Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Quan hệ Việt Nam – Campuchia: Bài học quá khứ cho tương lai



 

Những câu hỏi được đặt ra cho những đường biên giới tưởng chừng đã rõ ràng và vĩnh viễn. Những tranh chấp ngoài khơi. Sự trỗi dậy của những thế lực dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Những xung đột xoay quanh các cộng đồng dân tộc thiểu số. Sự can thiệp của những nước lớn. Một chính phủ Việt Nam phải đứng trước lựa chọn hóc búa giữa việc gìn giữ hòa bình và thực hiện nghĩa vụ giữ vững an ninh của quốc gia và bảo vệ kiều bào.

Đây là những sự kiện đặc trưng của năm 1978, một năm đặc biệt khó khăn trong lịch sử cận đại của Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong năm đó, dưới sức ép của liên minh Trung Quốc – Khmer Đỏ, Việt Nam đã phải đưa quân vào giải phóng Campuchia khỏi tay của bè phái diệt chủng Pol Pot, mở đầu cho một thập kỷ mà Việt Nam bị cô lập về mọi mặt, phải phụ thuộc vào viện trợ của Hội đồng Tương trợ Kinh tế, phải đối phó với một cuộc xâm lược ở biên giới phía Bắc, và chịu tổn thất lớn về con người trên đất bạn.

Nhưng phải chăng có nguy cơ những từ khóa trên cũng có thể áp dụng được để miêu tả bối cảnh hiện tại và tương lai gần của bán đảo Đông Dương? Từ lúc hình thành đảng, nhiều thành viên trong Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) do Sam Rainsy đứng đầu đã khẳng định lập trường cực đoan của mình với những lời phát ngôn bài Việt Nam, cộng đồng Việt Nam tại Campuchia, và ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trong tháng 6 và đầu tháng 7 năm nay, một số thành viên của CNRP đã liên tục chỉ trích những nỗ lực đàm phán hoạch định biên giới Việt Nam – Campuchia là một quá trình lấn chiếm đất Campuchia bởi Chính phủ Việt Nam. Họ đã đẩy Thủ tướng Hun Sen vào thế khó, buộc ông phải yêu cầu Liên Hợp Quốc gửi cấp tốc các bản đồ từ thời Pháp thuộc để làm sáng tỏ cơ sở pháp lý của đường biên giới và chấm dứt sự “xúi giục” của những chính trị gia CNRP. Song song với những sự kiện này, trong khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thăm Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh đã dẫn một đoàn gồm 23 lãnh đạo cao cấp của cả ba nhánh quân đội tới Trung Quốc để trao đổi về hợp tác bảo vệ những “lợi ích cốt lõi” của nhau.

Hiện nay, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) vẫn đang cầm quyền và kiềm chế được một phần những thành phần cực đoan trong nước. Tuy nhiên, thế lực của CPP đã suy giảm mạnh sau cuộc tổng tuyển cử năm 2013, và nguy cơ họ sẽ bị đánh bại bởi CNRP và các đảng phái cực đoan khác trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm 2018 là hoàn toàn có thể. Nếu CNRP cầm quyền, một khả năng là căng thẳng song phương có thể leo thang nhanh chóng nếu họ tiếp tục các quan điểm chính sách như lâu nay, gợi nhớ lại thời kỳ những năm 1977-78. Tới khi đó, Việt Nam sẽ rất khó có cách đối phó. Với tư cách là một người nghiên cứu lịch sử, tôi muốn rút ra ba bài học lịch sử quan trọng cho chính sách Việt Nam hiện tại để ngăn ngừa nguy cơ lịch sử năm 1978 sẽ lặp lại năm 2018.

Bài học thứ nhất: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Khi quyết định đưa quân vào giải phóng Campuchia vào cuối năm 1978, Việt Nam chưa tính trước được hết những hậu quả bất lợi. Nhưng kể cả với hậu quả như vậy, chúng ta cũng phải hiểu rõ rằng tới lúc đó, với 19 sư đoàn Khmer Đỏ được huy động tới biên giới Tây Nam, xung đột ở biên giới phía Bắc và hàng vạn người gốc Việt tại Campuchia đối mặt với nạn diệt chủng, Việt Nam đã bị rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Vậy, có lẽ bài học đơn giản nhất nhưng cũng quan trọng nhất là chúng ta phải xác định sớm những nguy cơ nghiêm trọng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang trỗi dậy ở Campuchia, dù có thể giả danh là một đảng “Cộng sản” (như Khmer Đỏ) hay là “dân chủ” (như CNRP), và sớm tìm các biện pháp đối phó.

Bài học thứ hai: Chủ nghĩa dân tộc cực đoan là cây nhà lá vườn

Khi quân Khmer Đỏ tiến hành đánh vào biên giới Tây Nam một cách mạnh mẽ từ tháng 4 năm 1977, đó là một cú sốc cho các nhà hoạch định chính sách ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam. Phần lớn các lý thuyết về quan hệ quốc tế đều khó có thể diễn giải được nguyên nhân một nước nhỏ với quân đội yếu như Campuchia lại dám tấn công Việt Nam, một nước lớn mạnh hơn nhiều. Dựa trên logic của những lý thuyết về tương quan lực lượng, các nhà chính sách Việt Nam đã tin rằng phải có một cường quốc nào đó đứng sau kéo dây cho những hành động này của Chính phủ Khmer Đỏ – đó chính là Trung Quốc.

Kết luận này không hoàn toàn chính xác. Mặc dù Trung Quốc đã viện trợ đáng kể cho chính quyền Khmer Đỏ, nhưng họ đã khá thất bại trong công cuộc biến đồng tiền viện trợ thành ảnh hưởng chính trị. Quyết định tấn công Việt Nam là của bè phái Pol Pot – Ieng Sary đưa ra, dựa trên mong muốn là hồi phục lại cho Campuchia những vùng lãnh thổ đã bị mất đi trong quá trình suy thoái của Đế chế Angkor, và không đếm xỉa đến tương quan lực lượng chính vì họ ảo tưởng về tiềm năng của dân tộc. Họ đã dạy tướng sĩ rằng một lính Khmer có thể giết 30 lính Việt. Cho dù Trung Quốc cũng có đối chọi với Việt Nam, song cả Đặng Tiểu Bình, Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu đều đã nhiều lần cố gắng thuyết phục Pol Pot ngừng tấn công nước láng giềng, vì họ hiểu rõ rằng nếu tiếp tục chính sách đó sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Khmer Đỏ, kéo theo đó là sự suy giảm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Dương.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần hiểu rằng trong khi Trung Quốc có thể cố gắng sử dụng Campuchia để chia rẽ ASEAN và gây khó dễ về mặt chiến lược cho Việt Nam, bản chất vấn đề biên giới phía Tây Nam là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xuất phát từ nội bộ Campuchia, bị tác động một phần vì các hoạt động của Kiều bào Việt Nam ở Campuchia. Để giải quyết vấn đề này, xây dựng một sự hiểu biết với Trung Quốc là chưa đủ. Chúng ta phải đấu tranh tư tưởng để giành được trái tim và tâm trí của người dân Campuchia. Chúng ta cũng cần tập trung đấu tranh truyền thông và văn hóa, kết nối lại tình cảm đặc biệt giữa hai dân tộc, và tuyệt đối tôn trọng chủ quyền của Chính phủ nước bạn.

Bài học thứ ba: Ngòi bút mạnh hơn thanh gươm

Việc Việt Nam đưa quân vào giải phóng Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ diệt chủng tưởng chừng đã là một sự kiện được cả thế giới hoan nghênh. Trước khi đưa quân vào Campuchia, Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều đã đi thăm các nước Đông Nam Á, và đinh ninh là họ cũng đều lo sợ ảnh hưởng và ý đồ bành trướng của Trung Quốc vào Đông Nam Á và lên án Khmer Đỏ. Trong khi đó, phát ngôn của nhiều nước phương Tây, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, đã phê phán chế độ Khmer Đỏ diệt chủng. Thế nên sau khi quân ta đã tiến vào đất Campuchia, việc một loạt các nước phát triển như Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản, Pháp… ngừng hoặc đình chỉ viện trợ cho Việt Nam; ASEAN từ hợp tác lại đổi thành cấm vận Việt Nam và nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia; Mỹ đình chỉ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, tất cả dường như đều đã khiến các nhà hoạch định chính sách nước ta bất ngờ. Họ đã hiểu nhầm hoàn toàn dư luận của thế giới nói chung và khu vực nói riêng, không hiểu rằng trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh căng thẳng trở lại thì các nước (nhất là trong khu vực) đã chủ trương coi trọng sự ổn định an ninh khu vực hơn là công lý của việc lật đổ bè phái diệt chủng trong thời điểm đó. Vì không nắm rõ lập trường của thế giới trước khi hành động, Việt Nam đã bị cô lập rất nhiều năm.

Bối cảnh hiện nay có nhiều mặt tích cực hơn năm 1978. Quan hệ cạnh tranh đối đầu tay đôi chính giữa các cường quốc không còn là Mỹ-Nga mà là Mỹ-Trung. Vì vậy, Mỹ và các đồng minh sẽ dễ dàng nghiêng về phía Việt Nam hơn. Tuy nhiên, cũng phải để ý là trong tổng tuyển cử 2013 phía Mỹ đã ủng hộ CNRP vì cho là họ cầm ngọn cờ dân chủ. Cho dù hiện nay Mỹ vẫn đang cố gắng giữ ảnh hưởng ở cả hai phe phái (CPP và CNRP), vẫn chưa thể khẳng định Mỹ sẽ hướng về đâu nếu một tình huống như 1978 xảy ra. Hiện chúng ta vẫn chưa biết rõ toàn bộ lập trường của các nước khác trong ASEAN và khu vực, và chính kiến của họ có thể xoay chuyển khá nhanh tùy theo các yếu tố nội bộ và quốc tế. Như vậy thì trước khi đi một bước lớn nào, tốt nhất là nên nghiên cứu sâu và kỹ về những phản ứng của dư luận thế giới. Có lẽ các nhà hoạch định chính sách Việt Nam nên nói thẳng thắn về kế hoạch của mình với những nước quan trọng và đáng tin cậy hơn là kiểu nói bóng gió của Phan Hiền và Phạm Văn Đồng năm 1978.

Chúng ta có thể thấy, trong khi lý thuyết có nhiều mặt mạnh về khái quát, lịch sử cũng có thể cho ta nhiều bài học cụ thể về cách hiện tại và tương lai diễn ra. Ba bài học cơ bản trên tôi đã rút ra trong quá trình nghiên cứu lịch sử và tin là hữu ích cho chính sách đối ngoại hiện nay. Tuy không phủ nhận là bối cảnh hiện nay có nhiều khác biệt so với cuối thập kỷ 1970, nhưng tôi tin rằng có nhiều điểm giống nhau đủ để các nhà hoạch địch chính sách Việt Nam nên đánh giá nghiêm túc những kinh nghiệm của lớp ngoại giao đi trước, nhằm tránh vướng phải những sai lầm họ từng mắc, và để năm 1978 sẽ không tự lặp lại năm 2018.

 ***

Vũ Minh Hoàng là Nghiên cứu sinh Tiến sỹ chuyên ngành Sử học, Đại học Cornell.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét