TBT Nguyễn Phú Trọng với các cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Pháp Luật Plus
Ông bà người Việt đã dậy: “Nói lời thì giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay”, đằng này Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng chẳng những cứ nuốt như uống nước mà còn nói mãi “cái lò đã nóng lên rồi”,
nhưng rừng cây tham nhũng thì vẫn bạt ngàn xanh tươi. Vì vậy mà ông
Trọng đã bị cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ, Hà Nội quay như con dế trong
buổi tiếp xúc ngày 29/11/2017.
Từ
chuyện “tinh giảm biên chế mà cứ phình to ra mãi” cho đến “không thu
được tài sản tham nhũng” và “kẻ bị kỷ luật lại được thuyên chuyển đi nơi
khác an toàn” là những vấn đề cử tri chất vấn ông Trọng. Nhưng tất cả
thắc mắc và than phiền lần này vẫn không mới mà chỉ được lập lại như
hàng chục lần ông Trọng tiếp xúc với dân trong mấy năm qua. Điệp khúc
tham nhũng quen thuộc của lãnh đạo Cộng sản từ trên xuống dưới là khi
nào cũng “vẫn còn nghiêm trọng và tinh vi” nên năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước.
Tại
sao? Theo cử tri thì chứng bệnh trầm kha trên bảo dưới không nghe vẫn
tồn tại tự nhiên như người Hà Nội nên tình hình chống tham nhũng vẫn trơ
ra như đá, hay “trên nóng dưới lạnh”. Trong khi nhiều kẻ tham nhũng tuy
chịu phạt nhưng tài sản tham nhũng không mất nên vẫn sẵn sàng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, theo nhận xét của cử tri Hà Nội.
Cử tri Nguyễn Ngọc Hạc (Tây Hồ) nói với ông Trọng rẳng: “Nguyên nhân sâu xa là sự tha hóa biến chất của cán bộ.”. Ông yêu cầu nhà nước “cần loại bỏ nạn mua quan bán chức“.
Trong
khi cử tri Phan Văn Nhâm (quận Tây Hồ) nêu bức xúc sau khi biết kết quả
thanh tra những vấn đề liên quan đến ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc
Sở TN&MT (Tài nguyên và Môi trường) Yên Bái.
Ông nói: “Nhân
dân cảm thấy không thuyết phục, ông Quý danh hiệu đảng viên vẫn còn,
tài sản vẫn còn nguyên vẹn, việc kiểm tra xử lý còn chùn bước. Nhân dân
chúng tôi đặt câu hỏi, trong phòng chống tham nhũng không có vùng cấm
nhưng liệu còn có vùng nể, vùng tránh hay không?” (theo Zing.VN, ngày 29/11/2017)
Trả lời cử tri, theo Zing.VN: “Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định các ý kiến được nêu ra đều “không cãi
vào đâu được”. Tham nhũng là thực trạng nghiêm trọng.”
Ông nói: “Không
kỳ tiếp xúc nào cử tri không nói đến và kỳ họp nào Quốc hội cũng bàn.
Người dân đồng thuận, Trung ương có thế để làm. Chúng ta phải đi từng
bước vững chắc, đồng lòng.”
Nhưng
chuyện “không cãi vào đâu được” đã có từ thời ông Trọng chưa làm Tổng
Bí thư cơ mà. Tại sao cứ tồn tại mãi hả Bác Trọng? Chả nhẽ ông nói như
thế chỉ để cho lỗ tai dân bớt ngứa để ông có thể kéo dài thời gian đối
đầu với tham nhũng mà không bị lên án nói nhiều mà làm chẳng được bao
nhiêu?
Chẳng thế mà ông đã đẻ ra chiến thuật “chậm mà chắc”, dù thật sự ông đã hết khả năng chống tham nhũng sau hơn 6 năm cầm quyền.
Ông nói: “Phòng,
chống tham nhũng phải làm bài bản, chắc chắn, các đối tượng tâm phục,
khẩu phục…việc điều tra các vụ án ở lĩnh vực này cần phải nêu được chứng
cứ rõ ràng, tội phạm phải chịu nhưng không vì thế mà trì hoãn, cho chìm
xuồng… Đây là cuộc đấu tranh rất gian khổ, lâu dài, kiên trì, không
nóng vội, bước đi phải chắc chắn, làm nhưng phải giữ được ổn định. Không
phải thi hành kỷ luật thật nhiều mới là thành công mà cốt là đánh thức
người ta dậy để đừng vi phạm khuyết điểm, đấy mới là thành công… Mở
đường cho người ta tiến mới là thành công.” (theo ViệtNamNet, 29/11/2017)
Vậy
ra chống tham nhũng theo chiến thuật Nguyễn Phú Trọng là “vẽ đường cho
Hươu chạy”, hay bắt chuột mà chớ làm vỡ bình thì chống hay che?
TÀI SẢN KHÔNG CÁNH MÀ BAY
Báo chí Việt Nam cũng đưa tin: “Về
việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, Tổng bí thư thừa nhận đang là
khâu yếu. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật thì tội phạm biết cải tà
quy chính, tình nguyện trả lại tài sản sẽ được giảm hình phạt.”
Ông tung mồi câu: “Cụ
thể, từ đầu năm 2018, người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản,
Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản
tham nhũng và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát
hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án
tử hình với họ. Hình phạt tử hình được chuyển thành chung thân.”
Đấy
là ông Trọng kỳ vọng được như thế. Nhưng nếu căn cứ vào qúa khứ thu hồi
thì ông Trọng hãy nghe Phó Giám đốc Công an Thành phồ Hồ Chí Minh kiêm
Thủ trưởng cơ quan điều tra, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng, phát
hiện, chống tham nhũng không thể nói ít hay nhiều.
Ông nói: “Phát
hiện thiệt hại vụ sau lớn hơn trước, do nhiều cơ chế, trong đó tài sản
tích tụ của nhà nước giao cho cá nhân chịu trách nhiệm nhiều.
Để
xảy ra hệ quả, thường là phát hiện chậm, hành vi tham nhũng xảy ra phải
đến 10 năm sau mới phát hiện, tỉ lệ thu hồi thấp, việc tẩu tán tiêu thụ
đã hoàn thành.”
Bài viết của ViệtNamNet (VNNET) ngày 8-3-2016 dẫn lời Thiếu tướng Phan Anh Minh nói rằng: “Việc
kê khai tài sản là một giải pháp “ảo”, không mang lại tác dụng răn đe,
chỉ có tác dụng “đút ngăn kéo”, còn kê khai đúng không thì không ai
biết.”
Ông
cho hay, có một số vụ án dù được sự đồng tình của Thường vụ Thành ủy
thành phồ Hồ Chí Minh nhưng công an Thành phố vẫn không tiếp cận được
bản kê khai tài sản của cán bộ vi phạm.
Ông nói: “Như thế bản kê khai để hộc bàn không ý nghĩa gì cả”.
Bằng
chứng như tại buổi điều trần trước Quốc Hội ngày 28/20/2016, cả nguyên
Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu và Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị
Nga đã cho biết:
“Năm 2015, số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn
1 triệu người), tỉ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127
bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện
ra vi phạm.”
Vì
vậy, chính phủ cũng nhìn nhận bất lực trong báo cáo với Quốc hội. Theo
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy thì: “Trong 10 năm số thiệt hại do tham nhũng
gây ra là 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất nhưng số thu hồi chỉ là 4.676 tỷ
đồng và 219ha đất, tức là chỉ trên dưới 10%. (VTC News, ngày 21/11/2017)
Lý do chỉ thu được duới 10% vì, theo bà Thủy: “Pháp
luật hiện hành chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản không giải trình
được nguồn gốc hợp pháp. Thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai
không đúng nhưng chỉ áp kỷ luật đối với chính người kê khai, có thể là
khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là cách chức chứ không thể đụng được vào
khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ.”
Bà nói: “Muốn
xử lý tịch thu khối tài sản này thì phải thông qua một vụ án hình sự,
từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều
vụ án sẽ không còn tài sản để thi hành án.”
Như vậy thì khi ông Trọng thừa nhận trước cư tri ngày 29/11/2017 rằng “việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có đang là khâu yếu” mà không nói đến trách nhiệm của đảng và nhà nước gây ra vì “chưa có cơ chế để xử lý” thì lỗi này không phải của ông Trọng, người có quyền lực bao trùm cao nhất thì của ai?
Ngày cả Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng nhìn nhận điều tra các vụ án tham nhũng rất khó, vì:“ Người tham nhũng thường có quan hệ, có thủ đoạn và giỏi che giấu hành vi.”(VTC News, 18/11/2017)
Trả lời cho thắc mắc tại sao nhiều vụ án khởi tố từ năm 2014 đến nay chưa kết thúc? Ông Lâm đáp: “Trước
hết chủ thể rất đặc biệt, có thủ đoạn, có quan hệ, có chuyên môn để che
dấu hành vi. Các vụ án tham nhũng do nhiều đối tượng thực hiện, hành vi
được che đậy, các đối tượng quan hệ chặt chẽ, thông tin khép kín trong
phạm nhất định.
Ngoài
ra, khó khăn do việc điều tra các vụ án có yếu tố nước ngoài liên quan
tới hoạt động tương trợ tư pháp. Bên cạnh đó, công tác giám định còn
nhiều hạn chế. Có tình trạng một số cơ quan, cá nhân được trưng cầu giám
định cố tình kéo dài thời gian giám định dẫn đến việc án tham nhũng
không thể xử lý.”
Thêm vào đó có nhiều “vụ án tham nhũng phải trả hồ sơ bổ sung”, vì theo Bộ trưởng Công an: “Các
vụ án này thường xảy ra lâu mới được phát hiện, hành vi tham nhũng được
che đậy, đối tượng đã cất giấu tài sản, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài
liệu.”
Như
thế là hòa cả làng. Còn chống với chế gì nữa ông Trọng? Bởi lẽ chỉ là
đảng viên và viên chức có chức có quyền mới có thể tham nhũng và ăn no
béo mập. Luật phòng, chống tham nhũng cũng do đảng viết rồi trao cho
Quốc hội của đảng chấp thuận thì “ai trồng khoai đất này”?
Nhân dân chỉ có cái khố đeo thân thì có muốn tham nhũng cũng chả ma nào cho. Như vậy thì câu tuyên truyền nhảm nhí “Ngoài lợi ích của người dân, Đảng không còn lợi ích nào khác” mới
được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn
Thưởng lập lại ngày 27/11/2017, tại buổi tiếp xúc với cử tri Thành phố
Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có nghĩa lý gì không?
Tại cuộc tiếp xúc, khi nói đến quốc nạn tham nhũng,ông Thưởng cho biết: “Tham
nhũng thì nước nào cũng có, nhưng ở nước ta nhiều hơn, có lẽ do việc
phòng chưa tốt, nên việc chống tham nhũng sẽ ngày càng được xử lý triệt
để, khắc phục tình trạng nặng dưới nhẹ trên.”
Tại sao lại “ có lẽ do việc phòng chưa tốt” nên
tham nhũng ở Việt Nam nhiều hơn nước khác? Ở địa vị như ông Thưởng, cầm
đầu ngành tuyên truyền của đảng, mà còn ngại không dám nói toặc móng
heo ra lý do “chưa tốt” vì tham nhũng đã nắm đầu nhiều lãnh đạo chủ chốt
từ khi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người được nói là cha ruột của ông
Thưởng, còn tại chức cơ mà?
GIẢM MÀ CỨ TĂNG
Chẳng
hạn như chuyện giảm biên chế, tức số viên chức, cán bộ ăn lương của dân
mà nhà nước muốn cắt bớt từ chục năm nay, có làm nổi đâu
Tài
liệu chính thức phổ biến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập,
quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ
6 liên quan đến biên chế ngày 29/11/2017 cho thấy: “Theo
Nghị quyết số 39-NQ/TW (ngày 17-4-2015) của Bộ Chính trị, mỗi năm phải
tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người mới
theo tiến độ nhưng thực tế ngược lại, không giảm được mà còn tăng lên
96.000 người.”
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tổ chức nhìn nhận: “Bộ
máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối
bên trong của các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng phình ra,
hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu.”
Ông Chính đã đưa ra nhiều con số “lạm phát nhân viên” đến chóng mặt. Ông nói: “Cả nước có 42 tổng cục tăng 2 lần so với năm 2011; 826
cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%; 7.280 phòng trong tổng cục, tăng
4,7% so với năm 2011; 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ, tăng 13,6%;
3.970 phòng trực thuộc bộ tăng 13% so với năm 2011.
Số
liệu này chưa kể quân đội và công an. Riêng các cơ quan giúp việc của
Trung ương tăng 23 đầu mối (21,9%) và 40 đầu mối cấp vụ tăng 21%; đầu
mối cấp phòng cũng tăng 37,4%;…
Từ
năm 2011 đến năm 2015 chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi ngân sách,
tăng 2,2 lần so 5 năm trước. Những năm gần đây, tổng chi thường xuyên
đều tăng. Năm 2014 là 704.000 tỷ; năm 2015: 777.000 tỷ tăng 10,3% so
2014; năm 2016: 837.000 tỷ tăng 1,7% so với năm 2015; dự toán chi năm
2017 là 900.000 tỷ, tăng 7,87% so với năm 2016, tăng 16,25 so với năm
2015 (năm ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế). Trong chi
thường xuyên này, chi cho con người là cao (lương và phụ cấp khác chiếm
53%).”
Nhưng
tại sao lại thu vào nhiều người như thế mà đảng không làm gì được? Tại
vì hầu hết là con ông cháu cha, chỗ quen thân và có ăn chia, đóng hụi
với nhau giữa các nhóm lợi ích lãnh đạo nên đã nhận vào thì khó mà thải
ra sợ chạm đến quyền lợi của nhau.
Vì vậy, ông Phạm Minh Chính mới nói huỵch toẹt ra: “Số
lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị còn nhiều chiếm tỷ lệ
cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan Trung ương còn nhiều. Cả nước hiện
có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng chiếm 21,7% trong
tổng số cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện.
Cứ
5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có
cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, không có ai là chuyên viên. Có vụ có 6
hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng
phòng, thậm chí có vụ có 19 hàm phó vụ trưởng.”
Ông nói: “Chúng
ta đang lạm phát cấp phó, đây là việc rất rõ. Mỗi bộ có từ 5- 6 cấp
phó, thiếu bổ sung rất nhanh nhưng vẫn kêu không đủ người đi họp, rõ
ràng cơ chế vận hành có vấn đề, chức năng nhiệm vụ có vấn đề.”
Vì
vậy mà một số thống kê cho thấy có đến trên 30 phầm trăm cán bộ, viên
chức không có việc làm mà vẫn ăn lương để rủ nhau đi nhậu mỗi ngày và
manh mối tư lợi thì ngân sách nào chịu cho thấu ở một nước nghèo như
Việt Nam?
Nhưng chưa hết, vẫn theo những con số phổ biến bởi ông Phạm Minh Chính thì: “Về
đơn vị hành chính cấp địa phương, năm 1986, cả nước chỉ có 44 đơn vị
hành chính cấp tỉnh, nhưng đến nay đã tăng thành 63 đơn vị cấp tỉnh. Như
vậy, sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện và
1.136 xã. Trong số đó, hiện cả nước có hơn 700 đơn vị cấp xã không đạt
tiêu chí về quy mô diện tích và dân số.”
Nói
cách khác, các quan chức cứ tự ý vẽ ra việc và xẻ thịt các huyện và xã
ra nhiều mảnh để lập ra các khu vực hành chính để tuyển nhân viên lấy
tiền đút túi.
Vậy
mà từ bao nhiêu năm nay, tính từ thời Tổng Bí thư khoá đảng VI Nguyễn
Văn Linh năm 1986 cho đến thời ông Trọng, khóa XII năm 2016, tổng cộng
30 năm mà không ai làm nổi việc tinh giảm biên chế và phòng, chống tham
nhũng để bớt hành dân thì cái đảng cầm quyền độc tài và chuyên chế CSVN
có còn xứng đáng tồn tại không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét