Miền Nam (thay đổi ranh giới, đặt tên mới, tổ chức
quy chế xã, quận và đô thị..vv..) nhưng
giữ nguyên các cơ chế tại Miền Trung do các vua chúa đặt ra, vì cho rằng tổ chức này không cần canh
tân. Khi Bộ Nội Vụ, do người viết phụ
trách, làm thủ tục tịch thu tài sản của Cựu Hoàng, Tổng thống ra lệnh nới tay, giúp Đức Từ Cung có phương tiện sinh
sống đầy đủ và chỉ thị cho các Tỉnh Trưởng trùng tu lăng tẩm của những đấng Tiên Đế.
Chính Nhị Lang thường xác nhận nhiều lần với người viết rằng, Thủ Tướng
Diệm không hiện diện khi Hội Đồng Cách Mạng lấy quyết định truất phế Bảo Đại,
ông Diệm tỏ vẻ không thoải mái nhận quyền ủy nhiệm của Hội Đồng và không ngờ mọi
việc diễn tiến ngoài mọi dự tính như vậy.
Nhị Lang viết trong hồi ký: “Cái Uỷ Ban Chỉ Đạo do sáng kiến của Nguyễn
Thành Phương đã gieo nghi ngờ trong lòng Thủ Tướng Chính Phủ, càng ngày càng ác
cảm với Tướng Phương và đưa Phương đến chỗ suy bại”. Để kềm hãm những thành phần “cách mạng quá
khích”, ông Nhu gài những cán bộ thân tín như Hà Huy Liêm, Văn Ngọc, Nguyễn Hữu
Khai và Hùynh Minh Ý vào Hội Đồng để gây lục đục. Mặt khác, Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh
Thành và Tướng Nguyễn Ngọc Lễ, Tổng Gíam Đốc
Cảnh Sát- Công An, áp dụng nhiều biện pháp tạo khó dễ.
Trong “Việt Nam Nhân Chứng”, trang 133,
Trần Văn Đôn viết: Theo ông Nhu kể lại, trước ngày trưng cầu dân ý, Thủ Tướng
Diệm tự tay viết một là thư dài giải thích tình hình và mời Bảo Đại về nước
lãnh đạo, nhưng Cựu Hoàng đòi một triệu
mỹ kim. Trong “Le Dragon D’Annam”, trang
342, Bảo Đại cho biết ông không đồng ý lập một Chính Phủ lưu vong, không chịu
«dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới» và phủ nhận chính sách Ngô Đình Diệm. Cựu Chủ Tịch Quốc Hội Trương Vĩnh Lễ nhận xét
nơi trang 30 của hồi ký “VN, Où est la Vérité? ” (nxb Lavauzelle, Paris 1989): Trên phiếu, dân chúng có thể chọn trả
lời một trong hai câu hỏi :
1) Tôi truất phế Bảo Đại và chọn
Ngô Đình Diệm như Tổng Thống VN với sứ mạng lập một thể chế Cộng Hoà hay
2) Tôi không truất phế Bảo Đại và không
công nhận Ngô Đình Diệm như Tổng Thống để
thành lập thể chế Cộng Hoà. Kết quả: ông
Diệm thắng 98.2%. Tỷ lệ này có vẻ không
hoàn toàn trung thực, dù quần chúng mến mộ nhiệt tình ông Diệm lúc đó.
Bầu Quốc Hội Lập Hiến (tháng
3.1956) và ban hành Hiến Pháp Đệ Nhất Cộng
Hoà (ngày 26.10.1956).
Quốc Hội Lập Hiến gồm có 134 Dân Biểu thuộc bốn đảng thân Chính Phủ, không có đối lập. Uỷ Ban soạn thảo Hiến Pháp gồm có Trần Văn Lắm
(Chủ Tịch), Trần Chánh Thành, Trần Trung Dung, Vũ Quốc Thông và Trương Vĩnh Lễ. Hiến Pháp phỏng theo các Hiến Pháp Hoa Kỳ và
Pháp. Phủ Tổng Thống đề nghị tu chính một
số điều khoản, Quốc Hội chấp thuận. Việt
Nam là một nước Cộng Hoà theo thể chế độc
viện, có một Tổng Thống và Phó Tổng Thống cử theo lối phổ thông đầu phiếu. Hiến Pháp không chấp nhận một người có thể nắm
giữ hai chức Hành Pháp và Lập Pháp.
Không có điều khoản nào cho phép truất phế, impeach, khi Tổng Thống phạm trọng tội. Ngày 26.10.1956 ban hành Hiến Pháp
được chọn làm Ngày Quốc Khánh. Trần
Văn Lắm và Vũ Quốc Thông là Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch đầu tiên của Quốc Hội.
Uy quyền của Tổng Thống Ngô Đình
Diệm mỗi ngày thêm vững, ít nữa cho đến cuối 1960. Ngày 20.7.1955, Chính Phủ Diệm tuyên bố không
chấp nhận chuẩn bị Tổng Tuyển Cử qui định bởi Hiệp Ước Genève. Với sự cộng tác của Bộ Nội Vụ do người viết
phụ trách, Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng tổ chức một cuộc biểu tình vĩ đại để đuổi về Bắc Phái Đoàn Văn Tiến Dũng trong Uỷ Hội
Quốc tế Kiểm Soát Đình Chiến (gồm có Ba Lan và Ấn độ). Văn phòng đại diện CS đặt
tại khách sạn Majestic, Bến Bạch Đằng.
Majestic bị phóng hoả, gây thiệt hại trên 5 triệu bạc, cũng như một
khách sạn khác mang tên Galliéni ở đường Trần Hưng Đạo. Văn Tiến Dũng và các đồng chí thoát thân về
trại của chúng ở Gia Định, bên cạnh nhà thương Nguyễn Văn Học. Nhiều ngày liên
tiếp, đồng bào di cư, sinh viên, học sinh cô lập họ bằng những lời chửi rủa thậm
tệ. Điện, nước, lương thực bị cúp hoàn toàn.
Cuối cùng Uỷ Hội liên lạc với Chính Phủ xin bảo
đảm cho Phái Đoàn Bắc Việt rời Sài Gòn.
Tổng Nha Cảnh Sát / Công An cho
những chiếc xe nhà binh bít bùng chở chúng lúc trời hừng sáng đến Tân
Sơn Nhứt dưới tiếng hô đả đảo vang dậy của quần chúng. Tác giả bài này đích thân đến phi trường kiểm
soát mọi thủ tục. Vào lúc máy bay Uỷ Hội sắp cất cánh, một sĩ quan CS hốc hác,
đầu đội nón cối, không mang phù hiệu, bước đến chào người viết theo lối nhà binh,
tự xưng là Thiếu Tá Văn Tiến Dũng (Cấp bậc sau nầy là Đại Tướng). Y tỏ lời cám
ơn Uỷ Hội đã giúp Phái Đoàn Bắc Việt rời Sài Gòn ra đi được an toàn trong trật
tự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét