Khi ông Phan Văn Sáu không đủ sức khỏe xin thôi chức Tổng
Thanh Tra Chính Phủ, ông chẳng những không được nghỉ hưu mà lại được đánh giá
là đủ sức khỏe và năng lực để bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh Sóc Trăng, là lúc chính
sách bổ nhiệm cán bộ đã đạt đến đỉnh điểm lo sợ.
Chính TBT Nguyễn Phú Trọng, trong Hội nghị cán bộ toàn quốc
về quán triệt nghị quyết đại hội XII, đã nhắc lại câu vè dân dã về phương thức
bổ nhiệm cán bộ : “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”.
Đến TBT của Đảng mà còn lo ngại thì con dân làm sao không lo
sợ.
NHỮNG CON “DAO PHA” LÀM NGUY ĐẤT NƯỚC
Sáng nay được tin Bộ Chính Trị phân công ông Trần Sỹ Thanh,
UVTƯĐ, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn đi giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương
kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và bà Lâm
Phương Thanh, UVTƯĐ, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương đi nhận chức Bí thư Tỉnh
ủy Lạng Sơn thay ông Trần Sỹ Thanh.
Ông Trần Sỹ Thanh làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn được 2 năm 53
ngày (29/10/2015-24/12/2017). Trước đó, ông được giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc
Giang 2 năm 254 ngày (13/2/2012- 29/10/2015). Trước nữa, ông Thanh từng là Phó
tổng giám đốc Kho Bạc Nhà nước rồi Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk.
Còn bà Lâm Phương Thanh từng là Bí thư TƯ Đoàn TNCS HCM khóa
VII, IX. Bà được điều về làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ngày
18/11/2011 rồi bổ nhiệm lại hồi tháng Ba năm 2017.
Theo cách điều động cán bộ của Đảng thì có thể ví ông Trần Sỹ
Thanh và bà Lâm Phương Thanh là những con “dao pha” của Đảng. Tổng quát, mỗi
UVTƯĐ là một con “dao pha”. Chức vụ lãnh đạo nào cũng đảm nhận được.
Một cách nôm na, dao pha là loại dao lưỡi lớn sắc bén đa
năng. Ví người như con dao pha là nói người sắc bén toàn năng, sử dụng được
trong nhiều trường hợp, đặc biệt là vào những hoàn cảnh khó khăn.
Nhưng chức vụ lãnh đạo không phải là trò đùa. Tổng thống
Obama tuy xuất chúng như vậy, nhưng rất khó nói là ông sẽ làm tốt được trong
vai trò tổng giám đốc của một tập đoàn kinh tế, chẳng hạn như tập đoàn dầu khí
ExxonMobil.
Nay Bộ chính trị điều ông Trần Sỹ Thanh về đảm nhận vị trí
quan trọng, đứng đầu PVN, thì không chỉ khó cho PVN phát triển mà còn tiềm ẩn
nguy hại cho chính ông Trần Sỹ Thanh. Ông Trần Sỹ Thanh không am hiểu về kỹ thuật
dầu khí, mà lại nắm trong tay nguồn tài sản sinh tiền lớn nhất của Việt Nam hiện
nay thì nguy nhiều hơn an. Ông không đủ năng lực để xác định hướng đầu tư của dầu
khí Việt Nam. Ông không đủ chuyên môn để đàm phán các hợp đồng khai thác dầu
khí với các đối tác quốc tế. Ông Đinh La Thăng dường như tỏ ra nhiều kinh nghiệm
và năng lực hơn ông Trần Sỹ Thanh, được nhiều người cho là giỏi, thế mà còn gục
ngã tại chính PVN sau khi đã tàn phá ngành dầu khí Việt Nam. Ông Trần Sỹ Thanh
nếu trong sạch, không tham nhũng, thì cũng khó đủ chất xám để đảm đương một vị
trí hệ trọng mang lại nhiều tiền bạc như Chủ tịch ngành dầu khí Việt Nam.
Trường hợp bà Lâm Phương Thanh là cán bộ đoàn, cán bộ tuyên
giáo, mà nay bổ nhiệm làm người đứng đầu tỉnh Lạng Sơn thì thật khó có cơ hội
cho Lạng Sơn phát triển giàu mạnh. Nguy hơn, Lạng Sơn là tỉnh tiếp giáp với
Trung Quốc, có các cửa khẩu quan trọng, nên là địa bàn trọng điểm về an ninh quốc
gia và bán buôn qua biên giới, thực sự là nơi tiền tiêu đầu sóng ngọn gió. Đứng
đầu Lạng Sơn phải là người giỏi. Bà Lâm Phương Thanh rõ ràng khó tương năng với
vị trí người đứng đầu tỉnh trọng điểm Lạng Sơn.
Vận mệnh một tỉnh, một tập đoàn kinh tế lớn của nước nhà,
không thể là vật thí nghiệm diễn tập của các cán bộ phong trào.
NHỮNG HỆ LỤY NGUY HIỂM TRONG CHÍNH SÁCH BỔ NHIỆM CÁN BỘ
Không có nước nào có cách lựa chọn cán bộ lãnh đạo kỳ lạ như
Việt Nam.
Những cán bộ được dự kiến cơ cấu vào UVTƯĐ (gọi là cán bộ
nguồn), thường được điều động đến các tỉnh làm phó bí thư hay phó chủ tịch. Thời
gian ngắn sau đó (ít tháng cho đến vài năm) là điều động đi nơi khác với chức
cao hơn. Kỳ đại hội tiếp theo là cơ cấu thành UVTƯĐ.
Những cán bộ dạng này, vì biết trước là ngồi tạm để di chuyển,
nên không nắm việc, không hành động. Còn địa phương thì cũng biết trước chỉ là
ghế ngồi nhờ, nên không quan tâm.
Thế mà họ trở thành UVTƯĐ. Họ đương nhiên được làm bộ trưởng.
Họ đương nhiên được làm bí thư tỉnh ủy, đứng đầu một tỉnh cai quản sinh mệnh
hàng triệu dân.
Một con đường tiến thân khác nữa để trở thành UVTƯĐ là làm
cán bộ đoàn, cán bộ tuyên giáo.
Bởi vậy, chính sách bổ nhiệm cán bộ mới dẫn đến hệ lụy nguy
hiểm. Không đi vào diễn giải, xin liệt kê các hệ lụy cơ bản.
1. Không khoa học nên không chọn được người giỏi.
2. Ngồi tạm không ấm chỗ nên không nắm được việc.
3. Sợ va chạm nên không hành động.
4. Lợi dụng quan hệ ruột thịt họ hàng.
5. Thúc đẩy kẻ dưới hối lộ chạy chức.
6. Nuôi dưỡng kẻ trên tham nhũng.
7. Là con đường xây dựng thế lực, phe phái, bè nhóm.
Tại sao lãnh đạo biết những hệ lụy nguy hại của chính sách bổ
nhiệm cán bộ hiện nay mà vẫn không loại trừ được?
Tại sao chỉ chữa các bệnh ngoài da mà không chữa các bệnh
căn nguyên trong tâm can?
Trong 7 điểm nêu trên, quan trọng nhất là điểm số 1. Nếu đưa
ra một quy trình khoa học để tuyển chọn cán bộ thì quyền lực của những người ra
quyết định, cụ thể ở mức cao nhất, là Ban Bí Thư, Ban tổ chức Trung ương và Bộ
Chính Trị, sẽ không còn uy lực nữa.
Nói một cách khác, quy trình khoa học tuyển chọn cán bộ sẽ
loại trừ quyền lực lãnh đạo độc tôn. Quy trình khoa học tuyển chọn cán bộ không
chỉ loại trừ một cá nhân, một tập thể mà cả một đảng phái.
Bởi thế đang nắm quyền lãnh đạo, không ai muốn đưa ra quy
trình khoa học để loại bỏ chính mình. Ngoại trừ những bậc thánh nhân yêu nước
tha thiết.
Nhưng chính sách bổ nhiệm cán bộ không chỉ ảnh hưởng đến quyền
lực lãnh đạo của Đảng, mà hệ trọng hơn là nó sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia
và sự cường thịnh của đất nước. Đây là lúc phải đặt lợi ích của đất nước lên
trên lợi ích giai cấp.
Tiếc thay, chưa nhìn thấy thánh nhân. Số phận đất nước vì thế
sẽ còn rất gian truân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét