a- Định hình các
tổ chức, đảng phái và lực lượng chính trị.
Đây là việc vô cùng quan trọng, và cần
có thời gian để thực hiện. Chúng ta có một số đảng phái, tổ chức chính trị ở hải
ngoại, khi chuyển tiếp về trong nước, cũng phải mất một thời gian để người dân
làm quen và lựa chọn. Những tổ chức ở trong nước cũng bắt đầu được thành lập và
vận động người dân tham gia. Thời gian 2-3 năm không phải là nhiều, nhưng cũng
đủ để các tổ chức đảng phái định hình và bước vào hoạt động được.
b- Xây dựng dự thảo
hiến pháp dân chủ để xin ý kiến nhân dân.
Đây là việc làm bắt buộc với bất cứ
quốc gia nào bắt tay xây dựng thể chế dân chủ. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của
một quốc gia, nhưng chúng ta cần một cách nhìn thoáng hơn về vấn đề này. Chúng
ta chỉ nên nêu những vấn đề quan trọng nhất trong việc định hình quốc gia, các
nội dung quan trọng nhất. Về hiến pháp mới của Việt Nam, tôi nghiêng về tinh thần
xây dựng hiến pháp của Tập hợp dân chủ đa nguyên, nhưng cần có thêm hai nội
dung quan trọng: Đạo luật về xây dựng Tòa án Nhân quyền các cấp và Đạo luật về
việc bắt buộc trang bị kiến thức cho người dân về tự do, dân chủ và phương thức
xây dựng thể chế dân chủ.
c- Thành lập Ủy
ban Hòa giải quốc gia.
Đây là nội dung rất quan trọng, không thể thiếu được đối
với đất nước chúng ta. Trong một thế kỷ qua, chúng ta đã quá chia rẽ và hận
thù, cũng như xung đột liên miên. Chúng ta cần một Ủy ban để hóa giải hận thù,
để phân biệt đúng sai và cuối cùng, để kéo mọi người lại gần nhau hơn, chung
tay xây dựng đất nước. Ủy ban Hòa giải cần thực hiện những công việc gì?
+ Xây dựng được hệ
thống giá trị quy chuẩn, dựa vào việc tham khảo hệ thống các giá trị của quốc tế,
để từ hệ thống quy chuẩn đó, đánh giá lại toàn bộ lịch sử Việt Nam, trước mắt
là từ cuối thế kỷ XIX đến nay. Những gì là đúng, là sai, là công, là tội cần được
minh bạch, rõ ràng đối với các lực lượng chính trị xã hội, đối với các cá nhân
có dấu ấn trong lịch sử nước nhà. Đây là việc rất quan trọng mà phần lớn các nước
thoát khỏi họa Cộng sản đã không thực hiện. Điều này đặc biết quan trọng với Việt
Nam bởi vì một di sản vô cùng tai hại mà Cộng sản Việt Nam đã để lại, đó là mọi
giá trị trong cuộc sống đều bị đảo lộn, khiến cho người dân không thể nhận thức
được những gì là đúng, là sai, là công, là tội…
+ Tập hợp toàn bộ
các hồ sơ, các khiếu nại, tố cáo về sự oan sai của tất cả người dân từ khi đảng
Cộng sản xuất hiện tới khi sụp đổ. Cần phân chia thành các thể loại khác nhau để
có hướng xử lý. Đây cũng là công việc bắt buộc nếu chúng ta muốn chia tay quá
khứ để cùng bắt tay xây dựng tương lai. Việc xử lý dựa trên tinh thần công khai
thừa nhận sự oan sai, khôi phục, phục hồi danh dự, phẩm giá của các nạn nhân. Nếu
điều kiện kinh tế cho phép, sẽ có sự đền bù một phần cho nạn nhân.
+ Xác định tinh
thần chủ đạo trong việc xử lý những người có trách nhiệm của chế độ CSVN. Đây
là việc rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Nhưng theo quan điểm của cá nhân
tôi, khi đã có Ủy ban hòa giải thì mọi việc phải được thực hiện bài bản, công
khai, minh bạch. Tinh thần chung là học tập cách xử lý của các nước đi trước
thoát khỏi họa Cộng sản, đồng thời không làm ảnh hưởng tới công cuộc xây dựng thể chế dân chủ trong
tương lai. Nhưng dù có làm cách nào, có lẽ theo tôi, vẫn cần có một sự sám hối
tập thể của những người đã cố ý hoặc vô tình đày đọa nhân dân và dân tộc.
2/ Những nội dung
cần chú trọng, nhấn mạnh và đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng thể chế
dân chủ tự do
a/ Nội dung cần
chú trọng:
Xây dựng nhà nước liên bang. Đây là một điều kiện, một cơ chế bắt buộc
của thế chế dân chủ. Cơ chế tản quyền, giúp cho mọi vùng, miền có các đặc thù
riêng biệt có thể phát triển và phát huy hết các lợi thế so sánh của mình. Đồng
thời tránh được những xung đột đảng phái trên quy mô quốc gia. Điều kỳ lạ là
phúc lợi của cơ chế tản quyền, của chế độ liên bang rất lớn và việc thực hiện
nó rất quan trọng đối với thể chế dân chủ tự do nhưng có rất nhiều quốc gia trên
thế giới đã bỏ qua. Chúng ta thấy, có các quốc gia dân chủ lâu năm như Pháp, quốc
gia có thể chế dân chủ khá lâu như Thái Lan, các quốc gia mới có thể chế dân chủ
như Ai Cập, Ucraina….đều bỏ qua định chế quan trọng này. Những quốc gia này đều
có những bất ổn và khiếm khuyết trong cấu trúc dân chủ. Đặc biệt hơn cả, chúng
ta thấy, Thái Lan là một ví dụ điển hình về thất bại của nền dân chủ liên quan
trực tiếp tới việc bỏ qua cơ chế tản quyền, chế độ liên bang. Những quốc gia vừa
đề cập, nếu chuyển sang chế độ liên bang, sẽ giải quyết cơ bản các bất ổn hiện
nay.
Trên cơ sở nhận
thức về lý luận, sự cần thiết của cơ chế tản quyền, của chế độ liên bang, đồng
thời rút kinh nghiệm của các quốc gia bỏ qua yếu tố quan trọng này, chúng ta cần
thống nhất, nhà nước của Việt Nam tương lai là nhà nước liên bang.
b/ Nội dung cần
nhấn mạnh:
Tòa án Nhân quyền. Chúng ta đã đề cập tới nhiều lần, về việc Tòa án
Nhân quyền, cơ chế để người dân thực hiện việc bảo vệ các quyền con người của
mình là cơ chế hạt nhân, quan trọng nhất của thể chế dân chủ tự do, của cấu
trúc tự hoàn thiện. Nhưng việc cần nhấn mạnh cơ chế này cũng là bởi, nếu thực
hiện, chúng ta là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện việc này. Vậy nên, tính
chất quan trọng là việc mở đường của sự thành công hay thất bại của một cách tiếp
cận mới trong xây dựng thể chế dân chủ. Chúng ta thực hiện thành công cơ chế
này, nội dung này, thể chế dân chủ của chúng ta sẽ là hình mẫu trong tương lai
cho các nước khác học tập theo.
c/ Nội dung cần đặc
biệt quan tâm:
Trang bị kiến thức về tự do, dân chủ và phương thức xây dựng thể
chế dân chủ cho người dân. Xét đến cùng, một cơ chế, một thể chế muốn thành
công phải dựa vào sự tham gia, đóng góp, thực hiện và thực thi của người dân.
Nhưng người dân chỉ có thể tham gia khi họ nhận thức được các vấn đề, nội dung
mình tham gia để đem lại lợi ích cho chính bản thân mình. Khi chúng ta trang bị
các kiến thức này cho người dân, chúng ta không cần phải lo lắng, lo ngại nhiều
về thể chế dân chủ của mình. Bởi vì, khi người dân biết được các quyền (lợi) của
mình, biết cách thức xây dựng thể chế dân chủ đem lại quyền lợi đó, và cuối
cùng, biết cách để bảo vệ các quyền con người của mình thì mặc nhiên, đất nước
sẽ có một thể chế dân chủ tự do thực sự, tiệm cận sự hoàn hảo. Xét cho cùng,
các quốc gia chưa có được tự do thực sự cho người dân, cũng là bởi người dân
chưa biết được: tự do là gì?
***
Chúng ta có tương
lai, chúng ta có những con người quan tâm tới việc xây dựng thể chế dân chủ trong
tương lai, điều chúng ta cần là sự đoàn kết và quyết tâm. Tôi tin rằng, lịch sử
sẽ lựa chọn dân tộc nhiều đau thương và bất hạnh này (Việt Nam) để làm được điều
gì đó cho nhân loại. Vậy chúng ta có tự tin để nắm tay nhau xây dựng thành công
một thể chế dân chủ nâng đỡ và tôn vinh con người hay không? Hãy nắm tay nhau
chung xây giấc mộng Việt Nam!./.
Hà Nội, ngày 24/7/2017
N.V.B
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét