Chế độ quân chủ cha truyền con nối lâu đời nhất thế giới đang suy yếu dần.
Chế độ quân chủ cha truyền con nối lâu đời nhất trên thế giới
không thuộc về nước Anh. Với 1.200 năm, nó chỉ là một đứa trẻ so với gia đình
hoàng tộc Nhật Bản. Các sử gia nói rằng Akihito, Nhật hoàng hiện tại (thứ ba từ
trái sang trong hình), có tổ tiên là Hoàng đế Jimmu (hậu duệ của nữ thần mặt trời
Amaterasu) 2.600 năm trước. Cha của ông, Nhật hoàng Hirohito trong thời chiến
tranh gây nhiều tranh cãi, được coi là arahito-gami – một vị thần trong hình dạng
con người. Mặc dù có nguồn gốc tổ tiên thần thánh, vị Nhật hoàng thứ 125 của Nhật
Bản đang phải chịu đựng nhiều bệnh tật nặng nề của con người: ở tuổi 83, ông sống
sót sau khi mắc ung thư tiền liệt tuyến và một cuộc phẫu thuật tim. Ông đã đề
nghị được thoái vị dù vẫn có thể thực hiện được các nhiệm vụ của mình, bao gồm
việc khai mạc quốc hội và thực hiện các nghi lễ và nghi thức với tư cách là người
đứng đầu Shinto, tôn giáo bản xứ của Nhật Bản. Điều đó đã gây ra nhiều lo lắng
cho các nhà truyền thống chủ nghĩa. Tại sao họ lại lo lắng?
Akihito trị vì trên một cây gia phả bị suy yếu, vốn bị “cắt
tỉa” mạnh tay sau Thế chiến II bởi các nhà cải cách người Mỹ, những người muốn
hạn chế số người tuyên bố có liên hệ với gia đình hoàng tộc. Họ loại bỏ 11
trong số 12 nhánh của gia đình hoàng tộc và giáng cấp 51 thành viên xuống địa vị
thường dân, hạn chế thành viên hoàng tộc nằm trong số các hậu duệ nam trực hệ,
hợp pháp của Nhật hoàng Taisho, cha của Hirohito. Những người thừa kế kề cận nhất
của Akihito là hai người con trai trung niên có vợ đã quá tuổi sinh con, những
người này có ba người con gái và một người con trai. Luật thừa kế ngai vàng chỉ
dành cho con trai của Nhật đã nghiêm cấm các cháu gái của Nhật hoàng kế thừa
ngôi vị. Điều này đổ toàn bộ gánh nặng của cả thể chế này lên đôi vai của người
cháu trai duy nhất mới 10 tuổi của Nhật hoàng là Hoàng tử Hisahito. Tình thế tiến
thoái lưỡng nan này đã có thể được giải quyết bằng cách cho phép việc mang thai
hộ, hoặc cưới thê thiếp. Nhưng điều đó không còn là một lựa chọn nữa. Nếu không
có cải cách, hoàng tử trẻ có thể là hoàng tử cuối cùng của một dòng tộc lâu đời.
Tháng trước, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã chấp thuận
một điều khoản áp dụng một lần, cho phép Akihito từ bỏ địa vị, nhưng lại lẩn
tránh một giải pháp rõ ràng nhất để giải quyết vấn đề thiếu trẻ em trong hoàng
cung: một nữ Nhật hoàng. Các chính trị gia theo tư tưởng tự do muốn làm sống dậy
một cuộc tranh luận đã nổ ra cách đây nhiều năm khi thủ tướng lúc bấy giờ,
Junichiro Koizumi, dường như sắp sửa sẵn sàng cho phép người kế vị là nữ giới.
Cuộc tranh luận đã bị dập tắt sau khi Hisahito ra đời vào năm 2006. Chính phủ
đang cố gắng để tránh can thiệp quá nhiều vào Luật Hoàng tộc, để tránh đưa ra
những câu hỏi xa hơn. Các cử tri bảo thủ của ông Abe phản đối nữ giới kế vị vì
sợ rằng nó sẽ làm giảm “sự thuần khiết” của dòng tộc hoàng gia, mặc dù họ đã miễn
cưỡng cho phép một sự nhượng bộ để kêu gọi thảo luận thêm về khả năng thành lập
các gia tộc nhánh do các thành viên nữ đã lập gia đình đứng đầu. Kể cả điều này
vẫn khiến các lựa chọn còn vô cùng hạn chế.
Hầu hết những người trẻ tuổi đều thờ ơ với gia đình hoàng tộc,
và các thành viên của gia đình này đã phải vật lộn tìm kiếm một vai trò trong một
quốc gia không cho phép họ có cùng một vị trí trong các hoạt động từ thiện và
quân sự như Hoàng gia Anh. Tuy nhiên, họ có thể sẽ vẫn tồn tại. Những người
theo chủ nghĩa truyền thống tin rằng Nhật hoàng là một vị trí giống như linh hồn
hay tinh hoa của Nhật Bản, và họ sẽ mạnh mẽ chiến đấu để bảo vệ điều này. Ông
Abe đã đề nghị nối lại các nhánh của cây gia phả đã bị cắt bỏ trong thời gian
chiếm đóng của Mỹ, như là một cách để bổ sung thêm lựa chọn cho vị trí Nhật
hoàng trong tương lai. Nhưng có những nghi ngờ sâu sắc về việc cho phép các
thành viên của gia đình hoàng tộc đã bị gạch tên sau chiến tranh nay quay trở lại:
một báo cáo được viết trong thời Koizumi về cơ bản đã chỉ rõ điều đó. Cuối
cùng, cuộc thảo luận có thể sẽ trở lại với vấn đề người kế vị nữ. Bảy trong số
14 phụ nữ trong hoàng tộc vẫn chưa lập gia đình. Công chúng thể hiện sự ủng hộ
mạnh mẽ đối với việc cho phép một người trở thành nữ Nhật hoàng. Tuy nhiên, trước
khi điều đó thành hiện thực, vẫn còn nhiều các diễn biến phức tạp có thể xảy
ra.
Nguồn: “Why is the Japanese monarchy under threat”, The Economist, 02/06/2017
Nguồn: “Why is the Japanese monarchy under threat”, The Economist, 02/06/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét