Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Các gương mặt tù nhân lương tâm là nữ ở Việt Nam

 Một số nữ tù nhân lương tâm của Việt Nam. Từ trái quá phải, Lê Thị Công Nhân và Trần Thị Nga (hàng trên); Tạ Phong Tần và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (hàng dưới).




Nhân sự kiện hai nhà hoạt động, bà Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị nhà chức trách ở Việt Nam tuyên án tù vì tội chống nhà nước, các bạn xem lại chân dung một số bị cáo là phụ nữ nổi bật những năm qua trong các vụ chính trị.

Ngày 29/6, Blogger Mẹ Nấm (Mother Mushroom) lĩnh án 10 năm tù. Sang ngày 25/7, bà Trần Thị Nga (được biết đến qua tên Thúy Nga) cũng vừa bị kết án 9 năm tù, năm năm quản chế. Giới vận động và các tổ chức nhân quyền coi họ là những người hoạt động vì môi trường, chống Formosa và Trung Quốc, thuộc nhóm tù nhân lương tâm.

Còn nhà chức trách coi là đã phạm tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo Điều 88 Bộ luật hình sự.

Tương tự như vậy, một số người phụ nữ khác đã từng bị xử hoặc còn bị tù ở Việt Nam. Cách nhìn nhận họ vẫn là điểm khác biệt chính giữa chính quyền Việt Nam và dư luận, chính giới các nước Phương Tây.


1. Tạ Phong Tần

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế phát động cuộc vận động khẩn cấp vì tình trạng của tù nhân lương tâm blogger Tạ Phong Tần tháng 6/2015

Sinh năm 1968 tại Bạc Liêu, Tạ Phong Tần từng là một nữ sĩ quan công an, đảng viên Đảng Cộng sản. Bà cũng từng viết bài cho nhiều báo lề phải như Tuổi trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet, Pháp luật TP Hồ Chí Minh…

Năm 2006, bà Tạ Phong Tần bắt đầu một blog có tiêu đề "Công lý và Sự thật", được biết đến nhờ những báo cáo về các vụ tham nhũng của công an.

Bà bị đuổi khỏi Đảng Cộng sản, mất việc, và bị bắt vào năm tháng 9 năm 2011.

Các mạng trong và ngoài nước cũng nêu tin về vụ "tự thiêu" vào tháng 7/2012 của bà Đặng Thị Kim Liên, mẹ của Tạ Phong Tân, ở Bạc Liêu để phản đối con gái bà bị bắt.

Sau một năm tạm giam, ngày 24/09 năm 2012, bà Tạ Phong Tần đã bị kết án 10 năm tù giam cùng trong một phiên tòa xét xử 2 blogger khác là Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và Phan Thanh Hải.

Ngày 8/3/2013, nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói Ngoại trưởng John Kerry cùng Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama trao giải cho 10 phụ nữ dũng cảm đặc biệt trên thế giới, trong số đó có bà Tạ Phong Tần.

2. Trần Khải Thanh Thủy

Bà Trần Khải Thanh Thủy bị kết án ba năm rưỡi tù giam với tội danh 'hành hung người khác' trong vụ 'va chạm giao thông' hồi năm 2009.

Bà Thủy sinh năm 1960 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm. Sau khi thôi làm giáo viên, bà chuyển sang viết báo và sách về nhân quyền và dân chủ.

Tháng 2/2007 bà được tổ chức Nhân Quyền Human Rights Watch tặng Giải Hellmann/Hammett cho những người viết về đấu tranh chính trị.

Ngày 21/01 năm 2007, bà Thủy bị Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hà Nội bắt khẩn cấp vì tội "tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Ngày 5/2/2010, trong một sự việc liên quan đến chồng bà là ông Đỗ Bá Tân ở ngõ chợ Khâm Thiên, bà Thủy bị xử 3 năm rưỡi tù vì tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.

Sau 21 tháng tù, tức là vào khoảng giữa năm 2011, bà được thả và được đưa sang định cư ở Mỹ, sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gây sức ép đòi thả tự do cho bà.

3. Cấn Thị Thêu

 Bà Cấn Thị Thêu (áo trắng, giữa) tham gia cuộc tuần hành vì môi trường ở Hà Nội hôm 01/05/2016

Bà Cấn Thị Thêu có thể được coi là linh hồn trong cuộc đấu tranh chống cướp đất của nhân dân Dương Nội.

Sau vụ cưỡng chế đất vào tháng Tư năm 2014 tại Dương Nội, bà bị bắt và bị kết án 15 tháng tù.

Sau khi mãn án, bà Thêu tiếp tục đi đòi quyền lợi đất đai cho gia đình và những người cùng cảnh ngộ.

Không chỉ hoạt động cho quyền lợi của những nông dân bị cướp đất, bà Thêu còn tham gia vào những hoạt động đấu tranh cho quyền con người, chống Trung Quốc xâm lược hay phản đối Formosa.

Bà bị bắt lại vào ngày 10 tháng 6 năm 2016 với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng", và sau đó bị kết án 20 tháng tù khi đã ở trong tù.

4. Nguyễn Thị Minh Thúy

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy và blogger Nguyễn Hữu Vinh (trái) tại phiên tòa xét xử - AFP

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy sinh năm 1980, là một cộng sự của ông Nguyễn Hữu Vinh, người phụ trách trang mạng AnhBaSam chuyên về thời sự Việt Nam.

Được biết, ngoài trang BaSam, bà Thúy và ông Vinh còn phụ trách các trang khác như Dân Quyền và Chép Sử Việt.

Cả hai người bị Bộ Công an bắt khẩn cấp vào ngày 5/5/2014 với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước".

Ông Nguyễn Hữu Vinh (60 tuổi) bị phạt 5 năm tù, còn bà Thúy bị phạt 3 năm tù.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy đã được trả tự do khỏi nhà tù số 5 Thanh Hóa vào sáng ngày 5/5/2017.

5. Nguyễn Đặng Minh Mẫn

Nguyễn Đặng Minh Mẫn (nữ), cùng với gia đình và các bị cáo khác từ Nghệ An. Cô bị án nặng nhất trong nhóm: 9 năm, 3 năm quản chế sau khi mãn hạn tù.

Là một trong những nữ tù nhân lương tâm trẻ nhất, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn năm 1985, trú tại phường 7, thành phố Trà Vinh.

Vào năm 2010, Nguyễn Đặng Minh Mẫn lúc đó 25 tuổi tham gia chụp ảnh và chia sẻ hình ảnh biểu tình và các biểu ngữ Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Vì các hoạt động, Minh Mẫn cùng mẹ ruột và anh trai đều bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ vào cuối tháng 7 năm 2011 với cáo buộc lật đổ chính quyền với án 8 năm tù.

Hiện nay, Nguyễn Đặng Minh Mẫn đang bị giam ở trại giam số 5 tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2016, Nhóm Làm việc về xét xử và bắt giữ thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNWGAD) ghi nhận và bày tỏ sự quan ngại về tình trạng thể chất và sức khỏe tâm thần của Nguyễn Đặng Minh Mẫn, đồng thời kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội tuân thủ Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết.

6. Lê Thị Công Nhân

Bà Công Nhân hồi 2007 bị kết án tù ba năm, kèm theo lệnh quản chế tại gia ba năm sau khi mãn hạn tù, với tội danh Tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Lê Thị Công Nhân sinh năm 1979 tại tỉnh Tiền Giang và là nhà vận động cho quyền của người lao động, và kêu gọi thế giới hỗ trợ nghiệp đoàn độc lập Việt Nam.

Xuất thân trong một gia đình công nhân viên chức và tốt nghiệp Đại học Luật, bà Công Nhân từng làm việc tại Văn phòng Đoàn Luật sư Hà Nội và văn phòng Luật sư Thiên Ân.

Bà là một thành viên của Nhóm 8406, tổ chức chính trị, kêu gọi dân chủ đa nguyên tại Việt Nam và bị tạm giam và kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2007.

Cáo trạng nói bà Lê Thị Công Nhân đã "tuyên truyền chống Nhà nước", và Nhà nước xóa tên bà khỏi danh sách Đoàn Luật sư Hà Nội.

Hiện đã mãn hạn tù, bà tiếp tục bị quản chế tại gia ở Hà Nội.

Gần đây có tin bà Thị Công Nhân tiếp tục bị Công an Hà Nội thẩm vấn với lý do vi phạm lệnh quản chế.

7. Trần Thị Thúy

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) kêu gọi hành động khẩn cấp cho trường hợp của tù nhân Trần Thị Thúy ở Việt Nam.

Bà Trần Thị Thúy là một Phật tử Hòa Hảo đang thụ án tù 8 năm sau khi bị kết án "có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự.

Bà bị bắt giữ hồi tháng Tám năm 2010 và đang bị giam giữ tại trại An Phước, tỉnh Bình Dương.

Mang bệnh nan y trong người, bà cần được điều trị, và tình trạng của bà hiện nay được Ân xá Quốc tế (Amnesty International, London) kêu gọi cần được trợ giúp khẩn cấp.

Vụ xử bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người là mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế-Getty Imagges

Ngoài các tù nhân lương tâm là nữ giới kể trên, còn có một số phụ nữ khác hiện bị tù, đó là Mai Thị Dung, Phạm Thanh Nghiên, Hồ Thị Bích Khương, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh.

Trong những dịp quốc tế Phụ nữ hàng năm, một số cá nhân, thân hữu và hội đoàn không được Nhà nước công nhận đến nhà thăm viếng và tặng hoa cho các gia đình nữ tù nhân lương tâm.

Quan điểm chính thống của Việt Nam coi họ là những người "vi phạm pháp luật" và phải bị xét xử.

Chẳng hạn như về vụ xử bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói phiên tòa hôm 29/06/2017 "diễn ra công khai, đúng theo các quy định của pháp luật Việt Nam".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét