Tổng Bí Thư CS Nguyễn
Văn Linh và quốc tổ Hùng Vương, ai đáng kính trọng hơn? “Đó là câu hỏi ngu!” Những
người có chút ít nhận thức chính trị và lịch sử, chẳng những không trả lời mà
còn mắng ngược kẻ đặt ra câu hỏi.
Làm thế nào Nguyễn Văn Linh, một trong những người đã ký mật
ước Thành Đô quy thuộc Trung Cộng lại có thể đem so với vị vua đã sáng lập nên
nước Văn Lang của dòng giống Lạc Việt?
Làm thế nào một lãnh đạo của chỉ ba triệu đảng viên CS lại
có thể đem ra so sánh vua Hùng, sáng tổ của cả dân tộc?
Và đừng quên không có vua Hùng đã không có một nước tên gọi
Việt Nam trên bản đồ thế giới trong khi nếu không có đảng CSVN lại là một điều
vô cùng may mắn cho dân tộc Việt Nam.
Sự thật khó tin nhưng chính các lãnh đạo CSVN, có văn bản
đàng hoàng, cho rằng TBT CSVN Nguyễn Văn Linh đáng kính trọng hơn Quốc Tổ Hùng
Vương.
Theo nội dung Quyết Định số 1063/QĐ-TTg do Nguyễn Tấn Dũng
ký ngày 2 tháng 7, 2015, phê duyệt kế hoạch tổ chức các ngày lễ trong hai năm
2014 và 2015, ngày sinh của Nguyễn Văn Linh 01/07 được đảng CSVN được xem như
ngày lễ “Quy Mô Cấp Quốc Gia” trong khi này Giổ Tổ Hùng Vương Mùng 10 tháng 3
năm Ất Mùi 2015 chỉ là lễ địa phương và bị đưa xuống hàng cấp tỉnh. Theo Quyết
Định này, vua Hùng bị xếp ngang hàng với Trần Phú, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc
Việt, Nguyễn Chí Thanh.
Nguyên văn: “Ngày lễ lớn do Ban Tổ chức cấp quốc gia chủ trì
tổ chức, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng Đề án trình Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt gồm: Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn
Linh (01/7/1915 - 01/7/2015).”
Nguyên văn: “Bao gồm kỷ niệm ngày sinh của các đồng chí lãnh
đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu; phong trào cách mạng;
sự kiện tiêu biểu và ngày truyền thống, ngày thành lập ngành; ngày giải phóng,
ngày thành lập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 1. Kỷ niệm 55 năm Ngày mở
đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2014). Bộ Quốc phòng đã tổ chức. 2. Giỗ Tổ
Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 năm Ất Mùi - 2015). Giao tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức...”
Quyết định của lãnh đạo CSVN phát xuất nhiều lý do như người
viết đã trình bày trong các bài viết, nhiều nhất trong bài Bàn về tẩy não, xin
tóm tắt lần nữa dưới đây:
- Tiếp tục tẩy não các thế hệ Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ:
Một khi chính sách tuyên truyền tẩy não không còn tác dụng, đảng CS sẽ tắt thở.
Đó là trường hợp của Liên Xô.
Trong lúc “bóng ma chủ nghĩa cộng sản,” mà Karl Marx dùng để
thách thức quyền lực của các nhà nước tư sản giữa thế kỷ 19 trong Tuyên Ngôn Đảng
Cộng Sản, đã chìm vào quá khứ và đại đa số nhân loại đang hăng say tiến bước
trên con đường dân chủ hóa. Việt Nam thì chưa. Tại Việt Nam, hàng triệu học
sinh, sinh viên mỗi ngày vẫn phải học thuộc một cách từ chương những khái niệm,
những định nghĩa sai lầm và lỗi thời.
Tại Việt Nam, bệnh sùng bái cá nhân, tôn thờ lãnh tụ vẫn còn
đang chế ngự trong hầu hết các lãnh vực của đời sống văn hóa và tinh thần đất
nước. Không một giáo án, giáo trình, diễn văn, tham luận, tuyên ngôn, tuyên cáo
nào mà không trích dẫn vài câu nói của các lãnh tụ CS. Sự nô lệ tri thức như là
một loại vi trùng sinh sôi và lan rộng trong từng con người, qua nhiều thế hệ,
xói mòn và tàn phá tính khai phóng, làm thui chột tính sáng tạo trong con người.
- Đồng nghĩa lịch sử đảng CS và lịch sử dân tộc: Lãnh đạo đảng
CSVN đang cố gắng tuyệt vọng vực dậy những xác chết, những tên tuổi đang bị
lãng quên, vùi lấp trong làn sóng văn minh dân chủ thời đại để đánh đồng họ với
các anh hùng dân tộc thật sự khác.
Tuy nhiên, những lãnh đạo CS đã chết, từ chết trẻ như Lý Tự
Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, chết già như Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng,
Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, chết trong chiến tranh như Nguyễn Chí Thanh
v.v... chỉ là đảng viên CS, không có liên hệ một chút gì đến lịch sử Việt Nam.
Có người có thể sẽ phản biện rằng, họ là người CS nhưng đồng
thời là người yêu nước. Không. Những người kể trên là đảng viên CS, đã sống và
chết như những người CS. Mục tiêu CS hóa Việt Nam là canh bạc của đời họ. Bằng
chứng rõ ràng. Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Tự Trọng và nhiều đảng viên CS khác khi
bước lên máy chém đều hô lớn “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm,” không ai
trong số họ hô “Việt Nam vạn tuế” hay “Việt Nam muôn năm” như các đảng viên Việt
Nam Quốc Dân Đảng đã hô tại Yên Bái sáng sớm ngày 17 tháng 6 năm 1930.
Một người sắp chết thường nghĩ về cội nguồn. Đó là cha mẹ,
quê hương, dân tộc, tổ quốc. Người CS chỉ biết nghĩ về đảng vì đảng là cội nguồn
của họ.
Như người viết đã phân tích trước đây, đó cũng là điểm khác
biệt chính giữa các đảng cách mạng thật sự chiến đấu vì tự do, độc lập của dân
tộc và đảng CSVN. Với những người yêu nước chân chính, đảng cách mạng chỉ là
chiếc ghe để đưa dân tộc Việt Nam qua bờ tự do độc lập trong khi với Đảng Cộng
sản chiếc ghe lại chính là dân tộc chuyên chở tham vọng của đảng.
Các nước cựu CS Đông Âu và thế giới xử trí sao với những
"Nguyễn Lương Bằng,” "Hoàng Quốc Việt", "Nguyễn Chí
Thanh", “Nguyễn Thị Minh Khai.”.. của họ?
Ngày lễ kỷ niệm những người này tại các nước cựu CS rất dễ
giải quyết. Tên tuổi họ tức khắc bị gạch ra khỏi lịch và nhanh chóng rơi vào
quên lãng. Nhân dân các nước Cộng Hòa non trẻ quá bận tâm lao vào cuộc chạy đua
với nhân loại để hiện đại hóa đất nước, chẳng còn ai có thì giờ nghĩ đến chuyện
xưa, mới đó nhưng chừng già hơn trái đất.
Tuy nhiên, việc phá hủy các tượng đài là cả một vấn đề vì phải
tốn nhiều công sức và tranh luận.
Các nhà sử học Đông Âu gọi tượng đài các “anh hùng CS” là
gia tài không ai muốn nhận (unwanted heritage) hay như hai tác giả W. Logan và
K Reeves gọi là gia tài nan giải trong tác phẩm Những nơi đau nhức và nhục nhã,
đương đầu với một “gia tài nan giải” (Places of pain and shame: dealing with
"difficult heritage").
Chẳng hạn việc phá hủy bức tượng khổng lồ của Enver Hoxha
(Lê Duẩn của đảng CS Albany) đã gây nhiều tranh cãi. Một số sử gia cho rằng nên
giữ tượng Enver Hoxha để các thế hệ sau này khi học về một chế độ độc tài tàn bạo
sẽ đến ngay đó để xem mặt mày của y ra sao. Nhiều nơi vẫn còn giữ lại một số tượng
đài trong ý nghĩa đó. Một số tượng đài khác bị bỏ hoang. Số phận của chúng giống
như những lô cốt thời thực dân còn lại. Quốc kỳ cũng vậy, tất cả quốc gia cựu
CS không dùng lá cờ dưới chế độ CS trước đây bị gọi là “cờ tổ quốc,” trong trường
hợp Việt Nam là cờ đỏ sao vàng, làm quốc kỳ cho kỷ nguyên Cộng Hòa mới của đất
nước họ.
Riêng chính phủ Hungary có một sáng kiến hay. Họ muốn nhắc
nhở các thế hệ mai sau một quá khứ hãi hùng, đau thương của đất nước, một bài học
mà các thế hệ trẻ phải học để tránh, nên thay vì phá hủy, đã tập trung các “Bác
Hồ,” “Lý Tự Trọng,” “Nguyễn Thị Minh Khai,” “Lê Hồng Phong,” “Phan Đăng Lưu”
v.v... của nước họ vào một công viên gọi là Memento Park, địa chỉ 1223 Budapest
Balatoni road, Szabadkai street corner, Hungary.
Công viên này là trung tâm du lịch nổi tiếng ở Budapest. Phải
mua vé mới được vào xem mặt các “anh hùng.” Bộ trưởng Giáo Dục Hungary Zoltán
Pokorni phát biểu “Tôi nghiên cứu các kế hoạch của đề án Memento Park với một
quan tâm rất lớn. Tôi thấy đây là một kế hoạch đầy hứa hẹn để giữ ký ức lịch sử
còn sống và tăng cường ý thức của công dân về trách nhiệm và cam kết để giữ gìn
nền dân chủ… Công viên sẽ được sinh viên học sinh, những em không có kinh nghiệm
và ký ức riêng tư, thăm viếng thường xuyên, nhờ đó có cái nhìn sâu xa và ấn tượng
của một thời đại được biểu hiện trong công viên.”
Việt Nam rồi cũng thế. Một ngày những thế hệ trẻ Việt Nam sẽ
đến những nơi tương tự không phải để thưởng ngoạn hay thăm viếng nhưng để học về
sự chịu đựng vô bờ bến của ông bà họ trên đoạn đường đầy máu và nước mắt mà dân
tộc Việt đã phải đi qua.
Trần Trung Đạo
(Trích trong Chính Luận Trần Trung Đạo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét