Bà Olive Yang (giữa, hàng đầu, tay cầm điếu thuốc) cùng một
nhóm dân quân chụp hình vào những năm 1950. (Hình: Gia đình Yang cung cấp cho
báo chí)
MUSE – Bà Olive Yang nữ thủ lãnh một nhóm dân quân phiến loạn
thiểu số ở Myanmar (Miến Ðiện), nhân vật của khu Tam Giác Vàng từng được CIA bí
mật trợ giúp tương tự như Tướng Vang Pao ở Lào, đã qua đời tuần trước tại thành
phố Muse gần biên giới Trung Quốc, tờ The New York Times loan tin.
Kể từ khi Miến Ðiện được Anh trao trả độc lập năm 1948, nội
chiến không ngừng giữa chính quyền trung ương Miến Ðiện với các bộ tộc thiểu số
ở vùng rừng núi miền Bắc, vì nhiều nguyên nhân chính trị, xã hội và tôn giáo.
Bà Olive Yang, tên chính thức Yang Kyin Hsiu, là một trong
11 người con thuộc gia đình tộc trưởng của nhóm dân thiểu số gốc Hoa ở khu bán
tự trị Kokang tiểu bang Shan, miền Bắc Miến Ðiện.
Từ nhỏ Yang đã tỏ ra có nam tính, không chịu bó chân như mọi
phụ nữ gốc người Hoa, thích ăn mặc như con trai. Lúc 25 tuổi, Yang đã trở thành
chỉ huy trưởng một nhóm gần 1,000 dân quân phiến loạn, luôn luôn đeo bên hông
hai khẩu súng lục do Bỉ chế tạo.
Ðó là thời gian Cộng Sản Trung Quốc chiếm được toàn thể lục
địa và một số tàn quân Quốc Dân Ðảng không chạy được về Ðài Loan đã tràn qua
Ðông Dương hay Miến Ðiện.
Quân Quốc Dân Ðảng chạy sang Miến Ðiện hãy còn là những đơn
vị tương đối đầy đủ hơn, có thể tổ chức lại và bổ xung lực lượng bằng số tuyển
mộ thêm ở các bộ tộc thiểu số địa phương với sự trợ lực của các sứ quân như
Olive Yang.
Cuối năm 1951, lực lượng Trung Hoa Quốc Dân Ðảng ở Miến Ðiện
có khoảng 6,000 quân, hy vọng có thể mở chiến dịch tái giải phóng Vân Nam.
Nhưng sau hai lần tấn công về nước đều thất bại, tướng chỉ huy trưởng Li Mi
thay đổi chiến lược với sự cố vấn của người Mỹ, nhắm trọng tâm vào việc lập
phòng tuyến ngăn chặn Hồng quân Trung Quốc tiến xuống trợ lực cho quân giải
phóng nhân dân (Cộng Sản Miến Ðiện). Lúc này Quốc Dân Ðảng đã tổ chức được một
hệ thống sản xuất và buôn bán thuốc phiện, có cơ sở ở khu Tam Giác Vàng để chuyển
tới các thị trường tiêu thụ ma túy từ Ðông Dương, Á Châu đến Âu Châu, Mỹ Châu.
Cảnh sát biên phòng Thái Lan tuần tra trên sông Mekong, đoạn
gần ranh giới giữa ba nước Myanmar, Thái Lan, Lào, vùng được quen biết với tên
“Tam Giác Vàng.” (Hình: Getty Images)
Dưới triều đại nhà Thanh, cây thuốc phiện được các bộ tộc
thiểu số trồng ở miền đồi núi tỉnh Vân Nam. Từ thập niên 1930 khi chính quyền
Trung Hoa Dân Quốc cấm, việc trồng thuốc phiện phát triển qua khu vực Kokang và
vùng cao nguyên miền Bắc Miến Ðiện.
Trong tình thế cuộc Chiến Tranh Lạnh, bằng chiến dịch mang mật
danh là “Operation Paper” CIA bí mật trợ giúp cho mạng lưới sản xuất và vận
chuyển ma túy của những nhóm của bà Olive Yang ở Kokang cũng như ở của Tướng
Vang Pao ở Lào. Không phải tất cả các nhóm phiến loạn ở Miến Ðiện đều dính dáng
đến ma túy, nhưng các dân quân của Olive Yang dùng lừa và xe vận tải bí mật chở
ma túy qua biên giới Thái Lan và tiền thu được trong công tác kinh tài này sử dụng
để mua vũ khí.
Năm 1952, chính quyền Miến Ðiện khiếu nại trước Hội Ðồng Bảo
An Liên Hiệp Quốc, đệ nạp hình ảnh và tài liệu cho thấy dân quân của Olive Yang
đưa thuốc phiện qua biên giới đến một phi trường ở miền Bắc Thái Lan. Tại đây
các máy bay C-46 và C-47 của CAT (Civil Air Transport, hãng hàng không do CIA
điều hành), không sơn cờ và dấu hiệu, từ Ðài Loan đến chở theo vũ khí và nhận
ma túy đưa đi.
Năm 1959, người anh của Olive Yang bị nhà cầm quyền Miến Ðiện
bắt cóc cùng với nhiều thủ lãnh bộ tộc khác ở tiểu bang Shan, bà Yang nắm quyền
lãnh chúa vùng Kokang. Tới 1963, một năm sau khi Tướng Ne Win đảo chính rồi trở
thành nhà lãnh đạo độc tài trong suốt 28 năm kế đó, bà Olive Yang bị chặn bắt
khi đi trên xe cùng với người phụ tá Lo Hsing Han từ biên giới Thái Lan trở về.
Bà bị giam giữ tra tấn ở nhà tù Insein, thành phố Mandalay, cho tới 1968, với tội
danh trợ giúp quân đội Quốc Dân Ðảng Trung Hoa qua biên giới vào Miến Ðiện.
Ra tù, Olive Yang sống lặng lẽ trong nhiều năm ở một ngôi
nhà lớn mới xây dựng tại trung tâm Yangon, thành phố cảng lớn nhất Miến Ðiện.
Nhưng tới năm 1989, ở tuổi trên 60, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn uy tín trong
những dân thiểu số, Giám Ðốc Tình Báo Miến Ðiện Khin Nyunt yêu cầu bà và người
phụ tá cũ Lo Hsing Han trợ giúp đàm phán đạt một thỏa hiệp ngừng bắn với các
nhóm phiến loạn. Thỏa hiệp hòa bình được duy trì trong 20 năm cho đến 2009 và
sau đó tới 2015 xung đột tái phát dữ dội trở lại.
Trong đời sống riêng tư, bà Olive Yang lấy chồng năm 21 tuổi
nhưng ly dị hai năm sau và có một con trai duy nhất. Dư luận cho rằng bà là người
đồng tính, thể hiện qua mối quan hệ thân mật với nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng
đặc biệt là nữ diễn viên điện ảnh Miến Ðiện Wa Wa Win Shwe.
Năm 2002, ở tuổi 77, Olive Yang bị đột quỵ, phải ngồi trên
xe lăn. Trong những năm cuối cùng, bà trở về Kokang và từ trần ngày 13 Tháng Bảy,
2017, thọ 90 tuổi, tại thành phố Muse sau một cuộc đời từng tham gia trong ván
bài phức tạp thời Chiến Tranh Lạnh của CIA ở Châu Á. (HC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét